Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Mỹ vuột mất Trung Đông?
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49309
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Mỹ vuột mất Trung Đông?

    by music123 » Thứ 6 Tháng 3 24, 2023 7:34 pm

    Trung Quốc làm trung gian hoà giải giữa Ả Rập Xê Út và Iran, Mỹ vuột mất Trung Đông?

    Antonio Graceffo • 24/03/23




    Hình ảnh

    Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) bắt tay với Thái tử kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Ả Rập Xê Út lúc đó là Mohammed bin Salman tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu, Trung Quốc, vào ngày 4/9/2016. (Ảnh: Lintao Zhang/Getty Images)



    Thỏa thuận hòa bình giữa Ả Rập Xê Út và Iran của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có ý nghĩa then chốt đối với ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở khu vực Trung Đông.

    Hôm 10/3, Ả Rập Xê Út và Iran tuyên bố nối lại quan hệ ngoại giao theo một thỏa thuận do Trung Quốc làm trung gian.


    Quan hệ giữa hai nước này đã rạn nứt từ năm 2016 do xung đột về việc Riyadh hành quyết một giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite.

    Tháng 3/2016, Đại sứ quán Ả Rập Xê Út ở Tehran đã bị những người biểu tình tấn công. Vụ việc này chính là giọt nước tràn ly đã chấm dứt mối quan hệ giữa hai nước. Sau đó, cả hai nước đều thu hồi cơ quan đại diện ngoại giao của mình.

    Căng thẳng tiếp tục leo thang khi Ả Rập Xê Út cáo buộc Iran tiến hành cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) nhắm vào các tàu chở dầu của nước này ở vùng Vịnh vào năm 2019.

    Khi những kẻ khủng bố Houthi ở Yemen được cho là có liên kết với Iran thực hiện các cuộc tấn công bằng tên lửa và UAV xuyên biên giới ở Ả Rập Xê Út cũng như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), đánh vào các cơ sở của Aramco ở Jeddah, Ả Rập Xê Út đã cáo buộc Tehran tham gia vào một cuộc “chiến tranh ủy nhiệm”.

    Thỏa thuận giữa Ả Rập Xê Út và Iran do ĐCSTQ làm trung gian nhằm xoa dịu căng thẳng và cải thiện an ninh ở vùng Vịnh. Tuy nhiên, trước khi ăn mừng chiến sự kết thúc, xin được nhấn mạnh rằng tình hình trên thực tế rất phức tạp.

    Một trong những nước “chủ chốt" trong khu vực là Israel, quốc gia duy trì mối quan hệ với Hoa Kỳ. Mặc dù mối quan hệ Israel - Mỹ có phần căng thẳng, nhưng nó đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập vị thế can dự của Mỹ đối với các quốc gia khác ở khu vực Trung Đông.

    Hiệp định Abraham được ký kết giữa Israel, UAE và Bahrain dưới sự chứng kiến ​​của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump có hiệu lực từ ngày 15/9/2020. Năm ngoái, Israel đã ký một hiệp định thương mại tự do với UAE. Đây là hiệp định lớn nhất mà Israel ký kết với một quốc gia Ả Rập.

    Giới quan sát hy vọng rằng Ả Rập Xê Út cũng sẽ tham gia Hiệp định Abraham vì nó sẽ góp phần đảm bảo hòa bình ở khu vực Trung Đông.

    Mối bất hoà giữa Ả Rập Xê Út và Iran đã kéo dài hàng thập kỷ. Cuộc tranh giành quyền lực giữa hai nước đã khiến các quốc gia đồng minh của Ả Rập Xê Út phải trông cậy vào sự bảo vệ quân sự của Hoa Kỳ và đổi lấy sự im lặng trong vấn đề Palestine.

    Nếu thỏa thuận do Trung Quốc làm trung gian thực sự mang lại hòa bình cho khu vực Trung Đông thì nó sẽ là dấu chấm hết đối với việc Ả Rập Xê Út công nhận nhà nước Israel. Thỏa thuận này thậm chí có thể đe dọa đến khả năng UAE tham gia Hiệp định Abraham.

    Nếu hòa bình lập lại ở Trung Đông thì lực lượng Houthi sẽ không mở rộng các cuộc tấn công của họ ra ngoài biên giới Yemen. Điều này sẽ khiến các nước giảm nhu cầu bảo vệ quân sự từ Hoa Kỳ.

    Lực lượng Houthi là lực lượng dân quân mạnh nhất ở Yemen theo dòng Hồi giáo Shiite với phương châm: “Thượng Đế vĩ đại, cái chết cho nước Mỹ, cái chết cho Israel, nguyền rủa người Do Thái và chiến thắng cho đạo Hồi".

    Đây là một nhóm phiến quân chống chính phủ Tổng thống Yemen Abed Rabbo Mansour Hadi. Tuy nhiên, phía chính phủ Yemen đang được hỗ trợ bởi một liên minh do Ả Rập Xê Út dẫn đầu, bao gồm cả quân đội từ UAE do Hoa Kỳ hậu thuẫn.

    Thỏa thuận hòa bình này có thể thuyết phục Iran gây áp lực buộc Houthi rút lui khỏi cuộc chiến. Điều này đồng nghĩa với việc người Houthi sẽ buộc phải chấp nhận chính phủ của ông Abed Rabbo Mansour Hadi; hoặc là liên minh do Ả Rập Xê Út dẫn đầu sẽ rút khỏi Yemen và nhường chỗ cho phe đối lập nắm quyền kiểm soát.

    Cho đến khi những vấn đề trên được giải quyết thì vẫn chưa rõ liệu thỏa thuận do Trung Quốc làm trung gian có mang lại hòa bình cho khu vực Trung Đông hay không.


    Từ quan điểm của Mỹ, thỏa thuận này "chỉ mang lại rắc rối" vì đây là bước mới nhất trong chiến dịch của ĐCSTQ nhằm đưa Trung Đông vào quỹ đạo chính trị của Bắc Kinh. Luận điệu trong tuyên bố chung ba bên giữa Trung Quốc, Ả Rập Xê Út và Iran nghe giống hệt như luận điệu của ĐCSTQ là “tôn trọng chủ quyền của các quốc gia và không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác”.

    Luận điệu này đã được sử dụng nhiều lần trong các tuyên bố chính sách đối ngoại chính thức của Trung Quốc nhằm lẩn tránh những lời buộc tội về ý định thôn tính Đài Loan, về hành vi đàn áp dân chủ và tự do của Hong Kong, hoặc là đàn áp và diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, cũng như nạn diệt chủng văn hóa ở Tây Tạng và Nội Mông. Trung Quốc duy trì lập trường rằng đây là những công việc nội bộ của họ và người ngoài không được phép can thiệp.

    Hình ảnh

    Người dân Yemen kiểm tra thiệt hại sau các cuộc không kích trong đêm của liên minh do Ả Rập Xê Út dẫn đầu nhắm vào thủ đô Sanaa do phiến quân Houthi chiếm giữ, hôm 18/1/2022. (Ảnh: Mohammed Huwais/AFP/Getty Images)

    Nhiều hiệp định quốc tế của ĐCSTQ, chẳng hạn như Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS - bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) và Sáng kiến Vành đai và Con đường, cũng có luận điệu tương tự. Trong một tuyên bố mới đây tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), các quốc gia tham gia hội nghị cũng cam kết “tôn trọng chủ quyền của các nước khác và không can thiệp vào công việc nội bộ của họ”.

    Bằng cách lôi kéo ngày càng nhiều quốc gia ký kết các văn bản cấm can thiệp vào chủ quyền của một quốc gia khác, ĐCSTQ đang ngăn ngừa các quốc gia này bỏ phiếu phản đối Trung Quốc tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hoặc Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc.

    Kể từ khi Hoa Kỳ trở thành quốc gia độc lập về dầu mỏ, Trung Quốc đã soán ngôi nước này và trở thành nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới. Điều này khiến Trung Quốc trở thành một đối tác kinh tế lớn đối với nhiều quốc gia ở Trung Đông và giúp tăng cường sức ảnh hưởng của Bắc Kinh.

    Mặc dù Hoa Kỳ có sức mua kém hơn Trung Quốc, nhưng nước này vẫn có hai lợi thế.

    Đầu tiên là dầu được định giá bằng đồng đô-la Mỹ (USD).

    Bởi vì tất cả các quốc gia đều có nhu cầu về dầu mỏ, nên phần lớn các quốc gia đều sử dụng đồng USD làm đồng tiền dự trữ.

    Đối với Ả Rập Xê Út và các quốc gia sản xuất dầu mỏ khác, việc định giá và thu tiền bán dầu bằng đồng USD giúp loại bỏ rủi ro tỷ giá hối đoái và giúp các ngân hàng trung ương của họ không phải ra thị trường ngoại tệ để mua đồng USD. Nhiều quốc gia Trung Đông khác như: Jordan, Oman, Qatar, Ả Rập Xê Út và UAE cũng cố định đồng tiền dự trữ của họ là đồng USD.

    Trong nhiều năm, Trung Quốc đã cố gắng thuyết phục Ả Rập Xê Út thanh toán ít nhất một số giao dịch dầu mỏ của họ bằng đồng nhân dân tệ. Tuy nhiên, sau nhiều năm đàm phán, Riyadh và Bắc Kinh chỉ có thể nhất trí rằng một thỏa thuận như vậy sẽ xảy ra trong tương lai.

    Sự thật là Ả Rập Xê Út không sử dụng đồng nhân dân tệ. Đồng USD vẫn là đồng tiền dự trữ của họ vì hầu hết hàng hóa và nguyên liệu thô nhập khẩu phải được thanh toán bằng đồng USD. Mỹ cũng là nhà cung cấp vũ khí chính cho quân đội Ả Rập Xê Út và tất nhiên, số vũ khí này cũng phải được thanh toán bằng USD.

    Thứ hai, Hoa Kỳ là nhà cung cấp vũ khí cho khu vực Trung Đông.

    Hoa Kỳ duy trì các căn cứ quân sự ở Ả Rập Xê Út, UAE, Oman, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Lebanon và Israel, để cung cấp an ninh cho các đối tác của mình trong khu vực. Một khi thỏa thuận hòa bình có hiệu lực, các quốc gia này sẽ cho rằng họ không còn cần sự bảo vệ của Hoa Kỳ nữa và có thể lựa chọn tiến vào quỹ đạo của Bắc Kinh.

    Tuy nhiên, khả năng này vẫn chỉ là giả thuyết trong tương lai xa. Ngay cả khi trường hợp này xảy ra, vẫn sẽ có vấn đề liên quan đến sự thống trị của đồng USD. Đây là điều mà ĐCSTQ không kiểm soát được.

    Quan điểm thể hiện trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.


    Theo The Epoch Times

    Huyền Anh biên dịch
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Google [Bot] và 111 khách