Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
'Bị biển nuốt gọn'
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 50123
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    'Bị biển nuốt gọn'

    by music123 » Chủ nhật Tháng 4 07, 2024 3:29 pm

    'Bị biển nuốt gọn'

    Võ Nhật Vinh
    4/7/24


    Bằng cách nào đó, Thanh - một công nhân 30 tuổi - liên lạc được với tôi và đề nghị tư vấn cách thức đưa cô sang Pháp “lao động”.

    Tôi từ chối, nói đây không phải lĩnh vực hoạt động của mình. Tôi chỉ hỗ trợ, hướng dẫn các du học sinh tới Pháp và một số nước châu Âu. Nhưng Thanh khăng khăng muốn tôi nghe qua câu chuyện của cô. Ở quê Thanh, nhiều thanh niên phải vay mượn hàng trăm triệu để sang châu Âu rồi tiếp tục tới Anh lao động, kiếm hàng nghìn bảng mỗi tháng. Một đồng hương của cô nằm trong số 39 nạn nhân thiệt mạng trong xe tải đông lạnh trên đường sang Anh vào tháng 10/2019. Ngoài ra, một người chị họ xa của Thanh, tuy may mắn được giải cứu trước khi ngộp thở trong một chuyến xe tải đông lạnh khác vào tháng 9/2023 trên đất Pháp, nhưng đã mất hết cả vốn đầu tư khi không thể sang đến Anh làm việc.

    Thanh muốn tìm một con đường khác ít rủi ro hơn.

    Hình ảnh

    Việt Nam nằm trong số 10 nước hàng đầu có nhiều thuyền nhân vượt eo biển Manche vào Anh một cách bất hợp pháp (BBC)

    Từ 25/3, Bộ Nội vụ Vương quốc Anh đồng loạt cho đăng tải một video clip bằng tiếng Việt trên các nền tảng xã hội như YouTube hay Facebook. Đối tượng của đoạn video này là người Việt Nam có ý định vượt eo biển Manche trên các thuyền nhỏ để đi từ Pháp sang Anh. Thông điệp của video là "bạn sẽ bị biển nuốt gọn", hy vọng đánh vào nỗi sợ hãi của những người có ý định vượt biên bằng đường biển. Theo thống kê, số người Việt Nam nhập cư lậu sang Anh bằng thuyền nhỏ trong năm nay đã tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Eo biển này là một phần của Đại Tây Dương, nơi hẹp nhất khoảng 34 km nhưng thường xuyên có sóng to và bão. Thuyền nhỏ dùng để vượt biên thường là các loại thuyền hơi thể thao dùng để giải trí, không phải dùng để vận chuyển người trên biển.

    Người nhập cư bất hợp pháp sẽ không có quyền gì ở Anh, không được tiếp cận các dịch vụ công hay nguồn trợ cấp nào. Tất cả những điều này ngược lại với những gì những người muốn nhập cư lậu sang Anh được tuyên truyền.

    Nước Anh - từ trước và sau khi ra khỏi Liên minh châu Âu - vẫn là nền kinh tế phát triển nhất với tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất và chính sách nhập cư mềm mỏng nhất. Thị trường lao động chui được ước tính chiếm đến 10% GDP của xứ sở này. Cạnh đó, tiếng Anh với thế mạnh là ngôn ngữ được dạy và học khắp thế giới nên hầu như người nhập cư nào cũng có thể "tự tin" có được một số từ vựng nhất định để sinh tồn. Ngoài ra, dòng người nhập cư bất hợp pháp tại Anh kéo dài hàng chục năm qua đã cho phép những người nhập cư lậu mới có được "căn cứ" bước đầu khi đặt chân tới Anh. Vì thế, xứ sở sương mù là miền đất hứa của người nhập cư lậu - trong đó có người Việt Nam.

    Đó cũng là những gì mà Thanh được những kẻ môi giới giải thích và kêu gọi. Không chỉ Thanh mà rất nhiều người đã tin vào điều đó, ước mong đổi đời để thoát cảnh làm công nhân các khu công nghiệp ở miền Nam với lương chỉ hơn mười triệu đồng mỗi tháng. Câu chuyện 39 nạn nhân người Việt thiệt mạng trong thùng xe tải đông lạnh và câu chuyện các cô gái được giải cứu trong tình trạng sắp ngạt thở cũng trong thùng xe tải vẫn chưa đủ để thức tỉnh dòng người ôm giấc mơ vượt biển.

    Chiến dịch truyền thông của Bộ Nội vụ Anh nhắm vào người Việt, cũng như câu chuyện của Thanh có thể gợi ra những suy nghĩ gì?

    Di dân kinh tế luôn là một nhu cầu có thật, không chỉ ở Việt Nam mà xuất hiện khắp nơi trên thế giới, kể cả các quốc gia phát triển. Vấn đề chỉ thực sự đáng ngại nếu di dân kinh tế diễn ra dưới hình thức nhập cư lậu. Họ là miếng mồi béo bở của các tổ chức buôn người với những hoạt động tội phạm mại dâm, cướp bóc và ma túy. Kèm theo đó, phương tiện vận chuyển đặt ra một dấu hỏi lớn với độ rủi ro tính mạng lên tới mức cực đại.

    Tuy nhiên, mức lương lên tới vài nghìn bảng, tức ít nhất cũng khoảng 40 triệu đồng, so với 10 triệu đồng của công nhân vẫn dễ khiến người ta suy nghĩ. Chỉ cần chưa đầy hai năm, người nhập cư lậu có thể thu hồi vốn và bắt đầu kiếm lời. Không ai nói rõ với họ rằng con số ấy chỉ có ý nghĩa khi họ sống sót, xác suất còn sống bao nhiêu thì không ai dám chắc. Phần chìm của tảng băng không được hé lộ, không được cảnh báo, người dân trong cảnh khốn khó chỉ muốn nhìn thấy, hoặc chỉ có cơ hội nhìn thấy phần nổi: là một số ít gia đình có con em đi châu Âu đã gửi tiền về cho bố mẹ xây nhà, mua xe. Nước mắt, mồ hôi và máu sau những đồng tiền đó cũng không được nhìn thấy.

    Tôi hiểu rằng, giải pháp bền vững lâu dài là phát triển mạnh kinh tế địa phương, tạo ra nhiều công ăn việc làm thu nhập tốt để thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa lao động trong nước với lao động di cư lậu, nhằm kiềm chế sự liều lĩnh đánh cược tính mạng bản thân. Tuy nhiên, giải pháp này có thể phải mất hàng thập kỷ mới đem lại kết quả trong khi mỗi năm vẫn có hàng trăm chuyến vượt biên đầy rủi ro.

    Những câu chuyện đau lòng như trên sẽ vẫn tiếp diễn trước mắt nếu chính quyền các địa phương "có nguy cơ cao" không tự chủ động tuyên truyền cho người dân những rủi ro tính mạng.

    Chính phủ Anh từ lâu đã nhận thấy nguy cơ cao từ người Việt Nam nhập cư lậu sang nước họ và liên tục tiến hành các chiến dịch truyền thông. Tôi nghĩ, ban ngành địa phương trong nước càng nên chủ động tìm cách bảo vệ tính mạng cho dân mình từ sớm.

    Bỏ mạng nơi xứ người với một khoản vay lãi từ trước, gia đình nạn nhân sẽ mất người, mất của và mang theo vết sẹo tinh thần vĩnh viễn.

    Võ Nhật Vinh
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Google [Bot] và 36 khách