Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Chí Tâm: 'Vợ chồng tôi hạnh phúc dù sống xa con cháu'
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 50070
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Chí Tâm: 'Vợ chồng tôi hạnh phúc dù sống xa con cháu'

    by music123 » Thứ 4 Tháng 2 14, 2024 4:40 pm

    Chí Tâm: 'Vợ chồng tôi hạnh phúc dù sống xa con cháu'

    2/14/24

    "Chàng Điệp" Chí Tâm nói hạnh phúc vì có vợ kề cận, chăm sóc nhau ở tuổi xế chiều khi con cháu đều ở Mỹ.

    Vợ chồng nghệ sĩ cải lương dự buổi ra mắt phim Sáng đèn (đạo diễn Hoàng Tuấn Cường), đầu tháng 2 tại TP HCM. Ở tuổi 72, Chí Tâm cho biết được khán giả thương, nhận lời mời đi diễn, hát đều đặn ở TP HCM và các tỉnh miền Tây. "Tôi may mắn không gặp vấn đề gì nghiêm trọng về sức khỏe, một phần có lẽ nhờ được vợ chăm sóc tận tình. Nhiều năm qua, chúng tôi sát cánh, lo cho nhau từng miếng ăn, giấc ngủ", ông nói.

    Hình ảnh

    Nghệ sĩ Chí Tâm bên vợ - bà Minh Tuyền - tại sự kiện đầu tháng 2. Ảnh: Mai Nhật

    Với Chí Tâm, hạnh phúc là có bạn đời đồng hành mỗi ngày trên mọi nẻo đường. Sau một lần đổ vỡ hôn nhân, Chí Tâm quen Minh Tuyền vào năm 1996 khi về nước ca hát. Từ mối duyên bạn bè, họ tiến tới tình yêu, nên nghĩa vợ chồng.

    Vợ chồng nghệ sĩ hiện sống chủ yếu ở TP HCM, thỉnh thoảng sang Mỹ thăm con cháu. Ông có năm người con, trong đó hai con riêng với vợ cũ - danh ca Hương Lan. Vì khoảng cách địa lý, chỉ một người con gái của ông về nước đón năm mới cùng cha mẹ. "Gia đình tôi vẫn luôn giữ sự gắn kết, gọi điện video hỏi thăm nhau mỗi ngày. Tôi hạnh phúc khi các con tự lập, trưởng thành và hiếu thảo với cha mẹ", nghệ sĩ nói.

    Gần 30 năm gắn bó, Chí Tâm nói vợ chồng chưa từng tranh cãi đến mức mâu thuẫn nhờ biết nhường nhịn. Cả hai tính tình trái ngược nhau, bà hay làm việc nhanh nhẹn, rốt ráo còn ông có phần chậm chạp vì thích sự kỹ lưỡng. Mỗi lần giận nhau, ông thường làm hòa bằng cách chủ động lấy đồ đạc cho vợ, pha giúp bà ly nước cam. "Nếu người này nói người kia làm điều gì chưa hợp lý, cả hai sẽ ngồi phân tích để tìm ra phương án chung. Mọi thứ trong gia đình tôi đều được xây dựng trên cơ sở thống nhất", ông nói.

    Nghệ sĩ cho biết vợ chấp nhận đứng trong hậu trường, thầm lặng hy sinh để ông được tỏa sáng trên sân khấu. Mỗi đêm diễn, bà thường chủ động lắng nghe ý kiến khen, chê của khán giả, sau đó về nhận xét, góp ý với ông. Khi có khán giả nữ muốn chụp ảnh cùng chồng, bà thường lặng lẽ đi nơi khác để tránh gây khó xử. "Cô ấy luôn để tôi làm những gì mình mong muốn, tôn trọng quá khứ của chồng và luôn nhắc tôi phải sống trọn vẹn những giây phút có nhau", ông cho biết.

    Ông vừa du xuân cùng vợ ở các tỉnh miền Tây kết hợp biểu diễn, gặp gỡ người hâm mộ. Sau khi đón giao thừa ở chương trình truyền hình Hậu Giang, Chí Tâm dành vài ngày nghỉ ngơi, tham quan cảnh đẹp ở Hòn Tre (Kiên Giang). Bước sang năm mới, ông không mưu cầu gì ngoài sức khỏe vì quan niệm cuộc sống chỉ cần biết đủ đầy, mọi thứ sẽ bình yên.

    Phim Sáng đèn đánh dấu lần đầu Chí Tâm đảm nhận một vai điện ảnh - thầy đờn Cảnh Sơn, cha nuôi của chàng kép Cảnh Thanh (Bạch Công Khanh đóng). Suốt 50 ngày ghi hình, nghệ sĩ đảm nhận các cảnh nguy hiểm mà không cần cascadeur. Trong một cảnh, nhân vật của Chí Tâm phải bơi qua sông để cứu một cô đào (Thanh Hiền đóng) trong một vụ chìm ghe. Khi đạo diễn Hoàng Tuấn Cường đề nghị bố trí diễn viên đóng thế, ông từ chối, tự thực hiện cảnh bơi qua sông kéo dài hai giờ.

    Nghệ sĩ nhận lời tham gia bởi kịch bản gợi ông nhớ thời mới vào nghề, lang bạt cùng các gánh hát. Từ năm 16 tuổi, nghệ sĩ sống trong các đoàn cải lương như Dạ Quang Châu, Tinh Hoa. Có giai đoạn, đoàn rã gánh vì kinh tế khó khăn, ông phải trải chiếu ở bãi cát, giăng mùng ngủ ngoài đồng. "Xem phim, tôi khóc vì nhiều phân cảnh làm sống lại ký ức một đời đi hát", nghệ sĩ nói.

    Chí Tâm quê Vĩnh Long, mê hát vọng cổ từ bé do nhà gần rạp hát. Sáu tuổi, ông xin gia đình theo học các nhạc sĩ cổ nhạc danh tiếng trong vùng như thầy Minh, Mười Ngoạn, Bùi Kiên, Năm Thê. Sau hai năm theo học soạn giả Yên Sơn, ông thu âm một số nhạc phẩm tân cổ giao duyên như Em bé đánh giày, Em bé bán báo, Về bên gối mẹ, Con quạ con chồn.

    Năm 1974, ông nổi lên như hiện tượng với tuồng Chuyện tình Lan và Điệp. Bản thu do soạn giả Loan Thảo dựng lại với các giọng ca: Chí Tâm (Điệp), Thanh Kim Huệ (Lan), Tú Trinh (Thúy Liễu), Hữu Phước (ông Tú - ba của Lan). Đĩa hát tạo cơn sốt doanh thu, đến nay được xem là bản thu âm chuẩn mực nhất của tác phẩm. Chí Tâm còn được biết đến qua các tuồng: Đường gươm Nguyên Bá, Quán gấm đầu làng, Lương Sơn Bá, Tây Thi. Ngoài ca hát, ông sáng tác vọng cổ, tân nhạc và sử dụng thành thục các nhạc cụ cổ truyền.

    Mai Nhật
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Google [Bot] và 62 khách