Đăng trả lời 2 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Chợ Bến Thành,vắng VK và khách ngoại quốc, mất đi ‘mùi Tết’
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 50004
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Chợ Bến Thành,vắng VK và khách ngoại quốc, mất đi ‘mùi Tết’

    by music123 » Thứ 2 Tháng 1 18, 2021 9:29 am

    Vắng Việt kiều và khách ngoại quốc, chợ Bến Thành mất đi ‘mùi Tết’

    Jan 18, 2021

    SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Còn không bao lâu nữa là đến Tết Nguyên Đán Tân Sửu, nhưng chợ Bến Thành năm nay đã mất đi “mùi Tháng Chạp,” mất đi “mùi ký ức” khi vắng bóng Việt kiều về quê ăn Tết.

    Sài Gòn năm nay lành lạnh. Công viên Quách Thị Trang trước mặt tiền chợ Bến Thành vẫn bít bùng bởi công trình thi công metro. Phần thi công mới đã lan ra đến bên cửa Tây của chợ trên đường Phan Chu Trinh, quận 1, Sài Gòn.

    Hình ảnh

    Các con đường quanh chợ Bến Thành những ngày giáp Tết khá vắng lặng. (Hình: Quỳnh Trần/VNExpress)


    Thế mà theo báo Thanh Niên, chợ Bến Thành vẫn… tối và vẫn vắng như suốt một năm qua, trong khi người dân chỉ còn ba tuần nữa để sắm đồ Tết, tặng quà Tết cho người thân.

    Khu bán thực phẩm phía sau cửa Bắc mọi năm giờ này chen chân không lọt, nhưng nay mua cái bắp chuối hà nàm, người bán hàng dư thời gian thong thả tách bẹ, tách bông, bào mỏng ngâm chanh đâu đó rạch ròi. Đi vô chỗ bán rau củ quen, thấy đồ khô ngâm dưa món ít hơn mọi khi. “Năm nay bà con ở ‘bển’(hải ngoại) không về được, gửi qua cũng khó nên bán hổng chạy,” bà cụ bán hàng cho biết.

    Các hàng bánh mứt cũng ít chộn rộn hơn xưa. “Chưa bao giờ tôi thấy cảnh chợ như năm nay. Việt kiều không về được đã đành, dân mình ngại COVID-19 cũng toàn mua online. Khách quen toàn gọi điện nhờ giao tận nhà…,” một chị bán hàng bánh kẹo nói.

    Nhiều người bán cho biết khoảng tầm này năm trước, người đi kẻ lại sắm Tết ở chợ Bến Thành ken cứng. Lớp nào Việt kiều, lớp nào khách du lịch Tây, Tàu, Mã Lai… “Xí xô xí xào” rân trời.

    Đi chợ Bến Thành tháng giáp Tết mà không gặp Việt kiều về quê ăn Tết mới là lạ. Nét đặc trưng không lẫn vào đâu được là giọng nói người Sài Gòn xưa. Những lời tíu tít hỏi han giữa người mua, người bán. Người mua như muốn ôm hết cái chợ đem về “bển.” Người bán như muốn gom góp cho đủ đồ để người mua có một cái Tết đủ đầy.Vì vậy mà ai cũng mặc định chợ Bến Thành là biểu tượng của Sài Gòn.

    Người ở tỉnh khắp Việt Nam cứ nghĩ chợ Bến Thành là “chợ nhà giàu.” Thiệt ra, danh xưng “chợ nhà giàu” là chợ Phùng Hưng ở khu Chợ Lớn. Đa phần dân ngụ cư quanh đó là người Hoa và người gốc gác dưới miền Tây.

    Trong khi dân quận 1, quận 3…có nhà loanh quanh tâm điểm chợ Bến Thành, thì hay đi… Chợ Cũ ở đường Tôn Thất Đạm, quận 1. Chợ Bến Thành ngoại trừ hàng thực phẩm tươi sống ở sau cửa Bắc, thì toàn bộ cửa Đông, cửa Tây là thế giới của Việt kiều, của khách du lịch.

    Không chỉ người bán, nhiều người ở Sài Gòn đã chứng kiến chợ Bến Thành đã có một năm lạ lùng. Ngay lúc này, sạp nào tắt đèn tạm nghỉ thì tắt. Trong chợ vẫn thấy xanh, đỏ, tím, vàng; vẫn thấy bánh mứt và vẫn còn đó những gian hàng chạp phô (tạp hóa) bày bán măng khô, bong bóng cá, kiệu, tàu hủ ki, kim châm, phù chúc…

    Song, nhìn vào cảnh này mà mường tượng ra mâm cơm cúng ông bà cuối năm vắng đi những người con xa xứ không về được quê nhà. Và có lẽ, người ở “bển” cũng đang nôn nao nhớ cảnh đi chợ Bến Thành tay xách lủ khủ hàng trăm thứ về nhà, bày biện ra để cùng mọi người trong gia đình túm tụm nhau tỉa tót, vén khéo cho những món ăn thức uống mấy ngày Tết thật đầm ấm.

    Chợ Bến Thành xây dựng năm 1912 và hoàn thành sau hai năm, rộng 13,000 mét vuông. Chợ được chia làm bốn khu vực với 11 ngành hàng như vải sợi, tạp mỹ phẩm, thực phẩm, công nghệ chế biến, hàng tươi sống và đồ uống…

    Hình ảnh

    Khu vực hàng ăn trong chợ Bến Thành đìu hiu gần một năm qua do không có Việt kiều và du khách. (Hình: Quỳnh Trần/VNExpress)

    Trước khi có dịch COVID-19, trung bình mỗi ngày chợ đón hơn 15,000 lượt người đến mua bán, tham quan. Khách du lịch trong hay ngoài nước đến Sài Gòn thì cũng muốn được ghé vào chợ Bến Thành để chuyến đi được trọn vẹn.

    Có lẽ thời khắc này, sau gần 110 năm lập chợ, chợ Bến Thành cũng không hình dung ra cảnh mình thiếu sức sống, ảm đạm như năm nay. Cảnh chợ tháng giáp Tết mà không có Việt kiều về, không có cảnh chộn rộn sắm Tết gửi qua “bển,” nên gần như đã mất đi “mùi Tháng Chạp,” “mùi Tết” vương vấn nhiều ký ức của bao người. (Tr.N)
    Hình ảnh
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 50004
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Re: Chợ Bến Thành,vắng VK và khách ngoại quốc, mất đi ‘mùi Tết’

    by music123 » Thứ 2 Tháng 1 18, 2021 12:31 pm

    Chợ Bến Thành một tháng chạp lạ lùng

    1/18/21



    Còn không mấy ngày nữa là tết tới sát một bên. Khoảng thời gian mà lịch làm việc đã bắt đầu tính bằng ngày của tháng Chạp.

    Hình ảnh

    Chợ Bến Thành sáng cuối tuần tháng chạp
    ẢNH: ĐỘC LẬP

    Tháng chạp là mùa hấp dẫn nhất trong năm của chợ. Tháng chạp là tháng mà chợ Bến Thành có mùi. Mùi tết. Mùi ký ức.
    Trời lạnh, chợ lại buồn hơn


    Sài Gòn năm nay lành lạnh. Ít ai nghĩ có lúc sáng thức dậy co ro xách giỏ đi chợ với thời tiết dưới 20 độ C. Công viên Quách Thị Trang vẫn bít bùng bởi công trình thi công metro. Phần thi công mới đã lan ra bên cửa Tây chợ Bến Thành đường Phan Chu Trinh. Đường ít xe càng khiến gió thổi thông thống, dường như càng lạnh hơn.
    Chợ vẫn... tối và vẫn vắng như một năm nay. Ngờ ngợ vào trí nhớ, tôi lật một tờ lịch, thảng thốt nhận ra là mình đã bước qua tháng chạp hổm rày. Một bà chị đăng lên Facebook một dòng trạng thái: Chúng ta chỉ còn 3 tuần nữa để sắm đồ tết, tặng quà tết cho người thân.

    Tôi hay đi chợ mua thức ăn phía sau cửa Bắc. Mọi năm giờ này chen chân không lọt, nay mua cái bắp chuối hà nàm, thằng nhóc bán hàng dư thời gian thong thả tách bẹ, tách bông, bào mỏng ngâm chanh đâu đó rạch ròi. Đi vô bà bán rau củ quen, thấy đồ khô ngâm dưa món ít hơn mọi khi, hỏi thì bà cụ nói: “Năm nay bà con ở bển không về được. Gửi qua cũng khó nên bán hổng chạy con ơi”.

    Mà tình thiệt là các hàng bánh mứt cũng ít chộn rộn hơn xưa. Ghé chị bán mứt quen ở gần cô bán giấy vàng mã, nhang trầm kiếm gói mứt gừng. Chỉ nói: “Chưa bao giờ chị thấy cảnh chợ như năm nay. Việt kiều hổng dzìa được đã đành, dân mình ngại Covid cũng toàn mua online. Khách quen của chị toàn alo nhờ giao tận nhà...”.

    Tôi lôi iPhone ra. Lướt mục kỷ niệm của Facebook thấy đúng tầm nay năm trước tôi cũng đi sắm tết ở chợ Bến Thành. Năm rồi, người đi kẻ lại ken cứng. Lớp nào Việt kiều, lớp nào khách du lịch Tây Tàu rồi lại Mã Lai... Xí xô xí xào rân trời.
    Đi chợ Bến Thành tháng giáp tết mà không gặp Việt kiều về quê ăn tết mới là lạ. Nét đặc trưng không lẫn vào đâu được là giọng nói Sài Gòn xưa. Và còn là tíu tít hỏi han giữa người mua, người bán. Người mua như muốn ôm hết cái chợ Bến Thành đem về bển. Người bán như muốn gom góp cho đủ đồ, đặng người mua có một cái tết đủ đầy.


    Mất đi mùi ký ức


    Người ở tỉnh cứ nghĩ chợ Bến Thành là chợ của nhà giàu. Thiệt ra, danh xưng “chợ nhà giàu” là thuộc về chợ Phùng Hưng dưới Chợ Lớn. Đa phần dân ngụ cư quanh đó là bà con người Hoa và bà con gốc gác dưới miền Tây. Dân quận Nhứt - phạm vi loanh quanh tâm điểm chợ Bến Thành - thì hay đi... Chợ Cũ ở đường Tôn Thất Đạm. Chợ Bến Thành ngoại trừ hàng thực phẩm tươi sống sau cửa Bắc thì toàn bộ cửa Đông, cửa Tây là thế giới của người xa xứ, của khách du lịch muốn hình dung ra cái văn minh chốn thị thành nó như thế nào. Chẳng vậy mà ai cũng mặc định chợ Bến Thành là biểu tượng của Sài Gòn.

    Tôi đồ rằng cảm hứng để nhạc sĩ Y Vân sáng tác ca khúc Sài Gòn đẹp lắm phải là chợ Bến Thành và đường hoa Nguyễn Huệ - phải là đường hoa ngày xưa với cảnh bán mua hoa cúc, hoa thược dược thuở nào. Nghe những câu hát quen thuộc: “Từ xa thấp thoáng muôn tà áo tung bay. Nếp sống vui tươi nối chân nhau đến nơi này. Ngựa xe như nước trên đường vẫn qua mau. Người ra thăm bến câu chào nói lao xao. Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi! Sài Gòn ơi!”. Có ai mà không liên tưởng tới ngay chợ Bến Thành, tới chợ hoa, tới phố xá quanh đây.

    Chợ Bến Thành lúc này, hàng sạp nào tắt đèn tạm nghỉ thì tắt, hàng sạp nào mở thì vẫn hực hỡ như cố sáng thêm cho chợ. Vẫn thấy xanh đỏ tím vàng; vẫn thấy mứt, vẫn thấy bánh. Vẫn còn đó những gian hàng chạp phô bày bán măng khô, bong bóng cá, kiệu, phổ ki, kim châm, phù chúc... Năm nay nhìn mà mường tượng ra mâm cơm cúng ông bà cuối năm vắng những người con xa xứ không về được quê nhà. Và có lẽ, người ở bển cũng đang nôn nao nhớ cảnh đi chợ Bến Thành xách lủ khủ hàng trăm thứ về. Bày biện ra và mấy chị em lại túm tụm nhau tỉa tót, vén khéo cho những món ăn thức uống mấy ngày tết.

    Nhưng cũng như tôi, như mọi người, chợ Bến Thành đã có một năm lạ lùng. Có lẽ, thời khắc này, sau gần 110 năm lập chợ, cái chợ Bến Thành cũng không hình dung ra mình lại thiếu sức sống, tội nghiệp như vầy. Chợ Bến Thành tháng giáp tết mà không có bà con xa xứ về, không có cảnh chộn rộn sắm tết gửi qua bển liệu có còn cái hồn cốt của mình.
    Hình như năm nay, chợ Bến Thành đã mất đi mùi tháng chạp, mất đi màu tháng chạp, mất đi mùi ký ức!

    Hồng Hạnh
    Hình ảnh
Đăng trả lời 2 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Google [Bot] và 78 khách