Đăng trả lời 2 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
‘Lính Dù Lên Điểm,’ nhạc kích động vui tươi đời lính của Vũ Chương
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49333
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    ‘Lính Dù Lên Điểm,’ nhạc kích động vui tươi đời lính của Vũ Chương

    by music123 » Chủ nhật Tháng 6 04, 2023 8:22 am

    ‘Lính Dù Lên Điểm,’ nhạc kích động vui tươi đời lính của Vũ Chương



    6/4/23



    SANTA ANA, California (NV) – Nhạc phẩm “Lính Dù Lên Điểm” của Vũ Chương, cũng giống như ca khúc “Hờn Anh Giận Em” của Tuấn Lê, là một bài hát có tính cổ võ tinh thần rất hiệu quả dành cho các anh chiến sĩ Cộng Hòa.

    Hình ảnh

    Nhạc phẩm “Lính Dù Lên Điểm” của Vũ Chương. (Hình: Tài liệu)


    Mặc dù rõ ràng là được viết riêng cho các chiến sĩ Nhảy Dù Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, nhưng nhạc phẩm này vẫn có khả năng tạo cảm hứng mạnh mẽ cho mọi sắc lính và mọi người yêu của lính tại miền Nam tự do.

    Công bằng mà nói, hai ông Thiên Thần Mũ Đỏ và Lục Thần Thủy Mũ Xanh là hai sắc lính oai hùng nhất và cũng là kẻ chịu nhiều gian lao nhất tại miền Nam thời chiến tranh Quốc-Cộng vừa qua. Có thể nói rằng, cũng nhờ nhạc phẩm này, các anh chiến sĩ Dù lại càng lên điểm thêm nữa trong lòng muôn người biết thương đời lính.


    Vũ Chương là một bút hiệu khác của nhóm Lê Minh Bằng, tức là ba nhạc sĩ Lê Dinh, Minh Kỳ và Anh Bằng.

    “Em biết tại sao lúc này Lính Dù lên điểm/ Đi ra đường phố nhiều cô nhìn nổ con ngươi/ Cô thì khen là Lính chịu chơi, cô thì khen là Lính hào hoa/ Có cô mơ chồng, có cô mơ mộng những đêm nằm không.”

    Các anh chiến sĩ Nhảy Dù, vừa chịu chơi mà cũng vừa hào hoa, đang được những người em gái hậu phương khen ngợi và mê tít, cho nên hễ các anh có dịp về phép thăm nhà thì đi đâu cũng được các nàng con gái nhìn ngắm, trầm trồ và ngợi ca. Rồi bởi vì khi đã yêu thì mơ mộng nhiều cho nên, lúc đêm về, các cô gái lại mơ mộng được gặp gỡ các chàng trai hùng đó.


    “Em biết nhiều cô thích bồ Thiên Thần Mũ Đỏ/ Coi anh là Lính đẹp trai mà khỏe hơn ai/ Anh là Thiên Thần giữa trời mây/ anh làm quân thù khiếp sợ oai/ biết bao cô chờ, biết cô bao đợi, biết bao người mơ.”

    Ngoài đời, đã là con gái thì có rất nhiều cô muốn có bồ là các Thiên Thần Mũ Đỏ, những chiến sĩ thường làm bạt vía kẻ thù trên chiến trường. Lính Dù vốn là đã đẹp trai rồi mà nay lại còn dồi dào sức khỏe nữa thì bố ai chịu cho nổi!


    “Anh như là mây nổi trôi giữa trời rộng bao la/ và đâu cũng là quê, là nhà/ Yêu anh khổ lắm em ơi!”

    Người lính Dù cảm thấy mình có bổn phận nói rõ cho các cô gái biết rằng mình cũng giống như con chim bay đi muôn phương, rất ít khi được dịp ở nhà, chỉ e ngại ai trót yêu mình thì phải chịu khổ mà thôi.

    “Khi yêu là yêu, dù cho cách trở đầy thương đau/ Dù cho đói no hay giàu nghèo/ Dù đời khổ đến bao nhiêu!”


    Nhưng nhiều cô gái lại tỏ vẻ “chịu chơi” hơn cả lính nữa khi họ sẵn sàng chấp nhận yêu người trai lính chiến dù biết rằng đôi bạn lòng có phải sống xa nhau dài dài. Rồi cho dù người trai lính chiến dấu yêu của họ có nghèo tiền đi nữa, hay cuộc sống lứa đôi có khó khăn, khổ cực đến cách mấy đi nữa, các cô gái vẫn bằng lòng chấp nhận thương đau, miễn là được kết duyên cùng người yêu lý tưởng của mình.

    “Như thế thì mê Lính Dù như là điếu đổ/ Em mong được sớm cùng nhau lập tổ uyên ương/ Em là vợ hiền chốn hậu phương/ Anh là trai hùng chốn trường sa/ Ước mơ thanh bình, có tay ông Tạo Hóa thương tình ta…”

    Nói trắng ra, mấy cô gái trong ca khúc đã say mê những chàng trai hùng nơi sa trường quá đi mất rồi, và cứ muốn được làm người vợ hiền nơi quê nhà thôi. Hai người cùng có chung một ước vọng là đất nước sớm thanh bình, để đôi uyên ương sớm được sum họp một nhà.

    Và cả hai cùng nhau vững tin rằng ông Trời sẽ cảm động vì mối tình chân thật này mà giúp cho họ sớm được sum vầy, cũng y như ước nguyện tha thiết của đôi bạn lòng trong nhạc phẩm “Thành Phố Buồn” của Lam Phương: “Chúa thương tình, sẽ cho mình mãi mãi gần nhau.”

    ***

    Phải nói rằng nhạc phẩm “Lính Dù Lên Điểm” đã thành công rực rỡ trong sứ mạng cổ võ tinh thần hăng say chiến đấu của các chiến sĩ Dù, đồng thời cũng làm cho những người em gái hậu phương ngày càng thích làm quen để rồi thương yêu các anh chiến sĩ đang xông pha nơi tiền tuyến.

    Chưa chi mà các anh lính Dù đã được những người em gái thành đô ái mộ và chiêm ngưỡng đến độ họ phải “nhìn nổ con ngươi” mỗi khi đến gần các anh. Đó là chưa kể tới các đức tính đáng phục và dễ mến của các anh, như “chịu chơi” và nhất là “hào hoa,” dù rằng đời lính không giàu mà chắc không nghèo tình yêu. Đã thế, lính Dù, nhờ khổ công rèn luyện nơi quân trường đổ mồ hôi để chiến trường bớt đổ máu, lại còn là loại lính “đẹp trai mà khỏe hơn ai” nữa mới chết chứ!


    Đã thế, các chiến sĩ Dù thường được ví như thiên thần vì sau khi tự trên trời cao nhảy xuống, họ thường làm cho “quân thù khiếp sợ oai.” Trận thư hùng trên đồi Thượng Đức giữa các chiến sĩ Nhảy Dù và bộ đội Cộng Sản Bắc Việt hồi cuối năm 1974 đã nói lên thành tích bách chiến bách thắng của những người anh hùng Mũ Đỏ trong sứ mạng bảo vệ miền Nam mến yêu. Vậy thì chẳng có gì là lạ khi lính Dù được “biết bao cô chờ, biết bao cô đợi, biết bao người mơ” và “có cô mơ chồng/ có cô mơ mộng những đêm nằm không.”

    Nhưng người chiến sĩ Nhảy Dù lại cảm thấy ái ngại trước ý muốn trao thân, gởi phận cho họ từ những người em gái hậu phương, bảo rằng “yêu anh khổ lắm em ơi!” Nhưng, mặc kệ, bởi vì tôi còn yêu, tôi cứ yêu, các cô gái vẫn nhất mực yêu thương chàng trai lính chiến “dù cho đói no hay giàu nghèo/ Dù đời khổ đến bao nhiêu!” để rồi “như thế thì mê Lính Dù như là điếu đổ/ Em mong được sớm cùng nhau lập tổ uyên ương.” Và thế là hai kẻ yêu nhau đều cùng nhìn về một hướng và cùng nhau “ước mơ thanh bình, có tay ông Tạo Hóa thương tình ta”…

    Bản “nhạc lính” mang tính binh vận này quả thật đã làm tròn sứ mạng cổ võ tinh thần binh sĩ hăng say chiến đấu chẳng những trong binh chủng Nhảy Dù không thôi mà còn trong các binh chủng khác nữa, với chuyện đơn giản là nếu người chiến sĩ quyết tâm xông pha tên đạn để bảo vệ quê hương miền Nam mến yêu thì chẳng thiếu gì các cô gái đẹp nơi hậu phương ngưỡng mộ và thiết tha muốn kết duyên với họ.

    Hình ảnh

    Bìa nhạc phẩm “Lính Dù Lên Điểm” của Vũ Chương. (Hình: Tài liệu)
    ***

    Nhạc sĩ Lê Dinh, có tên đầy đủ là Lê Văn Dinh, sinh tại làng Vĩnh Hựu, tỉnh Gò Công, từng là một trong ba thành viên của nhóm Lê Minh Bằng tại miền Nam Việt Nam hồi trước năm 1975. Thời gian trước Hiệp Định Geneva 1954, Lê Dinh học trung học tại trường Collège Le Myre de Vilers tại Mỹ Tho, đồng thời học hàm thụ lớp hòa âm và sáng tác nhạc của École Universelle de Paris bên Pháp.

    Từ năm 1953 đến năm 1955, Lê Dinh theo học ngành vô tuyến điện tại École Supérieure de Radioélectricité de Saigon. Sau một thời gian đi dạy học tại Gò Công và Chợ Lớn, Lê Dinh vào làm việc tại đài Vô Tuyến Việt Nam ở Sài Gòn trong chức vụ chủ sự Phòng Sản Xuất rồi chủ sự Phòng Điều Hợp.


    Sau biến cố ngày 30 Tháng Tư, 1975, Lê Dinh vượt biên đến Đài Loan vào năm 1978 và được Canada cho đến định cư tại Montréal. Suốt hai thập niên, từ 1979 đến 1999, Lê Dinh làm việc cho công ty tàu chở hàng quốc tế Federal Navigation tại Montréal. Từ năm 1994, người nhạc sĩ này chủ trương tờ báo Nguyệt San Nghệ Thuật tại Canada.

    Năm 2003, Trung Tâm Thúy Nga thực hiện chương trình “Paris by Night 70 – Thu Ca” vinh danh các nhạc sĩ Lê Dinh, Phạm Mạnh Cương và Trường Sa. Và năm 2006, Trung Tâm Asia thực hiện chương trình “Asia 52 – Huyền Thoại Lê Minh Bằng” vinh danh ba nhạc sĩ Lê Dinh, Minh Kỳ và Anh Bằng.

    Tính từ trong nước ra tới hải ngoại, các sáng tác của Lê Dinh có hơn 100 bài, gồm các nhạc phẩm do ông viết riêng và những nhạc phẩm do ông viết chung với nhóm nhạc Lê Minh Bằng.

    Các nhạc phẩm tiêu biểu và được ưa chuộng nhất của Lê Dinh bao gồm “Tấm Ảnh Ngày Xưa,” “Chiều Lên Bản Thượng,” “Mưa Chiều Thứ Bảy,” “Sau Ngày Hành Quân,” “Tình Yêu Trả Lại Trăng Sao,” “Hoa Đào Năm Trước,” “13 Tuổi Lính” (cùng Minh Kỳ), “Đường Về Khuya” (cùng Minh Kỳ), “Cánh Thiệp Đầu Xuân” (cùng Minh Kỳ), “Hạnh Phúc Đầu Xuân” (cùng Minh Kỳ), “Bóng Đêm” (cùng Anh Bằng), “Chỉ Hai Đứa Mình Thôi Nhé” (cùng Anh Bằng), “Giấc Ngủ Cô Đơn” (cùng Anh Bằng), “Khi Mình Xa Nhau” (cùng Anh Bằng), “Nếu Ai Có Hỏi” (cùng Anh Bằng), “Nếu Hai Đứa Mình” (cùng Anh Bằng), “Tiếng Ca U Hoài” (cùng Anh Bằng)…

    Nhạc sĩ Lê Dinh qua đời ngày 9 Tháng Mười Một, 2020, tại Québec, Canada, thọ 86 tuổi.

    ***

    Nhạc sĩ Minh Kỳ tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Mỹ, gốc người Huế nhưng sinh tại Nha Trang và là cháu sáu đời của Vua Minh Mạng. Chàng trai Vĩnh Mỹ học nhạc hồi mới 14 tuổi ở trường Gagelin tại Quy Nhơn, sau đó đi du học tại Trường Bách Khoa Paris bên Pháp. Tác phẩm đầu tay của nhạc sĩ Minh Kỳ là ca khúc “Chị Hằng,” được sáng tác vào năm 1949 lúc Minh Kỳ mới 19 tuổi.

    Năm 1957, Minh Kỳ vào định cư tại Sài Gòn và trở thành một sĩ quan Cảnh Sát Quốc Gia với cấp bậc sau cùng là đại úy. Sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, Minh Kỳ bị bắt đi “học tập cải tạo” tại trại An Dưỡng ở Biên Hòa, nơi ông thiệt mạng vì một quả lựu đạn bỗng nổ tung giữa bữa cơm với các bạn tù. Lúc ấy Minh Kỳ mới có 45 tuổi.


    Phần lớn các sáng tác của Minh Kỳ hồi trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam đều là những bản nhạc tình cảm, kể cả những bản “nhạc lính.” Số lượng các nhạc phẩm do Minh Kỳ viết ra rất nhiều và rất đa dạng, bởi vì Minh Kỳ thường hợp soạn với các nhạc sĩ khác: “Xuân Đã Về,” “Nha Trang” (lời Hồ Đình Phương), “Lá Vàng Rơi,” “Anh Tiền Tuyến Em Hậu Phương,” “Tình Hậu Phương,” “Cánh Thiệp Đầu Xuân” (với Lê Dinh), “Đường Về Khuya” (với Lê Dinh), “Hạnh Phúc Đầu Xuân” (với Lê Dinh), “Cánh Thư Ướp Hoa Rừng” (với Lê Dinh), “Cánh Buồm Chuyển Bến” (lời Hoài Linh), “Biệt Kinh Kỳ” (lời Hoài Linh), “Mấy Độ Thu Về” (lời Hoài Linh), “Nếu Một Mai Anh Biệt Kinh Kỳ” (lời Hoài Linh), “Sầu Tím Thiệp Hồng” (lời Hoài Linh), “Tiếng Hát Học Trò” (với Nguyễn Hiền)…


    Hình ảnh

    Nhóm Lê Minh Bằng. (Hình: Tài liệu)
    ***

    Nhạc sĩ Anh Bằng, tên thật là Trần An Bường, quê ở Thanh Hóa nhưng ra Hà Nội học hành trước khi cùng gia đình di cư vào Nam sau Hiệp Định Geneva năm 1954.

    Năm 1957, chàng trai này nhập ngũ và phục vụ trong Liên Đoàn Công Binh Việt Nam Cộng Hòa. Nhờ tài viết kịch và trình diễn kịch, Anh Bằng cùng các chiến hữu Công Binh được cử đi trình diễn văn nghệ tại nhiều đơn vị quân đội từ Quảng Trị cho tới Bình Định, để rồi sau đó được thuyên chuyển về phục vụ trong ngành Chiến Tranh Tâm Lý thời Đệ Nhất Cộng Hòa cho đến khi giải ngũ vào năm 1962.


    Từ năm 1969 trở đi, Anh Bằng cùng hai nhạc sĩ Lê Dinh và Minh Kỳ lập nên nhóm Lê Minh Bằng để vừa sáng tác nhạc vừa dạy nhạc, và nhóm này đã đào tạo được những ca sĩ nổi tiếng như Trang Mỹ Dung, Kim Loan, Trúc Mai, Giáng Thu… Nhóm này cũng thành lập ban nhạc Sóng Mới chuyên trình diễn trên đài Phát Thanh Sài Gòn.

    Năm 1975, sau ngày miền Nam tự do mất vào tay Cộng Sản, nhạc sĩ Anh Bằng sang định cư tại Hoa Kỳ, nơi ông thành lập một trung tâm băng nhạc lấy tên là Lê Minh Bằng, sau đổi thành Trung Tâm Dạ Lan. Rồi đến năm 1988, nhạc sĩ Anh Bằng thành lập Trung Tâm Asia, do ái nữ Thy Vân của ông làm quản lý cùng với sự cộng tác về kỹ thuật của nhạc sĩ Trúc Hồ.

    Các sáng tác của Anh Bằng rất đa dạng, đặc biệt là những ca khúc phổ thơ và những nhạc phẩm ngoại quốc được ông chuyển sang lời Việt: “Căn Nhà Ngoại Ô,” “Nó,” “Nỗi Lòng Người Đi,” “Nửa Đêm Biên Giới,” “Sầu Lẻ Bóng,” “Giấc Ngủ Cô Đơn” (với Lê Dinh), “Lẻ Bóng” (với Lê Dinh), “Vọng Gác Lưng Đồi” (với Minh Kỳ), “Anh Biết Em Đi Chẳng Trở Về” (thơ Thái Can), “Anh Còn Nợ Em” (thơ Phạm Thành Tài), “Chuyện Giàn Thiên Lý” (thơ Yên Thao), “Khúc Thụy Du” (thơ Du Tử Lê), “Nếu Vắng Anh” (thơ Nguyên Sa), “Trúc Đào” (thơ Nguyễn Tất Nhiên)…

    Nhạc sĩ Anh Bằng qua đời ngày 12 Tháng Mười Một, 2015, tại Orange County, miền Nam California, thọ 89 tuổi. (Vann Phan) [qd]



    Nhạc phẩm “Lính Dù Lên Điểm” của Vũ Chương

    Em biết tại sao lúc này Lính Dù lên điểm!
    Đi ra đường phố nhiều cô nhìn nổ con ngươi!
    Cô thì khen là Lính chịu chơi, cô thì khen là Lính hào hoa
    Có cô mơ chồng, có cô mơ mộng những đêm nằm không.

    Em biết nhiều cô thích bồ Thiên Thần Mũ Đỏ
    Coi anh là Lính đẹp trai mà khỏe hơn ai
    Anh là Thiên Thần giữa trời mây, anh làm quân thù khiếp sợ oai,
    biết bao cô chờ, biết cô bao đợi, biết bao người mơ.

    Đ.K.:
    Anh như là mây nổi trôi giữa trời rộng bao la
    và đâu cũng là quê, là nhà
    Yêu anh khổ lắm em ơi!

    Khi yêu là yêu, dù cho cách trở đầy thương đau
    Dù cho đói no hay giàu nghèo
    Dù đời khổ đến bao nhiêu!

    Như thế thì mê Lính Dù như là điếu đổ
    Em mong được sớm cùng nhau lập tổ uyên ương
    Em là vợ hiền chốn hậu phương
    Anh là trai hùng chốn trường sa
    Ước mơ thanh bình, có tay ông Tạo Hóa thương tình ta…
    Hình ảnh
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49333
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Re: ‘Lính Dù Lên Điểm,’ nhạc kích động vui tươi đời lính của Vũ Chương

    by music123 » Chủ nhật Tháng 6 04, 2023 8:23 am

    Hình ảnh
Đăng trả lời 2 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Google [Bot] và 156 khách