Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Đại Học Minnesota giúp tiệm nail sử dụng sản phẩm an toàn
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 50038
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Đại Học Minnesota giúp tiệm nail sử dụng sản phẩm an toàn

    by music123 » Thứ 7 Tháng 3 09, 2024 5:51 pm

    Đại Học Minnesota giúp tiệm nail sử dụng sản phẩm an toàn

    March 8, 2024

    MINNEAPOLIS, Minnesota (NV) – Một sáng kiến mới của Đại Học Minnesota, do Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường (EPA) tài trợ, nhằm khuyến khích các tiệm nail, trong đó có của người gốc Việt ở Minnesota, chuyển sang các sản phẩm an toàn, theo báo Sahan Journal.

    Sáng kiến này là một phần trong khoản tài trợ trị giá $16 triệu của EPA để ngăn ngừa ô nhiễm ở cấp cộng đồng và đang được phân phối cho 24 tổ chức trên toàn quốc.

    Hình ảnh

    Ít ai biết hóa chất trong tiệm nail có gì. (Hình minh họa: Annice Lyn/Getty Images)


    Cơ quan y tế công cộng của Đại Học Minnesota nhận $664,000 để mở một chiến dịch tiếp cận cộng đồng gồm các tiệm nail thuộc Twin Cities và các tiệm làm tóc của người Somali và Đông Phi, đôi khi sử dụng các sản phẩm duỗi tóc có chất formaldehyde.

    Về phía nghiên cứu, hai bà Trân Huỳnh và Susan Arnold đều là phó giáo sư Khoa Học Sức Khỏe Môi Trường của đại học, dẫn đầu sáng kiến này.


    Khoản tài trợ cho họ kéo dài hai năm và cả hai đều nói rằng họ sẽ dành năm đầu tiên để xây dựng mối quan hệ với các tiệm địa phương để hiểu nhu cầu chung của họ.

    Về phía chủ tiệm, bà Ngân Hoàng, làm nghề nail được 22 năm, cho biết khi mang thai đứa con đầu lòng, bà bắt đầu đặt câu hỏi liệu việc tiếp xúc liên tục với hóa chất độc hại trong sơn móng tay có thể gây hại cho bà và đứa con tương lai hay không.

    “Tôi bắt đầu tìm hiểu,” bà Ngân, 43 tuổi, người điều hành tiệm Cali Nails trên đường Lake St. ở Minneapolis, nói, theo báo Sahan Journal viết hôm 6 Tháng Hai.


    Bà Ngân biết rằng tiếp xúc lâu dài với hóa chất trong sơn móng tay có thể gây tổn thương gan, thận, dị tật bẩm sinh và thậm chí là ung thư. Bà cũng nhận ra rằng khác với khách hàng, những người chỉ đến tiệm một hoặc hai lần một tháng, còn bà phải tiếp xúc ngày này qua ngày khác trong thời gian dài.

    Bà nói: “Tôi không nên ngồi trong đó [mùi hóa chất] cả ngày. Tôi không muốn bị ung thư hoặc con tôi bị bất kỳ rủi ro quái đản nào.”

    Bà Ngân bắt đầu chuyển sang dùng các loại sơn móng tay không chứa hóa chất độc hại, một quá trình kéo dài bốn năm. Hôm nay, tất cả các sản phẩm của bà đều không chứa các hóa chất như dibutyl phthalate, toluene và formaldehyde có thể gây tác động xấu cho sức khỏe.

    Mẹ bà Ngân mở tiệm nail sau khi gia đình bà đến Minnesota theo diện tị nạn từ Việt Nam, đến nay được 30 năm.


    Con gái bà Ngân năm nay đã tròn 8 tuổi nhưng bà vẫn lo lắng rằng sự tiếp xúc trong quá khứ có thể ảnh hưởng sau này.

    Bà nói: “Hơn 20 năm nay tôi vẫn ngồi quanh những loại hóa chất này để làm nail. Như người ta nói, ‘Tôi đã hút thuốc 30 năm và bây giờ tôi nghĩ phổi của tôi sẽ ổn nếu tôi bỏ thuốc.’”

    Trở lại phía nghiên cứu, chủ đề này rất thích hợp cho bà Trân Huỳnh vì bà cùng gia đình di dân từ Việt Nam đến Minnesota năm 1997; mẹ bà làm nail và cho đến nay vẫn làm việc tại một tiệm ở Richfield.

    “Việc làm móng tay là trụ cột kinh tế của cộng đồng,” bà Trân nói. “Những tiệm này là tài sản cộng đồng cho phép mọi người kiếm sống và nuôi dạy con cái như gia đình tôi.”

    Bà Trân muốn khai triển sáng kiến này với trọng tâm là “bảo vệ tài sản cộng đồng.” Trước đây, bà đã dành năm năm làm việc về vấn đề tương tự với các tiệm nail ở Philadelphia, Pennsylvania, trong cương vị phụ tá giáo sư tại Đại Học Drexel.


    Tại đây, bà hợp tác với VietLead, một tổ chức cộng đồng ở Philadelphia và tạo ra tài liệu đào tạo về các sản phẩm an toàn hơn, sau đó được nhân viên VietLead phân phát cho các tiệm.

    Bà Arnold cũng thực hiện việc tiếp cận với các tiệm nail và tóc ở địa phương.

    Cả hai bà đều hiểu rằng việc chuyển sang sử dụng các sản phẩm an toàn có thể làm chi phí của tiệm tăng thêm.

    “Trong bất kỳ doanh nghiệp nhỏ nào cũng phải cân nhắc mọi thứ,” bà Arnold nói. “Lại có nhiều cạnh tranh nữa, và chúng tôi phải lưu ý đến điều này.”

    Cả hai đang làm việc với các nhóm cộng đồng để thiết lập mối quan hệ với các thẩm mỹ viện địa phương.

    Hình ảnh

    Đại Học Minnesota khuyến khích tiệm nail sử dụng sản phẩm an toàn. (Hình minh họa: twin-cities.umn.edu)


    Bà Amira Adawe, giám đốc điều hành của Dự Án Beautywell, người chống lại các sản phẩm tẩy da, là đối tác tiếp cận cộng đồng của sáng kiến này đối với các thẩm mỹ viện của người Đông Phi.

    Bà Amira cho biết một sản phẩm độc hại phổ biến trong cộng đồng của bà là henna đen, trộn thuốc nhuộm tóc với henna thường để giữ kiểu dáng lâu dài hơn. Các tiệm sử dụng henna đen vì nó tiện lợi.


    “Họ không phải đợi cả tiếng cho tóc khô như henna thông thường,” bà Amira nói.

    Nhưng thuốc nhuộm này có thể gây dị ứng da.

    Cách đây 15 năm, bà Amira vô tình bị dính henna đen lên tay.

    Hôm sau, cánh tay bà sưng tấy và ngứa ngáy. Bà đến bệnh viện và được cho thuốc giảm đau và kem bôi ngoài da.

    Nhiều năm sau, khi bà Amira thực hiện sáng kiến chống lại các sản phẩm làm sáng da với Bộ Y Tế Minnesota (MDH), bác sĩ nói rằng họ thấy ngày càng nhiều người phải cấp cứu sau khi sử dụng henna đen.

    Bà Amira sẽ làm việc với Đại Học Minnesota để giáo dục các chủ tiệm về những hậu quả của các sản phẩm thẩm mỹ viện độc hại.

    “Nhiều khi người ta không biết những sản phẩm này có gì,” bà Amira nói.

    Các chủ tiệm cho biết một số cản trở đối với việc chuyển sang sản phẩm an toàn là vừa đắt mà khách hàng lại không hài lòng.

    “Đôi khi sơn móng tay an toàn không bền bằng sơn truyền thống là loại bền như ‘xi măng,’” bà Ngân nói. “Các sản phẩm an toàn cũng khó mua hơn và thường không bán sỉ, nghĩa là sẽ đắt hơn.”


    “Một phụ nữ có thể cần 10 chai sơn móng tay, trong khi chúng tôi cần 200 chai sơn bóng,” bà tiếp. “Phải có nhiều tiệm mua sản phẩm thì giá mới giảm.”

    Tuy nhiên, phẩm chất của các sản phẩm an toàn ngày càng được cải thiện nhờ tiến bộ công nghệ, bà Ngân nói. Một trong những sản phẩm phổ biến mà bà hiện đang sử dụng là sơn gel phối hợp với đèn LED, loại sơn này có thể lưu lại trên móng tay tới sáu tuần.

    Bà Trân thêm rằng bà tin một chiến dịch giáo dục về các sản phẩm an toàn thông qua sáng kiến do EPA tài trợ sẽ hữu ích.

    Hình ảnh

    Nhiều thợ nail bị tiếp xúc với hóa chất độc hại hàng 20 năm. (Hình minh họa: Andrea Renault/AFP via Getty Images)


    Nhưng sáng kiến này cần có hỗ trợ tài chính để các tiệm thay sản phẩm. Bà Trân và bà Arnold hiểu điều này và dự định chia sẻ nghiên cứu của họ với MDH và cơ quan lập pháp.

    “Chúng tôi đang tìm cách thiết lập một ‘chương trình thẩm mỹ viện lành mạnh’ và cung cấp thành phần nội dung khoa học cho MDH để nếu khả thi thì họ sẽ viện trợ khi nguồn tài trợ kết thúc,” bà Arnold nói.

    Khoản tài trợ của EPA kéo dài đến năm 2025. (ĐG) [qd]
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Google [Bot] và 57 khách