Đăng trả lời 3 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Đức giúp EU thoát Mỹ
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 60199
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Đức giúp EU thoát Mỹ

    by music123 » Chủ nhật Tháng 2 23, 2025 8:09 pm

    Chính trị Đức chuyển hướng sau bầu cử: Độc lập khỏi Mỹ?


    2/23/25

    Ông Friedrich Merz, người chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Đức, đang chuẩn bị nắm quyền lãnh đạo quốc gia với một mục tiêu đầy tham vọng: đưa châu Âu hướng tới sự độc lập thực sự khỏi Mỹ, theo Reuters.

    Tuy nhiên, thách thức đang chờ đợi ông Merz không chỉ là việc thiết lập một chính phủ liên minh mà còn là việc định hình lại vị thế của Đức trên bản đồ chính trị quốc tế.

    Hình ảnh

    Ông Friedrich Merz, lãnh đạo liên minh CDU/CSU - Ảnh: Reuters

    Cuộc bầu cử vừa qua đã chứng kiến một sự thay đổi lớn trong cán cân quyền lực. Phe bảo thủ Liên minh dân chủ/xã hội Cơ đốc giáo CDU/CSU của ông Merz giành chiến thắng, trong khi đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) vươn lên vị trí thứ nhì, đạt được kết quả tốt nhất trong lịch sử.

    Điều này đánh dấu một sự thay đổi lớn trong chính trường Đức sau khi liên minh ba bên của Thủ tướng Olaf Scholz sụp đổ, phần lớn do những bất ổn về chính sách kinh tế và nhập cư.

    Sự trỗi dậy của cánh hữu và thách thức trong đàm phán liên minh

    Dù giành chiến thắng, ông Merz không có một thế mạnh rõ ràng trong đàm phán liên minh. CDU/CSU vẫn phải tìm đối tác phù hợp để đảm bảo đa số trong quốc hội. Trong khi đó, AfD - đảng cực hữu được hậu thuẫn bởi các nhân vật nổi tiếng như Elon Musk và có quan hệ thân cận với Tổng thống Mỹ Donald Trump - đã trở thành một thế lực đáng gờm, khiến các đảng truyền thống lo ngại.

    Tuy nhiên, ông Merz và các chính trị gia chính thống khác đã loại trừ khả năng hợp tác với AfD. Điều này làm phức tạp thêm tình hình khi đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng Olaf Scholz và đảng Xanh đều đạt kết quả kém nhất kể từ sau Thế chiến 2. Ông Merz chỉ còn vài lựa chọn: hợp tác với SPD, đảng Xanh, hay một liên minh phức tạp hơn với các đảng nhỏ.

    Việc hình thành một liên minh ba bên mới có thể mất nhiều tháng và đặt Đức vào tình trạng lãnh đạo tạm thời kéo dài. Mỗi kịch bản đều đi kèm với những đòi hỏi riêng và sự khác biệt về tư tưởng, biến quá trình này thành một màn cân não đầy rủi ro.

    Những con số từ cuộc bầu cử phản ánh một bối cảnh chính trị đầy phân cực. Đảng CDU/CSU giành 28,5% số phiếu, dù chiến thắng nhưng vẫn là một kết quả không mấy ấn tượng. Đảng cực hữu AfD đạt 20,5%, lần đầu tiên vươn lên vị trí thứ 2. Đảng SPD của ông Scholz chỉ còn 16,5%, mức thấp kỷ lục. Đảng Xanh theo sau với 11,8%, trong khi đảng cực tả Die Linke chiếm 8,7%, đảng Dân chủ tự do (FDP) và tân binh Liên minh Sahra Wagenknecht Alliance (BSW) dao động quanh ngưỡng 5% cần thiết để vào quốc hội.

    Carsten Brzeski, chuyên gia kinh tế tại ING nhận định: “Nếu chính phủ mới không mang lại sự thay đổi đáng kể, đầu tư nước ngoài sẽ bị kìm hãm, làm suy yếu triển vọng kinh tế của Đức”.

    Giảm phụ thuộc vào Mỹ

    Ông Friedrich Merz, 69 tuổi, dù chưa từng có kinh nghiệm làm việc trong chính phủ, nhưng tự tin khẳng định rằng nếu trở thành người đứng đầu, ông sẽ vượt qua những gì người tiền nhiệm Olaf Scholz đã đạt được.

    Trong bối cảnh nước Đức đang đối mặt với nhiều thách thức về kinh tế và vị thế quốc tế, ông Merz cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh chủ chốt. Với tầm nhìn táo bạo, ông hướng tới việc khôi phục vai trò trung tâm của Đức ở châu Âu, biến nước này không chỉ mạnh mẽ hơn mà còn trở thành cầu nối quan trọng, đoàn kết lục địa già trong thời kỳ biến động.

    Sau chiến thắng, lãnh đạo CDU/CSU đã có những phát biểu cứng rắn về mối quan hệ với Mỹ, chỉ trích cách Washington can thiệp vào chiến dịch bầu cử của Đức và so sánh nó với sự can thiệp của Nga. Ông nhấn mạnh rằng châu Âu phải củng cố sức mạnh của mình và giảm sự phụ thuộc vào Mỹ.

    Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump hoan nghênh kết quả bầu cử, viết trên mạng xã hội Truth rằng “Giống như Mỹ, người dân Đức đã chán ngấy những chính sách về năng lượng và nhập cư vô lý”. Ông Trump ca ngợi người dân Đức vì đã "từ chối chương trình nghị sự thức tỉnh" và hy vọng tăng cường quan hệ song phương với Berlin.

    Tuy vậy, ông Merz lại không giấu giếm sự hoài nghi về cam kết của chính quyền Mỹ với châu Âu. Tầm nhìn tự chủ của Merz rõ ràng mâu thuẫn với chính sách "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump, mở ra khả năng căng thẳng trong tương lai giữa hai nhà lãnh đạo.

    Ông Merz đặt câu hỏi về tương lai của NATO, tổ chức đã đảm bảo an ninh cho châu Âu suốt nhiều thập niên, và đặt trọng tâm vào việc củng cố sức mạnh quân sự độc lập của EU. Ông tuyên bố: “Chúng ta đang chịu áp lực khủng khiếp từ cả hai phía. Vì vậy ưu tiên hàng đầu của tôi là đoàn kết châu Âu… Chúng ta phải xây dựng một châu Âu mạnh mẽ để có thể đạt được độc lập thực sự khỏi Mỹ, từng bước một”.

    Điều này làm dấy lên những lo ngại về mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, đặc biệt trong bối cảnh ông Trump đang đẩy nhanh quá trình đàm phán ngừng bắn tại Ukraine mà không có sự tham gia của châu Âu. Nếu Mỹ giảm sự hiện diện quân sự, Đức và các đồng minh EU có thể đối mặt với một khoảng trống an ninh nghiêm trọng.

    Tương lai kinh tế Đức

    Bên cạnh những thách thức chính trị, ông Merz còn phải đối mặt với một nền kinh tế đang chật vật sau hai năm liên tiếp suy thoái, khi các doanh nghiệp Đức gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các đối thủ toàn cầu, đặc biệt là từ Trung Quốc và Mỹ.

    Để thúc đẩy tăng trưởng, ông có thể triển khai một số chính sách như giảm thuế doanh nghiệp nhằm thu hút đầu tư, tăng cường hỗ trợ công nghiệp quốc phòng để củng cố khả năng tự vệ của châu Âu, và cải cách chi tiêu ngân sách nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững.

    Ngoài ra, các cuộc đàm phán liên minh có thể kéo dài, Thủ tướng Olaf Scholz vẫn sẽ giữ vai trò lãnh đạo tạm thời trong nhiều tháng tới. Điều này có thể gây trì hoãn các chính sách quan trọng, bao gồm hỗ trợ tài chính cho Ukraine, các biện pháp phục hồi kinh tế và chính sách năng lượng.

    Khoảng trống lãnh đạo ở Đức cũng có thể ảnh hưởng đến chính sách chung của EU, đặc biệt khi châu Âu đang đối mặt với các đe dọa thương mại từ Tổng thống Trump và sự gia tăng ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc.

    Hoàng Vũ
    Sửa lần cuối bởi 3 vào ngày music123 với 0 lần sửa trong tổng số.
    Hình ảnh
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 60199
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Re: Sau bầu cử ,Đức Độc lập khỏi Mỹ?

    by music123 » Thứ 2 Tháng 2 24, 2025 11:50 am

    Tác động từ kết quả bầu cử ở Đức với Ukraine

    Thứ Hai, 24/02/2025

    Khi EU gấp rút chuẩn bị gói viện trợ mới, tương lai của Ukraine đang phụ thuộc nhiều vào sự quyết đoán của Đức. Liệu Đức có trở thành trụ cột mới cho Ukraine khi Mỹ dần rút lui?

    Hình ảnh


    Lãnh đạo đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) Đức Friedrich Merz. Ảnh: Kyodo/TTXVN

    Theo Politico ngày 24/2, kết quả bầu cử Quốc hội Đức cuối tuần qua đã mở ra triển vọng mới cho Ukraine giữa bối cảnh lo ngại về sự thay đổi chính sách của Mỹ. Friedrich Merz, ứng cử viên bảo thủ dự kiến sẽ trở thành tân Thủ tướng Đức, đã bày tỏ quyết tâm xây dựng một châu Âu độc lập về quốc phòng, không phụ thuộc vào Mỹ.

    Theo Mujtaba Rahman, Giám đốc điều hành khu vực châu Âu tại EurasiaGroup, chiến thắng của ông Merz báo hiệu một sự thay đổi quan trọng trong định hướng chính sách của Đức thời kỳ hậu Thế chiến II. Chuyên gia Rahman nhận định ông Merz đã nhận thức rõ về thách thức từ Tổng thống Donald Trump đối với an ninh châu Âu.

    Trong bối cảnh đó, ông Merz đề xuất thành lập một liên minh phòng thủ châu Âu mới thay thế NATO, trong đó có sự hợp tác về vũ khí hạt nhân với Pháp và Anh. Đây được xem là phản ứng trước những tuyên bố gần đây của Tổng thống Trump về việc Mỹ có thể rút khỏi cam kết bảo vệ các đồng minh NATO. "Sau những tuyên bố của Tổng thống Trump vào tuần trước, rõ ràng là Mỹ, ít nhất là một bộ phận người Mỹ và chính quyền này phần lớn thờ ơ với số phận của châu Âu", ông Merz nói trong một cuộc thảo luận trực tiếp trên truyền hình.

    "Thế giới ngoài kia sẽ không chờ đợi chúng ta", ông Merz nhấn mạnh, thể hiện quyết tâm đẩy nhanh quá trình thành lập chính phủ để đối phó với những thách thức cấp bách về an ninh và quốc phòng mà châu Âu đang phải đối mặt. Ông cũng bày tỏ nghi ngờ về tương lai của NATO: "Liệu chúng ta có tiếp tục thảo luận về NATO theo hình thức hiện tại hay không, hoặc liệu chúng ta có phải thiết lập năng lực phòng thủ độc lập của châu Âu nhanh hơn nhiều hay không?"

    Về cơ cấu chính phủ mới, đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của ông Merz nhiều khả năng sẽ lập "liên minh lớn" với đảng Dân chủ Xã hội (SPD). Mặc dù Thủ tướng Olaf Scholz đã tuyên bố không tham gia liên minh, nhưng Boris Pistorius - Bộ trưởng Quốc phòng hiện tại và là người có quan điểm cứng rắn với Nga, có thể sẽ tham gia nội các mới. Liên minh này được dự đoán sẽ ổn định hơn so với liên minh ba đảng trước đây.

    Robert Habeck từ đảng Xanh, một trong những người ủng hộ mạnh mẽ việc tăng chi tiêu quốc phòng và viện trợ cho Ukraine, cũng có thể được mời tham gia liên minh. Tuy nhiên, ông Merz và chính phủ mới sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Đảng cực hữu AfD đang đạt được ủng hộ kỷ lục và hướng tới chiến thắng vào năm 2029, gây áp lực buộc ông Merz phải giải quyết vấn đề nhập cư sau hàng loạt vụ khủng bố gây chấn động. Nền kinh tế Đức đang trì trệ và có thể bị ảnh hưởng thêm bởi chính sách thương mại của chính quyền Trump, đặc biệt là đối với ngành công nghiệp ô tô và các nhà xuất khẩu.

    Vấn đề cấp bách nhất là thời gian. Quá trình đàm phán thành lập chính phủ liên minh thường kéo dài khoảng hai tháng, trong khi Ukraine đang rất cần sự hỗ trợ. EU đang gấp rút chuẩn bị gói viện trợ mới trị giá hàng tỷ euro và sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp về quốc phòng vào ngày 6/3.

    Tổng thống Ukraine Zelensky thậm chí đã bày tỏ sẵn sàng từ chức nếu điều đó có thể mang lại hòa bình và an ninh thực sự cho nước này, bao gồm việc gia nhập NATO. Trong khi đó, Tổng thống Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin được cho là có thể gặp nhau trong thời gian tới để thảo luận về "hòa bình" tại Ukraine mà không tham khảo ý kiến các đồng minh châu Âu.

    Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo Politico.eu)
    Hình ảnh
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 60199
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Re:Đức giúp EU thoát Mỹ

    by music123 » Thứ 2 Tháng 2 24, 2025 1:11 pm

    Châu Âu biến động lịch sử: Bùng nổ thế lực đối đầu trực diện ông Trump, thế trận Ukraine có biến số hiểm

    Minh Minh | 24/02/2025

    Một thế lực "đối đầu trực diện" với ông Trump đã bắt đầu hình thành ở châu Âu. Thủ tướng tương lai của nền kinh tế lớn nhất EU vừa đưa ra tuyên bố đánh dấu bước ngoặt lịch sử.

    Bầu cử Đức: Biến động lịch sử của châu Âu

    Đài Deutschlandfunk (Đức) ngày 23/2 đưa tin, bạo loạn đã lan rộng ở Đức trong bối cảnh nước này xúc tiến cuộc bầu cử mang tính quyết định trong lịch sử, và cuộc xung đột Nga-Ukraine chính thức bước sang năm thứ ba (22/2/2022 – 22/2/2024).

    Trong ngày 23/2, khoảng 60 triệu cử tri Đức đã đi bỏ phiếu để bầu ra 630 đại biểu cho Quốc hội, từ đó xác định các đảng cầm quyền, cũng như những người sẽ đảm nhiệm vị trí tân thủ tướng của nước này.

    Đây là cuộc bầu cử liên bang sớm trước thời hạn lần thứ 4 trong lịch sử Đức, và cũng được xem là cuộc bầu cử mang tính quyết định nhất tại quốc gia này.

    Theo kết quả sơ bộ công bố vào sáng nay (24/2), đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) do ông Friedrich Merz lãnh đạo hiện đang dẫn đầu với 29% số phiếu ủng hộ.

    Vị trí thứ 2 thuộc về đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) của bà Alice Weidel với hơn 20% tỷ lệ ủng hộ.

    Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của đương kim Thủ tướng Đức Olaf Scholz và đảng Xanh của ông Robert Habeck lần lượt xếp sau với gần 17% và 12% tỷ lệ ủng hộ.

    Hình ảnh

    Cuộc biểu tình tại Berlin trước ngày bầu cử ở Đức. Ảnh: Euro News

    Như vậy, lãnh đạo phe bảo thủ Friedrich Merz dự kiến trở thành Thủ tướng tiếp theo của Đức. Song, ông dự kiến sẽ phải đối mặt với cuộc đàm phán phức tạp và kéo dài để thành lập chính quyền liên minh sau khi đảng AfD cực hữu về nhì.

    Liên quan tới bầu cử Đức, Deutschlandfunk cho biết, hơn 10.000 người đã tập kết tại thành phố cảng Hamburg (bắc Đức) để phản đối đảng AfD và sự chia rẽ xã hội. Một cuộc biểu tình tương tự cũng được ghi nhận ở Freiburg, với hơn 20.000 người tham gia.

    Tại bắc Rhine-Westphalia, hàng nghìn người đổ xuống đường, và tại Berlin, hơn 1.000 người biểu tình, nhiều lần chặn tuyến đường ở trung tâm thành phố.

    Trước đó, ông Alice Weidel – đồng chủ tịch đảng AfD đã kêu gọi Berlin lập quan hệ tốt với Moscow, cho rằng việc trừng phạt Nga "chỉ mang đến rắc rối".

    Bà cho rằng Berlin và Moscow cần ngồi vào bàn đàm phán, ủng hộ Đức nối lại đối thoại song phương với Nga và kêu gọi chính phủ tham gia vào các nỗ lực hòa đàm chấm dứt xung đột Ukraine, tương tự như cách Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn đang làm.

    Theo hãng tin Sputnik (Nga), tình hình hỗn loạn cao độ đã nổ ra khi người biểu tình đụng độ với cảnh sát ở Berlin trước thềm cuộc bầu cử. Lực lượng cảnh sát Đức đã phải dùng hơi cay để giải tán đám đông.

    Hình ảnh

    Hình ảnh cuộc biểu tình ủng hộ Ukraine tại Berlin. Ảnh: DW

    Trong khi đó, liên quan tới cuộc xung đột Nga-Ukraine, hãng tin DW (Đức) cho biết, hàng trăm người đã tập kết tại Cổng Brandenburg ở Berlin, hô vang các khẩu hiệu ủng hộ "nền hòa bình công bằng và bền vững ở Ukraine, dựa trên các giá trị dân chủ và an ninh quốc tế".

    Theo tờ EuroNews, Đức đóng vai trò lớn trong việc định hình phản ứng của Liên minh châu Âu (EU) đối với mối đe dọa bên kia Đại Tây Dương. Do đó, kết quả bầu cử lần này sẽ định hình hướng đi tương lai của Đức và đặc biệt là châu Âu.

    Trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang chỉ trích các đồng minh ở châu Âu thì một nước Đức mạnh mẽ và tự tin sẽ là thành tố cần thiết để mang lại cho EU sự lãnh đạo mà khối này vốn đã thiếu vắng lâu nay.

    Tuy nhiên, nếu Đức không đảm nhận được vai trò này, thì cả EU, phương Tây và hệ thống thương mại toàn cầu đền có nguy cơ rơi vào tình trạng hỗn loạn.

    Hình ảnh

    Ông Friedrich Merz có quan điểm ủng hộ Đức cung cấp tên lửa tầm xa Taurus cho Ukraine - Ảnh: Reuters

    Thế lực mới đối đầu ông Trump: Biến số hiểm cho tình hình Ukraine

    Phát biểu sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ, Thủ tướng Đức tương lai Friedrich Merz (69 tuổi) tuyên bố sẽ giúp châu Âu "độc lập thực sự" khỏi Mỹ.

    "Ông Friedrich Merz thậm chí không đợi kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử ở Đức trước khi đưa ra một nhận định có thể coi là định hình về Tổng thống Mỹ Donald Trump, coi liên minh 80 năm của châu Âu với Mỹ là quá khứ" – Tờ Politico bình luận.

    Theo ông Merz, chính quyền ông Trump không quan tâm đến châu Âu và đang liên kết với Nga. Ông cảnh báo rằng lục địa này phải khẩn trương tăng cường khả năng phòng thủ và thậm chí có thể tìm kiếm một sự thay thế cho NATO - trong vòng vài tháng tới.

    Hình ảnh


    Thủ tướng Đức tương lai Friedrich Merz mở màn cho một thế lực "đối đầu trực diện" với Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu hình thành ở châu Âu. Ảnh: Newsx

    Politico nhận định, những tuyên bố của ông Merz đã đánh dấu một bước ngoặt lịch sử: Chúng tiết lộ mức độ sâu sắc mà ông Trump đã làm rung chuyển nền tảng chính trị của châu Âu, vốn dựa vào các cam kết an ninh từ Mỹ kể từ năm 1945.

    Có thể nói, một thế lực "đối đầu trực diện" với Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bắt đầu hình thành ở châu Âu. Ông Merz đã đưa ra ý tưởng về một liên minh phòng thủ châu Âu mới để thay thế NATO, bao gồm hợp tác hạt nhân với Pháp và Anh, đồng thời đưa ra quan điểm cứng rắn về Nga, và quyết tâm đối đầu với ông Trump.

    Theo ông Mujtaba Rahman, Giám đốc điều hành khu vực châu Âu tại EurasiaGroup, đây là tin tốt cho Ukraine.

    Tin tốt hơn nữa là liên minh mà ông Merz có khả năng thành lập sẽ có cơ hội cao đồng ý với một đường lối mạnh mẽ hơn nhiều trong việc hỗ trợ Ukraine (và củng cố an ninh châu Âu) so với những gì chính quyền cũ của Đức đã làm những năm gần đây, từ đó tác động tới hình bất lợi hiện nay của Kiev.

    "Những tuyên bố như vậy từ nhà lãnh đạo tương lai của nền kinh tế lớn nhất châu Âu mạnh mẽ hơn bất cứ người đứng đầu chính phủ nào đưa ra để đáp lại cuộc tấn công kéo dài 10 ngày của Tổng thống Mỹ vào châu Âu và Ukraine" - Politico nhận định.

    Về phía Kiev, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhanh chóng gửi lời chúc mừng ông Merz.

    "Tôi xin chúc mừng đảng CDU/CSU và ông Friedrich Merz về chiến thắng trong cuộc bầu cử. Đây là một tiếng nói rõ ràng từ cử tri, và chúng ta đã thấy điều này quan trọng như thế nào đối với châu Âu.

    Chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác chung với Đức để bảo vệ sinh mạng, mang lại hòa bình thực sự gần hơn với Ukraine và củng cố châu Âu" – Ông Zelensky nhấn mạnh qua bài đăng trên X.
    Hình ảnh
Đăng trả lời 3 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Google [Bot] và 61 khách