Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Ả Rập Xê Út 'rời xa' Mỹ, rơi vào vòng tay của Nga và Trung Quốc
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49108
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Ả Rập Xê Út 'rời xa' Mỹ, rơi vào vòng tay của Nga và Trung Quốc

    by music123 » Thứ 5 Tháng 3 30, 2023 5:14 pm

    Ả Rập Xê Út 'rời xa' Mỹ để tham gia 'sân chơi' do Nga và Trung Quốc dẫn đầu

    Thanh Hải • 30/03/23

    Hình ảnh

    Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) bắt tay Quốc vương Ả Rập Xê ÚT Salman bin Abdulaziz Al Saud tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 16/03/2017. (Ảnh: Lintao Zhang/Pool/Getty Images)


    Hôm 29/3, Nội các Ả Rập Xê Út đã thông qua quyết định gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), trong bối cảnh nước này xây dựng một liên minh lâu dài với Trung Quốc bất chấp những lo ngại về an ninh từ Hoa Kỳ.



    Hãng thông tấn nhà nước SPA đưa tin Ả Rập Xê Út đã đạt được tư cách đối tác đối thoại trong SCO. Tư cách đối tác đối thoại sẽ là bước đầu tiên trong tổ chức trước khi quốc gia này được cấp tư cách thành viên đầy đủ trong trung hạn.


    Theo hãng tin Reuters, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải là một liên minh chính trị và an ninh của các quốc gia bao trùm phần lớn lục địa Á - Âu. Tổ chức này được thành lập vào năm 2001 bởi Nga, Trung Quốc và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á.

    Bên cạnh Trung Quốc, 8 thành viên của SCO bao gồm: Ấn Độ, Pakistan, Nga, cùng 4 quốc gia Trung Á là Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan và Tajikistan. Năm 2022, Iran đã đạt được tư cách thành viên thường trực của tổ chức này.

    Các quốc gia khác có tư cách quan sát viên hoặc đối tác đối thoại bao gồm Ai Cập, Iran và Qatar.

    Hình ảnh

    Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) bắt tay với Thái tử kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Ả Rập Xê Út lúc đó là Mohammed bin Salman tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu, Trung Quốc, vào ngày 4/9/2016. (Ảnh: Lintao Zhang/Getty Images)

    Ả Rập Xê Út rơi vào vòng tay của Nga và Trung Quốc?

    Dọc theo quá trình phát triển, SCO hiện đã mở rộng với sự tham gia của nhiều quốc gia khác như Ấn Độ và Pakistan. Mục tiêu của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải là đóng một vai trò lớn hơn, đặc biệt là đối trọng với ảnh hưởng của các quốc gia phương Tây trong khu vực.

    Nguồn tin từ Reuters cho biết việc gia nhập SCO được lãnh đạo Trung Quốc và Ả Rập Xê Út thảo luận trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Riyadh hồi tháng 12/2022.

    Quyết định trên được đưa ra sau khi gã khổng lồ dầu mỏ Saudi Aramco của Ả Rập Xê Út ngày 28/3 thông báo đã huy động được khoản đầu tư trị giá hàng tỷ USD vào Trung Quốc, sau khi hoàn tất một liên doanh đã được lên kế hoạch ở phía đông bắc Trung Quốc và mua cổ phần trong một tập đoàn hóa dầu do tư nhân kiểm soát.

    Theo hãng tin Reuters, mối quan hệ ấm lên gần đây giữa Ả Rập Xê Út và Trung Quốc đặt ra không ít lo ngại cho Mỹ - đồng minh lâu năm của Ả Rập Xê Út. Tuy nhiên, Washington khẳng định việc Bắc Kinh ngày càng mở rộng ảnh hưởng sẽ không làm thay đổi chính sách của Mỹ đối với khu vực Trung Đông.

    Trong bối cảnh đó, Ả Rập Xê Út và các quốc gia vùng Vịnh khác cũng bày tỏ lo ngại về điều mà họ coi là sự rút lui khỏi khu vực của nhà bảo đảm an ninh chính là Hoa Kỳ, và đã chuyển sang đa dạng hóa các đối tác. Washington cho biết họ sẽ tiếp tục là một đối tác tích cực trong khu vực.

    Các quốc gia thuộc tổ chức này đang có kế hoạch tổ chức "cuộc tập trận chung chống khủng bố" ở vùng Chelyabinsk của Nga vào tháng 8 năm nay.

    Quyết định gia nhập khối SCO của Riyadh được đưa ra chưa đầy ba tuần sau khi Ả Rập Xê Út công bố thỏa thuận hòa giải lịch sử do Trung Quốc làm trung gian với Iran nhằm khôi phục quan hệ ngoại giao toàn diện đã bị cắt đứt bảy năm trước.

    Thỏa thuận hòa bình giữa Ả Rập Xê Út và Iran của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có ý nghĩa then chốt đối với ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở khu vực Trung Đông.

    Hôm 10/3, Ả Rập Xê Út và Iran tuyên bố nối lại quan hệ ngoại giao theo một thỏa thuận do Trung Quốc làm trung gian. Quan hệ giữa hai nước này đã rạn nứt từ năm 2016 do xung đột về việc Riyadh hành quyết một giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite.

    Tháng 3/2016, Đại sứ quán Ả Rập Xê Út ở Tehran đã bị những người biểu tình tấn công. Vụ việc này chính là giọt nước tràn ly đã chấm dứt mối quan hệ giữa hai nước. Sau đó, cả hai nước đều thu hồi cơ quan đại diện ngoại giao của mình.

    Căng thẳng tiếp tục leo thang khi Ả Rập Xê Út cáo buộc Iran tiến hành cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) nhắm vào các tàu chở dầu của nước này ở vùng Vịnh vào năm 2019.

    Khi những kẻ khủng bố Houthi ở Yemen được cho là có liên kết với Iran thực hiện các cuộc tấn công bằng tên lửa và UAV xuyên biên giới ở Ả Rập Xê Út cũng như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), đánh vào các cơ sở của Aramco ở Jeddah, Ả Rập Xê Út đã cáo buộc Tehran tham gia vào một cuộc “chiến tranh ủy nhiệm”.


    Riyadh đã nói rằng mặc dù họ đã tham gia vào các vòng đàm phán song phương trước đó với Tehran, nhưng quá trình hòa giải đã được bắt đầu ngay sau lời đề nghị của Chủ tịch Tập Cận Bình vào năm ngoái để đóng vai trò là “cầu nối” giữa hai đối thủ nặng ký ở Trung Đông.

    Vai trò của ông Tập Cận Bình trong việc nối lại quan hệ đã khiến nhiều người “không khỏi kinh ngạc” vì mối quan hệ đối tác thân thiết truyền thống của Ả Rập Xê Út với Washington, mặc dù mối quan hệ này gần đây đang bị căng thẳng vì những tranh chấp về nhân quyền và sản xuất dầu mỏ.

    Hôm 28/3, trong một cuộc điện đàm với Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman, con trai của Vua Salman và là nhà cai trị trên thực tế của quốc gia vùng Vịnh, ông Tập đã ca ngợi “nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng ở Trung Đông”.


    Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị (giữa) và Thư ký Hội đồng Tối cao An ninh Quốc gia Iran, Ali Shamkhani và Ngoại trưởng Ả Rập Xê Út, Musaad bin Mohammed Al Aiban, trong lễ công bố thỏa thuận tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 10/03/2023. (Ảnh: Luo Xiaoguang/Tân Hoa xã/Getty Images)
    Tại sao Trung Quốc cố gắng làm trung gian hòa giải?
    Hãng tin Reuters lập luận rằng, Trung Quốc có truyền thống tuân thủ nguyên tắc không can thiệp vào xung đột của các nước khác, đặc biệt là những nước xa xôi.

    Tuy nhiên, giới quan sát nhận định rằng, một thỏa thuận hòa bình giữa Iran và Ả Rập Xê Út cho thấy mục tiêu của Trung Quốc là phô diễn họ là một cường quốc có trách nhiệm dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình.

    Ông Wang Jiangyu, Giáo sư chuyên ngành luật tại Đại học Hong Kong, cho biết: “Ông Tập muốn được nhìn nhận trên trường quốc tế với tư cách là một chính khách có sức ảnh hưởng ít nhất là 'ngang ngửa' với nhà lãnh đạo Hoa Kỳ”.

    Chưa dừng lại ở đó, Trung Quốc cũng nóng lòng muốn xoa dịu những lời chỉ trích rằng Bắc Kinh đứng về phía Nga.

    Các nhà phân tích cho rằng nỗ lực làm trung gian hòa giải là một công cuộc làm ăn “ít vốn lời cao" cho Trung Quốc, ngay cả khi rất khó có thể đạt được một bước đột phá nhanh chóng.

    Thanh Hải tổng hợp
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 51 khách