Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ngã rẽ của châu Âu

Đã gửi: Thứ 2 Tháng 3 03, 2025 4:12 pm
by music123
Ngã rẽ của châu Âu


Phương Linh Thứ ba, 4/3/2025

[youtube]Hội nghị London phát đi tín hiệu châu Âu không muốn đứng bên lề cuộc xung đột Ukraine, cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của châu lục này trong việc dẫn dắt tiến trình hòa bình.[/youtube]


Châu Âu đang đứng trước một bước ngoặt lịch sử - Thủ tướng Anh Keir Starmer tuyên bố như vậy tại hội nghị thượng đỉnh ở London hôm 2/3. Trong bối cảnh quan hệ giữa Ukraine và Mỹ ngày càng căng thẳng, các nhà lãnh đạo châu Âu đang nỗ lực giành lại quyền kiểm soát tiến trình đàm phán với Nga, thay vì để Washington dẫn dắt như trước đây.

"Đây không phải lúc để bàn luận thêm. Đã đến lúc phải hành động", ông Starmer nhấn mạnh sau một ngày ngoại giao căng thẳng. Hội nghị lần này được kỳ vọng tạo ra lộ trình rõ ràng hướng đến lệnh ngừng bắn tại Ukraine, theo CNN.

Hình ảnh

Các nhà lãnh đạo tại hội nghị thượng đỉnh London diễn ra tại Lancaster House, trung tâm London (Vương quốc Anh) vào ngày 2/3. Ảnh: Reuters.

Tìm lại vị thế dẫn dắt



Hội nghị London trở nên cấp thiết sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thẳng thừng chỉ trích Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngay tại Nhà Trắng. Cuộc đối đầu này không chỉ khiến phương Tây bất ngờ mà còn trở thành một "món quà" cho Moscow.

Zelensky cùng nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đã có mặt tại hội nghị trong bối cảnh chiến sự ngày càng khốc liệt và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Thủ tướng Starmer tiết lộ ông đang hợp tác với Pháp và một số quốc gia khác để xây dựng kế hoạch chấm dứt xung đột, sau đó sẽ gửi Mỹ.

Hình ảnh

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tổ chức cuộc họp tại hội nghị thượng đỉnh London. Ảnh: Reuters.



Ông Macron cũng nhấn mạnh "trong những tuần tới, sẽ không có quân đội châu Âu nào đặt chân lên lãnh thổ Ukraine".

Le Figaro dẫn lời ông Macron rằng ông không tin vào thỏa thuận ngừng bắn giữa Mỹ và Nga.

Trong khi đó, khi được hỏi về kế hoạch của Anh và Pháp, ông Zelensky chỉ trả lời ngắn gọn: "Tôi đã biết về đề xuất này”. Tuy nhiên, ông không xác nhận liệu Ukraine có đồng ý với thỏa thuận này hay không.

“Khoảnh khắc quyết định của lịch sử”


Trái ngược hoàn toàn với bầu không khí căng thẳng mà ông Zelensky phải đối mặt tại Nhà Trắng, Tổng thống Ukraine đã nhận được sự chào đón trọng thị từ Thủ tướng Anh Keir Starmer vào ngày 1/3. Vua Charles III cũng đã gặp gỡ nhà lãnh đạo Ukraine tại điền trang Sandringham vào ngày hôm sau.


Hình ảnh

Vua Charles của Anh và Tổng thố



Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Kyiv và Washington đang rạn nứt nghiêm trọng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng Phó tổng thống JD Vance công khai chỉ trích Zelensky vì “vô ơn” với sự hỗ trợ quân sự từ Mỹ. Ông Trump cũng cáo buộc nhà lãnh đạo Ukraine “đánh cược mạng sống của hàng triệu người” và đẩy thế giới vào nguy cơ Chiến tranh Thế giới thứ III.

Phản ứng dữ dội từ Washington khiến các đồng minh châu Âu lo ngại. “Không ai muốn chứng kiến điều đó”, Thủ tướng Starmer nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn với BBC.

Ngay sau khi chứng kiến màn đối đầu căng thẳng tại Nhà Trắng, ông đã khẩn trương liên lạc với các nhà lãnh đạo châu Âu để tìm cách tháo gỡ tình hình.

Phát biểu khai mạc hội nghị thượng đỉnh London, Thủ tướng Starmer nhấn mạnh: "Chúng ta có mặt ở đây hôm nay vì đây là một khoảnh khắc quyết định trong lịch sử đối với an ninh châu Âu. Mọi quốc gia cần phải hành động”.

Chính phủ Anh đặt ra 3 ưu tiên cốt lõi trong hội nghị lần này: Đáp ứng nhu cầu cấp bách của Ukraine nhằm duy trì khả năng phòng thủ trước các cuộc tấn công từ Nga; xây dựng thỏa thuận hòa bình bền vững, đảm bảo lợi ích lâu dài cho cả Ukraine và khu vực; định hình các cam kết an ninh vững chắc để ngăn chặn nguy cơ tái diễn xung đột trong tương lai.

"Tôi hy vọng ông biết rằng tất cả chúng tôi đều sát cánh cùng Ukraine, trong thời gian cần thiết, cho đến khi đạt được hòa bình", Starmer khẳng định với Zelensky trước toàn thể hội nghị.

Sự kiện lần này quy tụ nhiều nhà lãnh đạo quan trọng, bao gồm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, cùng đại diện cấp cao từ Liên minh châu Âu (EU) và NATO.

Đáng chú ý, Zelensky không chỉ rời London với những lời động viên, mà còn mang theo các cam kết tài chính quan trọng.

Hình ảnh

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy tham dự hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo châu Âu để thảo luận về an ninh châu Âu và Ukraine tại Lancaster House, London ngày 2/3. Ảnh: Reuters.

Hôm 1/3, Thủ tướng Starmer tuyên bố Anh sẽ đẩy nhanh khoản vay trị giá 2,8 tỷ USD để hỗ trợ Ukraine. Theo thông báo từ chính phủ Anh, khoản tiền đầu tiên dự kiến được giải ngân ngay trong tuần tới.

Tổng thống Zelensky ngay lập tức phản hồi trên Telegram rằng "số tiền này sẽ được sử dụng để sản xuất vũ khí ngay tại Ukraine. Kẻ gây chiến phải trả giá cho những gì đã gây ra".

Hôm 2/3, Starmer tiếp tục công bố thỏa thuận trị giá 2 tỷ USD, cho phép Ukraine sử dụng quỹ tài chính xuất khẩu của Anh để mua hơn 5.000 tên lửa phòng không hiện đại, được sản xuất tại Belfast.

Những cam kết này không chỉ củng cố năng lực phòng thủ của Ukraine mà còn thể hiện quyết tâm của châu Âu trong việc duy trì sự hỗ trợ mạnh mẽ đối với Kyiv, bất chấp những rạn nứt trong quan hệ với Washington.