Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
VN: Thất nghiệp tràn lan, đổ xô đi bán hàng rong
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49322
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    VN: Thất nghiệp tràn lan, đổ xô đi bán hàng rong

    by music123 » Thứ 7 Tháng 3 18, 2023 10:36 am

    VN: Thất nghiệp tràn lan, đổ xô đi bán hàng rong

    3/18/23

    Hình ảnh

    Không ít du khách gặp nguy hiểm bởi loại chim giấy bay này. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)


    Bài NGUYÊN QUANG


    Tình trạng thất nghiệp kéo dài do dịch Covid-19 và kinh tế gia đình kiệt quệ do không có việc làm quá lâu đã dẫn đến hàng ngàn gia đình đang đứng trước bờ vực tan nát theo mọi nghĩa, và để cứu lấy bao tử, cứu lấy gia đình, người ta đổ xô đi làm đủ thứ việc, miễn sao có việc để làm. Bán hàng rong, xông đại vào bất kì quán xá nào để bán là một ví dụ điển hình trong vài tháng trở lại đây. Đặc biệt, thành phố du lịch Hội An, một trong các thành phố du lịch có lượng khách quốc tế đến nhiều nhất cũng là một trong những thủ phủ hàng rong hiện nay. Nó như một sự cứu rỗi, chẳng biết tương lai ra sao…


    Đi đâu cũng gặp hàng rong


    Anh Phó, một chủ nhà hàng ở phố cổ Hội An, chia sẻ, “Chưa bao giờ hàng rong khiến cho chúng tôi bất an như bây giờ!”

    Hình ảnh

    Hàng hóa thì nhiều mà chẳng mấy người mua. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)


    “Bất an vì điều gì và sao anh không yêu cầu họ vào nhà hàng phải lịch sự hoặc không được phép vào nhà hàng?”


    “Bất an không phải bởi vì họ vào nhà hàng khiến cho an ninh trở nên lộn xộn, bởi họ không bao giờ dám làm như vậy, đây là thành phố du lịch quốc tế, mọi thứ đều được quản lý rất chặt, nên họ đâu dễ qua mặt an ninh. Nhưng rõ ràng có một chính sách chung nào đó khiến cho họ mạnh dạng làm ăn, và nói đúng hơn là lúc này họ có vẻ tác oai tác quái, chẳng coi ai ra gì!”


    “Xin anh nói thêm về cái gọi là tác oai tác quái của họ được không?”


    “Trước đây, họ vào phải xin phép, bây giờ chính quyền để cho họ đi bán, mà hình như đó cũng là cách chia sẻ thất nghiệp của chính quyền, nên họ được đi bán tự do. Giả sử họ mời khách quá lì, mình nói thì họ tỏ ra khó chịu, mình đuổi họ đi thì coi như mình dính chưởng, vì không chừng sẽ có video clip ngay hôm đó về hành vi của mình, cộng đồng sẽ ném đá vì mình thiếu thông cảm, hoặc nói mình vô cảm, tàn nhẫn, ích kỉ… Chính vì vậy mà chẳng ai dám nói họ điều gì, càng lúc họ càng chèo kéo, vào nhà hàng của mình họ cũng chẳng cần xin phép ai, cứ như vậy mà vào, khách đang ngồi ăn uống họ cũng cứ chìa gương lược, các tấm card hoặc các bức tranh ra mời khách. Với khách Tây, chuyện như vậy là vô cùng khó chịu, khách không phàn nàn gì đâu, nhưng sẽ bỏ quán. Nhưng, quan trọng hơn là họ sẽ không ghé thêm lần nữa, thậm chí họ sẽ phản ảnh và một ngày nào đó…”

    Hình ảnh

    Một xe hàng rong ở Hội An. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)


    “Ngày nào đó, nghĩa là sao anh?”


    “Một ngày nào đó ngành du lịch cũng sẽ kiệt quệ và mũi nhọn kinh tế Việt Nam coi như cùn, mọi thứ trở nên tệ hại, thảm hại nữa chứ không đơn giản đâu. Bởi vì du lịch Việt Nam mang tai tiếng cũng không ít kể từ khi dịch bùng phát tới nay, nạn chặt chém khách của các quán mới mọc, nạn lừa khách, nạn trộm cắp, nạn móc túi cũng đã có, giờ thêm nạn chèo kéo. Anh cứ tưởng tượng khi anh đang ngồi ăn, có ai đó cứ đến dúi vào tay anh một mớ sản phẩm hoặc cứ đứng mời đủ điều, anh lắc đầu từ chối thì họ lại tiếp tục mời, đó là chưa nói đến nạn phóng chim giấy ngoài đường, rất khó chịu!”


    “Nạn phóng chim giấy ngoài đường là sao anh?”


    “Nhiều người xếp chim bằng giấy và tre, buộc dây thun để tạo đàn hồi cho cánh và lên dây, sau đó phóng chim lên trời, nó đập cánh do dây thun đàn hồi như thể bay thật. Đã có rất nhiều khách du lịch bị chim phóng thẳng vào người, thậm chí vào mặt, có người bị quấn tóc phải dừng lại gở cả buổi và bàng hoàng không biết chuyện gì đang xảy ra. Nhìn chung phố cổ trở nên rất lộn xộn, nhưng người ta phải cắn răng chịu đựng bởi vì giữa con người với con người, bây giờ người ta khó khăn, đi kiếm sống, nhưng giá như…!”

    Hình ảnh

    Gánh hàng rong ở phố cổ. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

    “Giá như thế nào anh?”


    “Giá như nhà nước có chính sách tốt hơn cho họ, phải qui định rõ ràng các hành vi và giới hạn hành vi trong lúc mua bán nhằm tạo ra gương mặt văn minh cho thành phố và tạo cho họ một nền tảng văn hóa. Chứ mọi thứ đều tự phát, đều cứu đói như hiện nay thì lộn xộn quá, mình cũng chẳng biết nói ra sao. Bởi vì cái tình hình chung là đói kém, mà anh biết rồi đó, khi mọi thứ thiếu thốn, người ta trở nên bát nháo và liều lĩnh. Đó là chưa nói đến những cuộc cạnh tranh ngấm ngầm giữa những người bán với nhau. Mà nếu như không kịp vãn hồi, làm lại trật tự thì chính trong các cuộc cạnh tranh đó sẽ phát sinh đàn anh đàn chị và đến một lúc nào đó, họ có phường, có hội, họ sẽ hành xử theo kiểu xã hội đen, rất khó nói. Lúc đó thành phố này trở thành một cái Chợ Lớn miền Trung cũng không chừng!”


    Một cuộc chuyển dịch khổng lồ


    Hình ảnh

    Đi đâu cũng thấy hàng rong. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)



    Một người từng làm chức Chủ Tịch Quận ở một thành phố lớn tại miền Trung, không muốn nêu tên, chia sẻ, “Tình hình sắp tới sẽ còn rất tệ hại, bởi sau cuộc chuyển dịch khổng lồ này, lại có thêm một cuộc chuyển dịch khổng lồ khác!”


    “Xin ông chia sẻ thêm về cuộc chuyển dịch khổng lồ khác ấy?”


    “Đằng sau cuộc chuyển dịch về cư dân, từng đoàn đoàn lớp lớp từ thành phố kéo về quê để tránh nạn phong tỏa, đe nạt và giới nghiêm, tránh cái đói, cái chết rình rập và chẳng biết giờ nào mình sẽ bị rinh đến trại tập trung, phải nói rằng các trung tâm điều trị Covid-19 giống trại tập trung hơn là nơi điều trị bệnh tật, và để thoát khỏi chết chóc, người ta phải bỏ đến đồng cuối cùng để trốn thoát ra khỏi thành phố, rồi ra khỏi thành phố, người ta tiếp tục ăn bờ ngủ bụi, tiếp tục trốn chui trốn nhủi hoặc móc ví, đưa ra những đồng cuối cùng để được qua các cửa khẩu tỉnh, để được về quê. Nhưng đâu dễ về quê, có nhiều đoàn người phải đi bộ hàng trăm, thậm chí hàng ngàn cây số, đói lả khi về quê, và về quê, họ lại bị nhốt vào trại tập trung… Cuộc đời họ bỗng chốc trở thành một kiểu người không có quyền làm người, và bây giờ, họ tiếp tục tham dự một cuộc chuyển dịch từ người có công việc sang nhóm người thất nghiệp, từ người có tài sản trở thành vô sản!”

    Hình ảnh

    Nhiều chủ cửa hàng bất an bởi hàng rong ngày càng lộng hành. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)


    “Cách nói chuyện của ông đầy tính văn chương và nhân văn, tôi thực sự xúc động và đồng cảm với ông. Nhưng thưa ông, liệu, theo ông có cứu vãn được tình thế sắp tới không? Và để cứu vãn nó, nhà nước nên làm gì?”


    “Một câu hỏi không nhỏ đối với tôi, tôi nghĩ chuyện đã xảy ra, những người chết đã chết, giờ có cứu vãn họ cũng không sống lại được. Nhưng, trách nhiệm dành cho người còn sống, dành cho các nạn nhân là bắt buộc phải thực hiện. Tôi đặc biệt quan tâm những khoản tiền thu về được từ những tay tham quan vấy máu, những đồng tiền vẽ mạng sống của nhân dân trên ấy như Nguyễn Thanh Long, nhóm Việt Á và những tay giám đốc CDC các tỉnh. Tại sao không mang những khoản tiền ấy đền bù cho nhân dân, và cũng không thể đền bù chung chung được, phải đền bù cụ thể, cho các nạn nhân cụ thể!”

    Hình ảnh

    Ruộng đồng ngày càng chật hẹp, lao động ở thành phố về quê chưa chắc đã có ruộng làm. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)


    “Thưa ông, liệu có quá khó khi tìm ra nạn nhân cụ thể, bởi hiện tại, dịch Covid-19 là loại dịch có thật trên thế giới, nó không phải do các quan tham tạo ra?”


    “Đồng ý là thế, nhưng nếu như không có các quan tham, và các quan bớt tham một chút, nghĩ đến hậu quả, nghĩ đến nhân dân một chút thì đâu có những đợt bùng phát và chết chóc, tháo chạy mà hậu quả của nó đến hôm nay có biết bao đứa bé mồ côi, có biết bao đứa trẻ tiếp tục bị vất ra đường sau khi sinh ra bởi mẹ của chúng không đủ khả năng nuôi, chúng hoài thai trong một lần sai lầm hoặc do một nguyên nhân nào đó trong lúc kiếm chén cơm manh áo… Thật đáng buồn là những kẻ đã đục nước béo cò, dù không trực tiếp gây ra nhưng hậu quả chúng để lại thật thảm hại, làm hỏng rất nhiều thế hệ chứ không đơn giản chút nào đâu!”


    Hình ảnh

    Thất nghiệp tràn lan, kiếm được một chân chạy bàn ở quán cà phê cũng khó. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)



    “Vậy theo ông, tìm các nạn nhân theo hướng nào và đền bù ra sao?”


    “Đầu tiên phải huy động nguồn tiền bằng cách trưng thu toàn bộ tài sản của những quan chức đã dính đến vụ kit test Việt Á, sau đó dùng số tiền đó để mở ra các chương trình hỗ trợ, giải quyết thất nghiệp, tôi nghĩ là thừa sức, bởi số tiền rất lớn nếu thu về đủ. Và tìm đối tượng để đền bù cũng không khó, những người từng nhiễm Covid-19 do kit test tập thể, các gia đình neo đơn và mồ côi do lao động chính trong nhà chết vì Covid-19 ở các trại tập trung, chỉ có giải quyết theo hướng này mới cứu được nền kinh tế!”


    “Cứu được nền kinh tế? Ý ông là cả một nền kinh tế chứ không phải nhóm người nạn nhân Covid-19?”


    “Phải nói là cả nền kinh tế đang lung lay sau dịch. Vấn đề không chỉ dừng ở nhóm người thất nghiệp sau dịch mà cả một vấn đề lớn của xã hội, sự dịch chuyển từ chỗ có việc sang thất nghiệp, giàu sang nghèo và sung túc sang đói kém của rất nhiều người sẽ dẫn đến tình trạng dịch chuyển nghề nghiệp và kéo theo nạn cạnh tranh không lành mạnh, nạn mất cân bằng văn hóa và rất nhiều hệ lụy kéo theo nữa. Lúc đó, có cứu cũng khó bề mà cứu được. Phải giải quyết, phải cắt bỏ khối u kinh tế ngay bây giờ, tức là giải quyết hậu quả Covid-19 cho hợp tình hợp lý, không thể xuê xoa qua chuyện được đầu, làm vậy là khủng hoảng kinh tế đấy!”

    Hình ảnh

    Đã từng có những đoàn người rồng rắn chạy trốn thành phố, về quê trong nỗi bất an. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)


    Câu chuyện còn rất dài, nhưng những gì người cựu cán bộ này trần tình khiến cho tôi chẳng còn muốn bàn thêm đề tài này nữa. Bởi những gì đang diễn ra trước mắt thật là tệ hại, những ai từng du lịch ở các thành phố Việt Nam trong thời gian gần đây chắc cũng tỏ tường câu chuyện!
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: music123 và 135 khách