Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Kiwi Ngô Mai Trang: 'Gần chục người phụ tôi việc nhà, chăm con'
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49108
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Kiwi Ngô Mai Trang: 'Gần chục người phụ tôi việc nhà, chăm con'

    by music123 » Thứ 5 Tháng 3 30, 2023 4:15 pm

    Kiwi Ngô Mai Trang: 'Gần chục người phụ tôi việc nhà, chăm con'

    3/30/23

    Ngô Mai Trang chi 40 triệu đồng mỗi tháng thuê ba người giúp việc, ba gia sư, nhờ mẹ đẻ và cháu họ đến ở chung để hỗ trợ việc nhà.

    - Chị xoay xở cuộc sống thế nào từ khi sinh con thứ tư?

    - Nếp sắp tròn tám tháng. Nhớ lại hồi tháng 7/2022, khi con chào đời, nhà tôi tấp nập và đông vui hơn hẳn. Thêm Nếp, nghĩa là thêm ba cô giúp việc theo giờ, bà ngoại và một cháu họ là sinh viên cùng vợ chồng tôi chia sẻ công việc. Cả chục người lăng xăng rất vui. Tính vợ chồng tôi cũng thích đông vui.

    Tôi phân công nhiệm vụ cho từng người: Một cô chuyên chăm sóc, tắm và massage cho Nếp. Cô thứ hai chuyên dọn dẹp, lau nhà và giặt quần áo. Một số quần áo của gia đình may bằng loại vải không phù hợp giặt máy nên phải giặt tay. Nhà đông người nên lượng quần áo mỗi ngày thay ra nhiều, cô ấy cũng khá bận rộn.

    Hình ảnh

    Gia đình Kiwi Ngô Mai Trang cúng đầy tháng cho bé Nếp tháng 8 năm ngoái.

    Một cô nữa đến nhà mỗi tuần ba buổi chỉ chuyên là quần áo. Mỗi lần, cô ấy phải là mấy chục bộ đồ của cả người lớn và trẻ con nên tốn không ít thời gian. Có lẽ mọi người sẽ hỏi tại sao người nhà không tự làm những việc này, tôi tin rằng mỗi người đều có vai trò riêng. Tôi giỏi kinh doanh thì tốt nhất là tập trung kinh doanh, còn việc nhà để người khác giúp đỡ. Như vậy, họ có thu nhập, tôi tranh thủ được thì giờ quan tâm đến các con, nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân.

    Ngoài ra, tôi có thêm ba gia sư kèm các con học vào tuổi tối. Thường thì tôi chỉ có thời gian chăm bé Nếp vào đầu buổi sáng trước khi đi làm và sau 17h khi về nhà. Còn lại, bà ngoại chơi với bé cả ngày. Cuối tuần, cả nhà quây quần, tận hưởng không khí vui vẻ bên nhau. Tôi vẫn thoải mái thời gian làm nghệ thuật và kinh doanh, không thấy áp lực chút nào.

    - Chị sắp xếp ra sao để việc sinh hoạt trong gia đình đông người thoải mái nhưng vẫn riêng tư, nề nếp?

    - Các cô giúp việc theo giờ luôn đến sau khi lũ trẻ đi học, người lớn đi làm. Khoảng 16h30, các con tan trường cũng là khi các cô đã về. Vì thế, chúng thoải mái, không bị ảnh hưởng cuộc sống bởi sự xuất hiện của người ngoài.

    Nhà đông người nhưng tôi chia đầu việc rõ ràng, áp dụng kỷ luật nghiêm, nên ai cũng răm rắp mà không bị lộn xộn. Sau giờ học, ba bé lớn sẽ tự động tắm, thay quần áo trong khi bố mẹ và bà ngoại chuẩn bị bữa tối. Ăn xong là 19h, lũ trẻ vào phòng riêng học với gia sư, đó cũng là khi phòng khách trống để vợ chồng tôi thoải mái tiếp khách mà không chịu cảnh nhốn nháo của một gia đình đông con.

    21h, bọn trẻ học xong, gia sư về. Tụi nhỏ được chơi với bố mẹ và em Nếp đến 22h thì trở lại phòng riêng để đi ngủ. Cứ chuẩn giờ như vậy mà không phải nhắc nhở. Riêng hai tối cuối tuần, các bé được chơi Ipad, điện thoại hoặc xem chương trình thiếu nhi trên TV.

    Vậy đấy, nhà tôi chỉ thiếu nghi thức chào cờ sáng thứ Hai là thành trại thiếu sinh quân (khóa học thông qua trải nghiệm, đưa học sinh vào rèn luyện, học tập và trải nghiệm trong môi trường quân đội) rồi.

    Hình ảnh

    Vợ chồng Ngô Mai Trang dành thời gian bên các con.

    - Chị luyện cho các con đang tuổi bưởng bỉnh nếp sống quy củ bằng cách nào?

    - Dù yêu thương con vô bờ bến, vợ chồng tôi duy trì tính kỷ luật rất cao. Nhiều người đến nhà chơi đều nhận xét tụi nhỏ như sống trong doanh trại quân đội. Từ lúc nhỏ xíu, chúng đã được áp dụng lịch sinh hoạt với giờ ăn, ngủ, tắm... cố định cho đến vị trí ngồi trong bàn ăn.

    - Chị phân chia quỹ thời gian thế nào để cân bằng giữa việc chăm sóc bé Nếp và quan tâm, gần gũi các bé khác?

    - Vợ chồng tôi băn khoăn và suy nghĩ vấn đề này rất nhiều. Phải khéo léo mới được, vì bọn trẻ dễ tổn thương nếu thấy mình không quan trọng trong mắt bố mẹ. Hàng ngày, Nếp ngủ với mẹ nhưng hai buổi cuối tuần sang ngủ với bà ngoại, để nhường mẹ cho anh Lu và anh Lúa.

    Anh Lem lớn rồi thì ngủ phòng riêng, nhưng lúc 5 tuổi, cứ thứ Bảy là Lem ôm gối sang đứng ở cửa, hỏi: "Mẹ ơi, tối nay con có thể ngủ cùng mẹ được không?". Thương lắm.

    Bây giờ Nếp còn nhỏ, các anh đành chịu thiệt, nhường nhịn em nhưng khi bé lớn hơn, cũng sẽ phải tuân theo kỷ luật chung của gia đình. Theo tôi, một cái cây để mọc tự do thì không khác gì cỏ dại, cần phải cắt tỉa, uốn nắn mới trở thành một cái cây đẹp và ra hoa, kết trái.

    - Vợ chồng chị đầu tư thế nào cho việc nuôi dạy bốn người con?

    - Hiện tại, cả ba bé lớn đều học trường công ở quận 1, TP HCM dù vợ chồng tôi đủ tài chính cho con học trường quốc tế. Vấn đề chọn trường nói ra rất dễ gây tranh cãi, tuy nhiên, đó là quan điểm riêng của gia đình tôi, cũng không có nghĩa học trường tư không tốt.

    Thành công bước đầu của việc học trường công, với anh cả Lem là giao tiếp khá tốt, tình cảm với mọi người. Lem cũng có cách ứng biến linh hoạt, rất yêu thể thao và tiếng anh đạt 7.0 IELTS. Với vợ chồng tôi, như thế là ổn.

    Hình ảnh

    Ngô Mai Trang khi mang bầu bé út ở tuổi 40.

    - Một số bậc phụ huynh tin nên 'dùng nghèo để nuôi con trai, dùng giàu để nuôi con gái' hàm ý là nuôi con trai nên lấy sự gian khổ, vất vả để tôi luyện ý chí, còn nuôi con gái thì nên trao nhiều yêu thương, cổ vũ. Quan điểm của chị thế nào?

    - Vợ chồng tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm đó. Mỗi khi con xin tiền đi chơi, tôi không bao giờ cho dư và không phải lúc nào cũng ngay lập tức đồng ý với các đề nghị của bé. Một đứa trẻ muốn gì được nấy sẽ không có ý chí phấn đấu. Ví dụ, Lem mới học cuối bậc THCS nhưng cao 1,84 m nên được mời quảng cáo sữa. Con ngại ngùng và từ chối thẳng thừng dù bố mẹ thuyết phục nhiều. Chúng tôi đã quyết định cắt tiền tiêu vặt của con, và nói: "Nếu con muốn có tiền tiêu, hãy dùng tiền con tự làm ra". Thế là sau một tuần, cậu nhóc gãi đầu, gãi tai cười hì hì nhận lời đóng quảng cáo.

    Còn Nếp là con gái nên vợ chồng tôi xác định cho con sống trong điều kiện tốt nhất, không thiếu thốn bất cứ thứ gì. Như vậy khi lớn lên, con sẽ bản lĩnh trước cám dỗ, không bị "mờ mắt" trước vật chất, vinh hoa, phú quý. Như vậy mới trở thành một phụ nữ thanh cao.

    - Chị nói việc sinh nở, nuôi con không áp lực mà tạo thêm nhiều niềm vui. Chị ngĩ sao nếu được khuyên có thêm bé nữa?

    - Với tôi, việc nằm giữa bộn đứa trẻ, chơi đùa và trêu chọc chúng là cách hưởng thụ tuyệt vời nhất. Thậm chí, không tiền bạc hay danh vọng nào thay thế được. Việc sinh thêm con chưa có trong dự định trước mắt nhưng tôi đã tham khảo ý kiến bác sĩ, và có thể chuẩn bị trữ đông trứng để phòng cho tương lai. Biết đâu, một ngày vui vẻ nào đó, hai vợ chồng quyết định sinh thêm con thì tất cả đã sẵn sàng.

    Kiwi Ngô Mai Trang sinh năm 1982. Cô gia nhập làng mẫu Việt năm 2004, thi Hoa hậu châu Á Thái Bình Dương 2005, được giải 'Hoa hậu tài năng'. Sau đó, Kiwi Ngô Mai Trang chuyển sang theo đuổi đam mê âm nhạc. Cô đã phát hành các album như: Ly rượu mừng, Em đã từng yêu, Kiwi Ngô Mai Trang vol 1...

    Vài năm gần đây, nữ ca sĩ ít đi hát, chủ yếu kinh doanh ở lĩnh vực thời trang, ẩm thực, làm đẹp.

    Lam Trà
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Google [Bot] và 53 khách