Đăng trả lời 2 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
‘Tiếng Ca U Hoài,’ nhạc tình mùa chinh chiến của Anh Bằng và Lê Dinh
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49333
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    ‘Tiếng Ca U Hoài,’ nhạc tình mùa chinh chiến của Anh Bằng và Lê Dinh

    by music123 » Thứ 7 Tháng 3 25, 2023 7:37 pm

    ‘Tiếng Ca U Hoài,’ nhạc tình mùa chinh chiến của Anh Bằng và Lê Dinh

    March 25, 2023

    Vann Phan/Người Việt

    SANTA ANA, California (NV)
    – “Tiếng Ca U Hoài” là bản nhạc tình viết về một mối tình tha thiết và thủy chung giữa một anh chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và một người em gái hậu phương có giọng ca chan chứa tình cảm đến độ đượm buồn.

    Hình ảnh

    Nhạc phẩm “Tiếng Ca U Hoài” của Anh Bằng và Lê Dinh. (Hình: Tài liệu)

    Nhưng cái nỗi u hoài trong giọng ca của người con gái này, trớ trêu thay, lại chính là nỗi buồn chung của một đất nước đang có chiến tranh. Trong đó có nỗi buồn ray rứt của những đôi trai gái đang yêu nhau nhưng đành phải sống xa nhau vì cuộc chiến tranh bảo vệ miền Nam tự do chống Cộng Sản xâm lược hồi hạ bán thế kỷ trước. Cuộc chiến vẫn kéo dài, vừa tàn phá đất nước vừa làm tan nát tình người, trong khi người Việt Nam lúc nào cũng trân quý mọi thứ tình thương, từ tình yêu gia đình và tình yêu đôi lứa cho đến tình yêu quê hương và dân tộc.

    “Tôi chưa quên một bài ca chan chứa u hoài/ Những đêm vắng lạnh bùi ngùi nhớ thương ai/ Tôi chưa quên một giọng ca ôi luyến lưu làm sao/ Nỉ non như tiếng sáo ru ban chiều/ Và dịu êm như khúc ca tình yêu.”


    Người trai nơi tiền tuyến không thể nào quên được người yêu nơi hậu hương cùng với giọng ca chan chứa u hoài của nàng, nhất là vào những đêm vắng lạnh,bởi vì giọng ca đó luôn chất chứa những trìu mến, luyến lưu và nghe dịu êm như tiếng sáo diều trong chiều vắng.

    “Bao năm qua miệt mài đi giữa chốn non ngàn/ Tiếng ca vẫn gửi niềm thương nỗi nhớ bâng khuâng/ Bao năm qua mà giọng ca xưa vẫn ghi vào tôi/ Hình người em mái tóc đen buông dài/ Dù ngàn sau thương nhớ chẳng nhạt phai.”


    Đã bao năm rồi đôi bạn lòng không có dịp gặp nhau khi chàng trai vẫn miệt mài đi chiến đấu nơi những phương trời xa xăm. Như một ám ảnh không rời, giọng ca tuyệt vời của người tình năm xưa vẫn theo đuổi chàng trai, gợi cho chàng hình ảnh của người yêu bé nhỏ với mái tóc huyền tha thướt buông lơi.

    “Có những khi ngồi đón hoàng hôn/ Những khi nhìn trăng xế đầu non/ Ngờ rằng mình yêu vì nghe lòng nhớ/ Quãng vắng không gian thành tơ với cung đàn thương.”

    Để rồi, trong những buổi hoàng hôn hay những đêm trăng tà xế bóng, chàng trai lại cảm thấy niềm yêu thương chan chứa dâng trào giữa quãng không gian trầm lắng tưởng như mênh mông ấy: “Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ”…

    “Nhưng biết yêu là đau khổ vì duyên mình dang dở/ Vì đời mình còn đi xây tình đất nước quê hương/ Sông hồ muôn hướng/ Biết ngày nào thuyền đến bờ.”

    Từ đó, chàng trai nhận biết rằng nếu tình duyên còn dang dở và đôi lứa chưa có lúc sum vầy thì những kẻ yêu nhau chỉ còn biết đau khổ mà thôi, bởi vì chàng trai còn phải lên đường đi chiến đấu cho sự tồn vong của đất nước không biết cho tới bao giờ mới thôi.


    “Ai không qua một lần yêu tha thiết trong đời/ Lấy trăng gối mộng dệt nhiều mơ ước xa xôi/ Tôi xin dâng trọn niềm thương lên phím tơ người ơi/ Dù ngày mai xa cách muôn phương trời/ Thì đàn tôi chỉ nhớ một người thôi.”

    Đang ở vào tuổi thanh xuân trong cuộc đời thì hầu như tất cả những người trẻ tuổi đều từng nếm mùi vị mùi yêu thương với những ước mơ về một ngày mai hạnh phúc bên nhau. Trong hoàn cảnh hiện tại, vì tình yêu chưa trọn, chàng trai chỉ biết đắm mình trong những câu ca, tiếng hát, gợi niềm chung thủy với hình bóng cũ nơi quê nhà trong tiếng ca hoài của ngày nào mà thôi…

    Hình ảnh

    Bìa nhạc phẩm “Tiếng Ca U Hoài” của Anh Bằng và Lê Dinh. (Hình: Tài liệu)
    ***

    “Tiếng Ca U Hoài” của Anh Bằng và Lê Dinh, trong một mức độ khiêm nhường hơn, phản ảnh cái “điệu buồn phương Nam” man mác trong “Khúc Nam Ai, Nam Bình” của miền sông Hương, núi Ngự, được sáng tác từ những năm 1930-1940 trong thế kỷ trước. Diễn tả tâm trạng “nước non nghìn dặm ra đi” của Huyền Trân Công Chúa, người đành gạt lệ lên đường về làm vợ Vua Chiêm Chế Mân, một mưu đồ của vua, quan nhà Trần muốn đem tấm nhan sắc của người con gái để đổi lấy đất đai cho nước Đại Việt hồi đấu thế kỷ thứ 14.

    Hai nỗi buồn chia ly vì quyền lợi đất nước, một là của Huyền Trân Công Chúa và một là của người con gái có giọng ca buồn trong nhạc phẩm “Tiếng Ca U Hoài” và người anh chiến sĩ nơi tiền tuyến đều nói lên nỗi niềm của những người dân nước Việt phải hy sinh tình riêng cho quyền lợi đất nước và dân tộc. Trong khi sự hy sinh của Huyền Trân Công Chúa là để đem về hai châu Ô và Rí cho nước Đại Việt thì mối tình ngăn cách của đôi trai gái trong “Tiếng Ca U Hoài” là cũng vì nợ nước lúc nào cũng nặng hơn tình nhà, như ý nhạc trong ca khúc “Buồn Chi Em Ơi?” của Lam Phương: “Em ơi anh đi vì nước non mình đợi chờ/ Muôn quân đang reo lửa khói tung ngập màu cờ”…


    Người trai lính chiến trong “Tiếng Ca U Hoài” thường nhớ người yêu trong những đêm trường vắng lặng, và nhớ nhất là giọng ca u hoài của người trong mộng, nó “nỉ non như tiếng sáo ru ban chiều và dịu êm như khúc ca tình yêu.” Và cho dù đã bao năm xa cách người yêu để băng mình vào sương gió, sống trọn kiếp trai hùng, giọng ca của người tình nơi hậu phương luôn gợi cho người chiến sĩ nhớ tới “hình người em mái tóc đen buông dài/ dù ngàn sau thương nhớ chẳng nhạt phai” trong những lúc anh ngồi đón hoàng hôn hay nhìn trăng tà nơi rừng sâu, núi thẳm.

    Không tự dối lòng mình, người trai chiến tuyến thừa nhận tình yêu ngăn cách là tình yêu đau khổ, không phải là vì ai đã phụ ai, nhưng là vì những kẻ yêu nhau trong thời ly loạn đành phải coi nợ nước trọng hơn tình nhà “vì đời mình còn đi xây tình đất nước quê hương.” Và giữa lúc cuộc chiến tranh tàn khốc trên quê hương chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt, đôi trai gái yêu nhau cũng chẳng biết bao giờ họ mới có ngày vầy duyên và sum họp, “biết ngày nao thuyền đến bờ.”

    Dẫu sao, đôi bạn lòng vẫn giữ mãi mối tình vừa đẹp vừa buồn của mình, và trong trường hợp của chàng trai trong nhạc khúc thì anh vẫn tiếp tục lấy âm nhạc và lấy lời ca, tiếng hát để sống với tình yêu và nỗi nhớ, cố xem đó là chuyện bình thường của những mối tình mùa chinh chiến.

    Trong một chừng mực nào đó, “Tiếng Ca U Hoài” rõ ràng đã làm nổi bật lên những hy sinh vô bờ bến của biết bao chàng trai thế hệ tại miền Nam Việt Nam và những người yêu của lính thời chiến tranh, những hy sinh mà dân tộc Việt Nam vẫn chưa thể đền đáp nổi khi cuộc chiến tranh đã kết thúc một cách không mấy tốt đẹp, bởi vì đất nước và dân tộc phải sống trong một chế độ rõ ràng là thiếu tự do, dân chủ và nhân quyền.

    Hình ảnh

    Nhạc sĩ Anh Bằng (trái) và nhạc sĩ Lê Dinh. (Hình: Tài liệu)
    ***

    Nhạc sĩ Anh Bằng, tên thật là Trần An Bường, quê ở Thanh Hóa nhưng ra Hà Nội học hành trước khi cùng gia đình di cư vào Nam sau Hiệp Định Geneva năm 1954.

    Năm 1957, chàng trai này nhập ngũ và phục vụ trong Liên Đoàn Công Binh Việt Nam Cộng Hòa. Nhờ tài viết kịch và trình diễn kịch, Anh Bằng cùng các chiến hữu Công Binh được cử đi trình diễn văn nghệ tại nhiều đơn vị quân đội từ Quảng Trị cho tới Bình Định, để rồi sau đó được thuyên chuyển về phục vụ trong ngành Chiến Tranh Tâm Lý thời Đệ Nhất Cộng Hòa cho đến khi giải ngũ vào năm 1962.


    Từ năm 1969 trở đi, Anh Bằng cùng hai nhạc sĩ Lê Dinh và Minh Kỳ lập nên nhóm Lê Minh Bằng để vừa sáng tác nhạc vừa dạy nhạc, và nhóm này đã đào tạo được những ca sĩ nổi tiếng như Trang Mỹ Dung, Kim Loan, Trúc Mai, Giáng Thu… Nhóm này cũng thành lập ban nhạc Sóng Mới chuyên trình diễn trên đài Phát Thanh Sài Gòn.

    Năm 1975, sau ngày miền Nam tự do mất vào tay Cộng Sản, nhạc sĩ Anh Bằng sang định cư tại Hoa Kỳ, nơi ông thành lập một trung tâm băng nhạc lấy tên là Lê Minh Bằng, sau đổi thành Trung Tâm Dạ Lan. Rồi đến năm 1988, nhạc sĩ Anh Bằng thành lập Trung Tâm Asia, do ái nữ Thy Vân của ông làm quản lý cùng với sự cộng tác về kỹ thuật của nhạc sĩ Trúc Hồ.

    Các sáng tác của Anh Bằng rất đa dạng, đặc biệt là những ca khúc phổ thơ và những nhạc phẩm ngoại quốc được ông chuyển sang lời Việt: “Căn Nhà Ngoại Ô,” “Nó,” “Nỗi Lòng Người Đi,” “Nửa Đêm Biên Giới,” “Sầu Lẻ Bóng,” “Giấc Ngủ Cô Đơn” (với Lê Dinh), “Lẻ Bóng” (với Lê Dinh), “Vọng Gác Lưng Đồi” (với Minh Kỳ), “Anh Biết Em Đi Chẳng Trở Về” (thơ Thái Can), “Anh Còn Nợ Em” (thơ Phạm Thành Tài), “Chuyện Giàn Thiên Lý” (thơ Yên Thao), “Khúc Thụy Du” (thơ Du Tử Lê), “Nếu Vắng Anh” (thơ Nguyên Sa), “Trúc Đào” (thơ Nguyễn Tất Nhiên)…

    Nhạc sĩ Anh Bằng qua đời ngày 12 Tháng Mười Một, 2015, tại Orange County, miền Nam California, thọ 89 tuổi.

    Nhạc sĩ Lê Dinh, có tên đầy đủ là Lê Văn Dinh, sinh tại làng Vĩnh Hựu, tỉnh Gò Công, từng là một trong ba thành viên của nhóm Lê Minh Bằng tại miền Nam Việt Nam hồi trước năm 1975. Thời gian trước Hiệp Định Geneva 1954, Lê Dinh học trung học tại trường Collège Le Myre de Vilers tại Mỹ Tho, đồng thời học hàm thụ lớp hòa âm và sáng tác nhạc của École Universelle de Paris bên Pháp.


    Từ năm 1953 đến năm 1955, Lê Dinh theo học ngành vô tuyến điện tại École Supérieure de Radioélectricité de Saigon. Sau một thời gian đi dạy học tại Gò Công và Chợ Lớn, Lê Dinh vào làm việc tại đài Vô Tuyến Việt Nam ở Sài Gòn trong chức vụ chủ sự Phòng Sản Xuất rồi chủ sự Phòng Điều Hợp.

    Sau biến cố ngày 30 Tháng Tư, 1975, Lê Dinh vượt biên đến Đài Loan vào năm 1978 và được Canada cho đến định cư tại Montréal. Suốt hai thập niên, từ 1979 đến 1999, Lê Dinh làm việc cho công ty tàu chở hàng quốc tế Federal Navigation tại Montréal. Từ năm 1994, người nhạc sĩ này chủ trương tờ báo Nguyệt San Nghệ Thuật tại Canada.

    Năm 2003, Trung Tâm Thúy Nga thực hiện chương trình “Paris by Night 70 – Thu Ca” vinh danh các nhạc sĩ Lê Dinh, Phạm Mạnh Cương và Trường Sa. Và năm 2006, Trung Tâm Asia thực hiện chương trình “Asia 52 – Huyền Thoại Lê Minh Bằng” vinh danh ba nhạc sĩ Lê Dinh, Minh Kỳ và Anh Bằng.

    Tính từ trong nước ra tới hải ngoại, các sáng tác của Lê Dinh có hơn 100 bài, gồm các nhạc phẩm do ông viết riêng và những nhạc phẩm do ông viết chung với nhóm nhạc Lê Minh Bằng.

    Các nhạc phẩm tiêu biểu và được ưa chuộng nhất của Lê Dinh bao gồm “Tấm Ảnh Ngày Xưa,” “Chiều Lên Bản Thượng,” “Mưa Chiều Thứ Bảy,” “Sau Ngày Hành Quân,” “Tình Yêu Trả Lại Trăng Sao,” “Hoa Đào Năm Trước,” “13 Tuổi Lính” (cùng Minh Kỳ), “Đường Về Khuya” (cùng Minh Kỳ), “Cánh Thiệp Đầu Xuân” (cùng Minh Kỳ), “Hạnh Phúc Đầu Xuân” (cùng Minh Kỳ), “Bóng Đêm” (cùng Anh Bằng), “Chỉ Hai Đứa Mình Thôi Nhé” (cùng Anh Bằng), “Giấc Ngủ Cô Đơn” (cùng Anh Bằng), “Khi Mình Xa Nhau” (cùng Anh Bằng), “Nếu Ai Có Hỏi” (cùng Anh Bằng), “Nếu Hai Đứa Mình” (cùng Anh Bằng), “Tiếng Ca U Hoài” (cùng Anh Bằng)…

    Nhạc sĩ Lê Dinh qua đời ngày 9 Tháng Mười Một, 2020, tại Québec, Canada, thọ 86 tuổi. (Vann Phan) [qd]



    Nhạc phẩm “Tiếng Ca U Hoài” của Anh Bằng và Lê Dinh

    Tôi chưa quên một bài ca chan chứa u hoài
    Những đêm vắng lạnh bùi ngùi nhớ thương ai
    Tôi chưa quên một giọng ca ôi luyến lưu làm sao
    Nỉ non như tiếng sáo ru ban chiều
    Và dịu êm như khúc ca tình yêu

    Bao năm qua miệt mài đi giữa chốn non ngàn
    Tiếng ca vẫn gửi niềm thương nỗi nhớ bâng khuâng
    Bao năm qua mà giọng ca xưa vẫn ghi vào tôi
    Hình người em mái tóc đen buông dài
    Dù ngàn sau thương nhớ chẳng nhạt phai

    Đ.K.:
    Có những khi ngồi đón hoàng hôn
    Những khi nhìn trăng xế đầu non
    Ngờ rằng mình yêu vì nghe lòng nhớ
    Quãng vắng không gian thành tơ với cung đàn thương

    Nhưng biết yêu là đau khổ vì duyên mình dang dở
    Vì đời mình còn đi xây tình đất nước quê hương
    Sông hồ muôn hướng
    Biết ngày nào thuyền đến bờ

    Ai không qua một lần yêu tha thiết trong đời
    Lấy trăng gối mộng dệt nhiều mơ ước xa xôi
    Tôi xin dâng trọn niềm thương lên phím tơ người ơi
    Dù ngày mai xa cách muôn phương trời
    Thì đàn tôi chỉ nhớ một người thôi.
    Hình ảnh
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49333
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Re: ‘Tiếng Ca U Hoài,’ nhạc tình mùa chinh chiến của Anh Bằng và Lê Dinh

    by music123 » Thứ 7 Tháng 3 25, 2023 7:38 pm

    Tiếng Ca U Hoài | Nhạc Sĩ: Anh Bằng | Thanh Thúy

    Hình ảnh
Đăng trả lời 2 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Google [Bot] và 94 khách