October 23, 2024
SINGAPORE (NV) – Hôm Thứ Ba, 22 Tháng Mười, ông Lý Hiển Dương (Lee Hsien Yang), con trai út của cố Thủ Tướng Lý Quang Diệu (Lee Kuan Yew), vị quốc phụ của nước Singapore hiện đại, cho biết rằng ông đang là một người tỵ nạn chính trị, một khúc quanh mới nhất của mối hận thù bên trong gia tộc nổi tiếng nhất của quốc gia Đông Nam Á này, thông tấn xã Reuters loan tin.
Ông Lý và cô em gái Lý Vĩnh Linh (Lee Wei Ling), người vừa đời hôm 9 Tháng Mười, trong nhiều năm đã lạnh nhạt với người anh trai đầy quyền lực Lý Hiển Long, từng giữ chức thủ tướng trong hai thập niên cho đến Tháng Năm năm nay, về vấn đề phải làm gì với ngôi nhà cũ của thân phụ họ sau khi ông qua đời vào năm 2015.
Mối quan hệ gia đình bị sứt mẻ đã diễn ra công khai, với việc ông Lý, 67 tuổi, liên kết với một đảng đối lập trong cuộc bầu cử năm 2020, và năm ngoái tuyên bố rằng ông đang tính ra tranh cử tổng thống Singapore, một chức vụ chỉ có tính lễ nghi mà thôi.

Lee Hsien Yang, em trai cựu Thủ Tướng Lee Hsien Loong bên ngoài tòa án Singapore ngày 10 Tháng Tư, 2017 (Hình: ROSLAN RAHMAN/AFP/Getty Images)
Trong một bài đăng trên Facebook vào hôm thứ Ba, ông Lý cho biết công luận Anh nhìn nhận rằng ông phải đối diện với “nguy cơ bị bức hại rõ ràng và không thể trở về Singapore một cách an toàn được.”
“Tôi đã tìm cách bảo vệ mình qua quy chế tỵ nạn như một phương thế cuối cùng. Tôi vẫn là một công dân Singapore, và tôi hy vọng sẽ được bình yên trở về quê nhà vào một ngày nào đó,” ông Lý nói.
Chính phủ Singapore nói rằng lời tuyên bố của ông Lý cho rằng mình bị bức hại là vô căn cứ, theo nguồn tin của ChannelNewsAsia.
Qua một bài đăng trên mạng, ông Lee cho biết ông đã đi tỵ nạn để tìm kiếm sự bảo vệ vào năm 2022, viện lý do có “các cuộc tấn công” và đàn áp của chính phủ nhắm vào ông và gia đình của ông, dẫn đến hậu quả là ông không thể trở lại quê nhà để dự đám tang người em gái.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Guardian vào hôm Thứ Ba, ông Lý cho biết chính phủ Anh đã cấp cho ông quy chế tỵ nạn vào hồi Tháng Tám.
Tuần trước, ông Lý nói rằng ông sẽ nộp đơn xin phá hủy ngôi nhà của ông Lý Quang Diệu theo nguyện vọng của cha mình.
Đáp lại, chính phủ Singapore cho biết họ sẽ cứu xét các vấn đề liên quan đến tài sản đó trong thời gian thích hợp. Còn cựu Thủ Tướng Lý Hiển Long thì nghĩ rằng chính phủ nên quyết định phải làm gì với ngôi nhà đó, trong đó có cả khả năng giữ lại nó nhằm bảo tồn một di sản quốc gia. (TTHN)