Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Phái đoàn doanh nghiệp lớn nhất của Mỹ đến Việt Nam?
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49309
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Phái đoàn doanh nghiệp lớn nhất của Mỹ đến Việt Nam?

    by music123 » Thứ 4 Tháng 3 22, 2023 3:52 pm

    Thấy gì từ phái đoàn doanh nghiệp lớn nhất của Mỹ đến Việt Nam?

    Phương LinhVân Đinh 3/22/23

    Việc phái đoàn hơn 50 công ty Mỹ tới Việt Nam lần này không chỉ thể hiện sự tin tưởng của Mỹ với tiềm năng của Việt Nam, mà còn cho thấy mối quan hệ ngày càng gắn kết giữa 2 nước.



    Trong tuần này, Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) đã khởi động hoạt động hợp tác thường niên quan trọng nhất với Việt Nam. Tổ chức này dẫn đầu phái đoàn doanh nghiệp Mỹ lớn nhất từ trước tới nay đến Hà Nội với tổng 52 công ty.

    Theo chia sẻ của Đại sứ Mỹ Mark Knapper trong họp báo chiều 21/3, hoạt động này được tổ chức nhân kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ.

    “Điều đó thực sự đáng chú ý. Nó cho tôi thấy cam kết của Mỹ, cũng như những công ty Mỹ, đối với thị trường và mối quan hệ này. Chúng tôi nhìn thấy tiềm năng to lớn, không chỉ trong công việc kinh doanh và sự thịnh vượng được tạo ra, mà việc mối quan hệ giữa hai quốc gia ngày càng gắn kết đan xen với nhau”, ông Knapper cho biết.

    Chia sẻ với PV bên lề họp báo, Mark Bobo - Phó chủ tịch điều hành về Tuân thủ toàn cầu, bền vững và các vấn đề chính phủ của Công ty Samtec (Mỹ) - cho rằng điểm đặc biệt của thị trường Việt Nam so với các thị trường khác chính là “sự cởi mở, sẵn sàng tiếp tục học hỏi và phát triển”.

    “Việt Nam đang tăng tốc rất nhanh. Sự tăng tốc trong công nghệ hay mong muốn phát triển trong rất nhiều lĩnh vực vượt xa một cách đáng kinh ngạc", ông Bobo nói.

    Đồng nhận định, Gan Yee Chun - Tổng giám đốc Công ty Samtec tại Việt Nam - nhận thấy hai điều sau 6 năm ở Việt Nam, đó là lực lượng lao động trẻ và sự hỗ trợ lớn từ chính phủ.

    “Chúng tôi được hưởng những lợi ích từ cả người dân lẫn chính phủ Việt Nam”, ông nói.

    Trong hoạt động lần này, lãnh đạo cấp cao từ 52 công ty Mỹ sẽ gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, và lãnh đạo nhiều bộ ngành để thảo luận về các vấn đề liên quan tới chính sách và các cơ hội bán hàng, cung ứng và đầu tư.

    Trong số này, 40 công ty tham gia Phái đoàn Doanh nghiệp thường niên 2023 và 15 công ty tham gia Phái đoàn Sức khoẻ và Khoa học Đời sống. Một số công ty sẽ tham gia cả hai phái đoàn.

    “Chúng tôi tin tưởng vào tương lai tươi sáng”

    Các công ty Mỹ đang chứng kiến xu hướng tiếp tục mở rộng trung tâm sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu tại Việt Nam trong các ngành bán dẫn, FMCG (nhóm hàng tiêu dùng nhanh), đồ chơi, đồ nội thất, lương thực thực phẩm, kinh tế số, kinh tế sáng tạo, dịch vụ tài chính ngân hàng và chăm sóc sức khỏe.

    Lĩnh vực hàng không vũ trụ, quốc phòng và an ninh cũng chứng kiến sự quan tâm trở lại của cả hai phía.

    Tại cuộc họp báo, ông Rafael Frankel - Giám đốc Meta khu vực châu Á - Thái Bình Dương, công ty mẹ Facebook - đề cập “Việt Nam thực sự là quốc gia chuyển đổi”, với nhiều điểm nhấn nổi bật. Đầu tiên là chất lượng nguồn nhân lực tại Việt Nam.

    “Điều đầu tiên và quan trọng nhất mà chúng tôi chú ý là tài năng phi thường, sự cống hiến, làm việc chăm chỉ, kiên cường và tinh thần kinh doanh của Việt Nam”, ông nói.


    Hình ảnh

    Mark Bobo - Phó chủ tịch điều hành về Tuân thủ toàn cầu, bền vững và các vấn đề chính phủ của Công ty Samtec (Mỹ) và Gan Yee Chun - Tổng giám đốc Công ty Samtec tại Việt Nam (phải). Ảnh: Phương Vân.


    Điểm thứ hai chính là các công ty và chính phủ Mỹ đã tin tưởng và bỏ nhiều công sức để thúc đẩy quan hệ hợp tác, đầu tư Việt - Mỹ. “Chúng tôi tin tưởng vào tương lai tươi sáng”, vị giám đốc nói.

    Điều thứ 3 ông Frankel đề cập là việc chính phủ Việt Nam với thế hệ trẻ theo đuổi các chính sách giữ cho nền kinh tế mở, với lĩnh vực đổi mới và kinh tế kỹ thuật số. Ông cho rằng các công ty Mỹ rất vui mừng khi được đóng góp vào quá trình này, dù trong quá khứ hay cả tương lai.

    Bất chấp nền kinh tế Việt Nam được dự báo chứng kiến những trở ngại và thách thức trong năm nay, ông Gan Yee Chun cho rằng công ty không đối mặt với bất cứ khó khăn lớn nào khi hoạt động tại Việt Nam.

    “Mọi môi trường kinh doanh đều có thách thức, mỗi quốc gia sẽ có những điểm khó khăn riêng, nhưng chính phủ Việt Nam đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều”, ông chia sẻ.

    Ông Bobo cũng chung quan điểm: “Chúng tôi cần học hỏi. Mỗi quốc gia có điểm khác nhau. Vì vậy, chúng tôi cần tìm hiểu về họ”.

    ASEAN là trung tâm tăng trưởng của toàn cầu

    Khi được hỏi về việc liệu phái đoàn doanh nghiệp Mỹ lớn nhất tới Việt Nam trong năm nay có phải là dấu hiệu chuyển dịch làn sóng đầu tư sang ASEAN, đặc biệt là Việt Nam, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius bày tỏ đồng tình.

    “Điều đó thể hiện sự quan tâm lớn hơn đối với ASEAN so với trong quá khứ. Trong khi nhiều nơi trên thế giới đang rất lo ngại về suy thoái kinh tế, Việt Nam đã tăng trưởng 8% vào năm ngoái và con số đó của năm nay có thể là 6%. Một số quốc gia láng giềng của Việt Nam cũng tăng trưởng hơn 5% vào năm ngoái”, cựu Đại sứ Osius cho biết.

    “ASEAN là một trung tâm tăng trưởng của toàn cầu. Khu vực này là trung tâm tăng trưởng của thế giới”, ông nhận định.

    Theo ông, khu vực năng động với 667 triệu dân này, trong đó dân số Việt Nam là 100 triệu, nhận được khá nhiều sự quan tâm.

    “USABC chưa bao giờ bận rộn như hiện tại. Dịch vụ của chúng tôi chưa bao giờ có nhu cầu cao như thế này. Nhiều công ty có thể chưa từng tiếp xúc với Việt Nam trong quá khứ nhưng đang khá quan tâm. Mức tăng trưởng 8% của Việt Nam khiến rất nhiều công ty quan tâm”, ông chia sẻ.

    Bên cạnh đó, ông cho biết nhiều nước láng giềng của Việt Nam cũng nhận được nhiều sự quan tâm.

    Ông Osius cũng chia sẻ về những cuộc trao đổi “khó tin” gần đây, khi đại diện USABC của các nước ASEAN khác nói rằng “chúng ta phải nhanh lên vì phải cạnh tranh với Việt Nam”.


    Hình ảnh

    Đại sứ Knapper chia sẻ về "thời khắc lịch sử", khi lần đầu tiên ba đại sứ Mỹ cùng xuất hiện tại một hội thảo (Marc Knapper, Ted Osius và Michael Michalak). Ảnh: Phương Vân.


    “Đó không phải là điều mà mọi người nói cách đây vài thập kỷ, nhưng bây giờ họ đang xem Việt Nam là điểm đến cho tăng trưởng và cơ hội. Đó là lý do những công ty này đang ở đây”, ông Osius nói thêm.

    Chia sẻ về vấn đề này, ông Michalak nhận định đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy nhu cầu số hóa, từ đó thúc đẩy sự quan tâm của các doanh nghiệp Mỹ đối với ASEAN.

    “ASEAN là tâm điểm của tăng trưởng trong năm nay và tôi nghĩ rằng mọi người đang chú ý đến điều đó”, ông cho biết, đồng thời khẳng định khu vực này đang ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm.

    Nhắc lại việc phái đoàn gồm hơn 50 công ty Mỹ đến Việt Nam trong tuần này, ông Osius khẳng định điều đó đã thể hiện nhiều doanh nghiệp Mỹ tin tưởng vào tiềm năng phát triển của Việt Nam.

    Trong khi đó, khi được hỏi cho đến hiện tại, phái đoàn Mỹ đã cùng Việt Nam giải quyết bao nhiêu khúc mắc, ông Ted Osius cho biết dù mới tới đây một ngày với vài cuộc họp, từ kinh nghiệm năm ngoái, phái đoàn Mỹ đưa ra đề xuất và hướng giải quyết vấn đề.

    “Tôi chắc rằng chính phủ rất có thiện chí khi gặp gỡ thành viên phái đoàn và luôn tìm cách giải quyết vấn đề”, ông nói, nhấn mạnh thêm hai bên có thể tìm hiểu vấn đề lẫn cơ hội, khai thác lợi thế khi muốn tăng cường quan hệ.

    "Trong cuộc họp hôm 21/3, chúng tôi đưa ra 17 khuyến nghị và đã được giải đáp hết. Cuộc họp tiếp theo có 40 khuyến nghị, và chúng tôi đã nhận được câu trả lời cho từng cái. Tôi nghĩ đây là điều không phải lúc nào cũng xảy ra", ông lấy ví dụ.
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Google [Bot] và 137 khách