Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Nga ngừng trao đổi dữ liệu hạt nhân với Mỹ
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49309
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Nga ngừng trao đổi dữ liệu hạt nhân với Mỹ

    by music123 » Thứ 5 Tháng 3 30, 2023 7:03 pm

    Nga ngừng trao đổi dữ liệu hạt nhân với Mỹ, huy động 3.000 quân tập trận 'phô diễn’ ICBM Yars

    Huyền Anh 3/30/23

    Hình ảnh

    Các hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars RS-24 của Nga di chuyển qua Quảng trường Đỏ ở Moscow, Nga, hôm 7/5/2021, trong một cuộc diễn tập cho cuộc duyệt binh Ngày Chiến thắng. (Ảnh: Kirill Kudryavtsev/AFP/Getty Images)


    Hôm 29/3, một nhà ngoại giao cấp cao của Nga khẳng định Moscow sẽ duy trì lập trường đình chỉ việc tham gia Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START), bất chấp việc Washington quyết định ngừng trao đổi dữ liệu với Moscow theo thỏa thuận này.

    Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố sẽ huy động các bệ phóng tên lửa liên lục địa (ICBM) Yars trên khắp các khu vực Siberia nhằm phô trương năng lực hạt nhân khổng lồ của nước này trong bối cảnh giao tranh đang leo thang ở Ukraine.


    Nga ngừng trao đổi dữ liệu hạt nhân với Mỹ

    Hãng tin Reuters ngày 28/3 đưa tin, Mỹ thông báo với Nga rằng nước này sẽ ngừng trao đổi một số dữ liệu về lực lượng hạt nhân nhằm phản ứng trước việc Moscow ngừng tham gia Hiệp ước New START với Washington.

    "Theo luật pháp quốc tế, Mỹ có quyền đáp trả việc Nga vi phạm Hiệp ước New START bằng cách thực hiện các biện pháp đối phó tương xứng và có thể đảo ngược để khiến Nga quay trở lại tuân thủ các nghĩa vụ của nước này”, phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby cho biết.

    Theo ông Kirby, “vì việc Nga tuyên bố tạm ngừng tham gia Hiệp ước New START không có giá trị pháp lý nên Mỹ được phép giữ lại bản cập nhật dữ liệu sáu tháng một lần nhằm đáp trả các vi phạm của Nga".

    “Nga đã không tuân thủ đầy đủ và từ chối chia sẻ dữ liệu như hai bên đã đồng ý trong Hiệp ước New START. Vì Nga đã từ chối tuân thủ nên chúng tôi cũng đã quyết định không chia sẻ dữ liệu đó”, ông Kirby nói thêm.

    Đáp lại quyết định từ phía Mỹ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hôm 29/3 khẳng định động thái của Washington sẽ không khiến Moscow xem xét lại quyết định đình chỉ Hiệp ước New START.

    “Chúng tôi đã tự nguyện đưa ra các cam kết tuân thủ các giới hạn định lượng trung tâm nêu trong Hiệp ước. Lập trường của chúng tôi là sẽ không phụ thuộc vào việc người Mỹ có chia sẻ dữ liệu của họ cho chúng tôi hay không”, hãng tin RIA Novosti dẫn lời ông Ryabkov.

    Việc đình chỉ trao đổi thông tin theo thỏa thuận New START đánh dấu một nỗ lực khác của Điện Kremlin nhằm ngăn cản phương Tây tăng cường hỗ trợ cho Ukraine bằng cách sử dụng kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây tuyên bố triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tới lãnh thổ Belarus, đồng minh của Moscow.

    Hồi tháng 2, Nga tuyên bố đình chỉ Hiệp ước New START. Khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng Moscow không thể chấp nhận việc Washington thanh sát các cơ sở hạt nhân của Nga theo hiệp ước vào thời điểm mà Mỹ và các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) công khai tuyên bố “mục tiêu” của họ là tạo ra “thất bại của Nga ở Ukraine”.

    New START hiện là hiệp ước duy nhất còn sót lại trong việc kiểm soát hạt nhân song phương giữa Moscow và Washington, kể từ khi Mỹ đơn phương rút khỏi hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) vào năm 2019. Hiệp ước được thực thi từ năm 2011 và vào năm 2021, Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký gia hạn thêm 5 năm, kéo dài thỏa thuận đến năm 2026.

    Theo Hiệp ước, hai quốc gia phải giảm số lượng đầu đạn hạt nhân xuống tối đa 1.550 mỗi loại và giới hạn số lượng các hệ thống như tên lửa ICBM, tên lửa phóng từ tàu ngầm và máy bay ném bom xuống còn 800 mỗi loại.

    Theo điều khoản "Trao đổi dữ liệu định kỳ một năm hai lần" của Hiệp ước, mỗi bên phải đưa ra một tuyên bố về các phương tiện vận chuyển chiến lược, bệ phóng và đầu đạn được triển khai, bao gồm các phân tích về số lượng đầu đạn trên ba loại phương tiện vận chuyển ở trên không, trên biển và trên bộ.

    Không rõ liệu tuyên bố của ông Ryabkov có báo hiệu ý định của Moscow về việc ngừng trao đổi toàn bộ dữ liệu hạt nhân với Mỹ hay chỉ ngừng những điều khoản được quy định trong thỏa thuận New START. Trong Chiến tranh Lạnh, Moscow và Washington vẫn duy trì trao đổi thông tin về các vụ phóng thử tên lửa đạn đạo, và Bộ Ngoại giao Nga tháng trước tuyên bố rằng Nga sẽ tiếp tục làm như vậy theo thỏa thuận giữa Mỹ và Liên Xô năm 1988.

    Hình ảnh

    Một bệ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars của Nga diễu hành qua Quảng trường Đỏ trong cuộc duyệt binh Ngày Chiến thắng ở trung tâm Moscow, Nga, ngày 9/5/2022. (Ảnh: Alexander Nemenov/AFP/Getty Images)

    3000 quân nhân Nga tập trận hạt nhân 'phô diễn’ ICBM khổng lồ

    Bộ Quốc phòng Nga ngày 29/3 thông báo, nước này bắt đầu tổ chức đợt tập trận quy mô lớn với hàng nghìn quân nhân của Lực lượng Tên lửa Chiến lược, cùng hàng trăm thiết bị quân sự bao gồm hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa di động Yars. Trong khuôn khổ cuộc tập trận, các bệ phóng tên lửa di động Yars sẽ di chuyển qua ba khu vực của Siberia.

    “Về tổng thể, cuộc diễn tập sẽ có sự tham gia của hơn 3.000 quân nhân và khoảng 300 thiết bị quân sự. Một ủy ban của Bộ Tư lệnh Lực lượng Tên lửa Chiến lược sẽ đánh giá khả năng phối hợp tác chiến của các binh sĩ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết trên kênh Telegram, theo hãng tin TASS.

    Đợt tập trận được lên kế hoạch từ trước và sẽ diễn ra tại 3 khu vực của nước này, với sự tham gia của đội hình tên lửa Omsk, tên lửa Novosibirsk có trang bị bệ phóng di động tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars.


    Yars là tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân với tầm bắn khoảng 11.000 km và hiện trở thành xương sống của lực lượng tên lửa chiến lược của Nga.

    Cuộc tập trận lớn diễn ra vài ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus, nước láng giềng và đồng minh của Nga.

    Vũ khí hạt nhân chiến thuật được thiết kế để sử dụng trên chiến trường và có tầm bắn tương đối ngắn và năng suất thấp hơn nhiều so với tên lửa chiến lược tầm xa được trang bị đầu đạn hạt nhân có khả năng hủy diệt toàn bộ một thành phố.

    Quyết định triển khai vũ khí chiến thuật ở Belarus của Tổng thống Putin được đưa ra sau những cảnh báo lặp đi lặp lại của ông rằng, Moscow sẵn sàng sử dụng "mọi phương tiện sẵn có" – ám chỉ kho vũ khí hạt nhân của nước này – để chống lại các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga.

    Các quan chức Nga đã đưa ra hàng loạt cảnh báo kể từ khi quân đội của họ tiến vào Ukraine rằng, việc phương Tây tiếp tục ủng hộ Ukraine sẽ làm tăng nguy cơ xung đột hạt nhân.


    Trong bài phát biểu được công bố hôm thứ Ba (28/3), ông Nikolai Patrushev, Thư ký Hội đồng An ninh Nga đã cảnh báo rằng, Mỹ và các đồng minh không nên nuôi hy vọng về sự thất bại của Nga ở Ukraine.

    Ông Patrushev cáo buộc rằng một số chính trị gia Mỹ tin rằng Mỹ có thể tiến hành một cuộc tấn công tên lửa phòng ngừa vào Nga mà Moscow không thể đáp trả – điều mà ông mô tả là "ngu ngốc thiển cận và rất nguy hiểm".

    Ông Patrushev tuyên bố: "Nga kiên nhẫn và không cố gắng đe dọa bất kỳ ai bằng ưu thế quân sự của mình, nhưng có vũ khí hiện đại độc đáo có khả năng tiêu diệt bất kỳ kẻ thù nào, kể cả Mỹ, trong trường hợp bị đe dọa đến sự tồn tại của mình".

    Huyền Anh tổng hợp
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Google [Bot] và 110 khách