Gửi Một Tình Yêu, Gửi Đôi Mắt
  • Hình đại diện của thành viên
    NhatHa_
    Bài viết: 8
    Ngày tham gia: Thứ 7 Tháng 10 03, 2020 7:47 pm

    Gửi Một Tình Yêu, Gửi Đôi Mắt

    by NhatHa_ » Thứ 6 Tháng 1 22, 2021 9:40 pm

    Nhạc sĩ Lam Phương Và Câu Chuyện Về Thù Lao 'Khủng' Một Thời




    Hình ảnh




    Còn nhớ tầm này năm trước, sự nghiệp của ông được "tổng kết" trong cuốn sách dạng lược sử chân dung Lam Phương - Trăm nhớ ngàn thương do Nguyễn Thanh Nhã chấp bút, phát hành đã tạo được sức hút.
    Nhiều người quan tâm, vì với hai trăm mười bảy ca khúc, đa số nổi tiếng, Lam Phương đã là nhạc sĩ có ảnh hưởng trong đời sống tân nhạc Việt Nam từ nửa cuối thế kỷ hai mươi đến nay.

    Qua năm phần, cuốn sách là hành trình về Lam Phương từ thuở nhỏ ở Rạch Giá, mười lăm tuổi lên Sài Gòn, trung niên sang Mỹ định cư đến bây giờ. Độc giả cũng sẽ biết được làm cách nào mà cậu bé Lâm Đình Phùng mười tuổi - tên thật của Lam Phương - một thân một mình sống giữa Sài Gòn, bán nhạc mưu sinh và thành danh.





    Bắt Đầu Sự Thất Bại




    Thời điểm ấy, người ta chưa thấy một văn bản quy phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ như ngày nay, nhưng vấn đề này vẫn rất được tôn trọng. Và gần như tất cả các hoạt động nghệ thuật và thị trường giải trí khi đó đều được xây dựng trên nguyên tắc tự thỏa thuận và khi có tranh chấp sẽ thông qua việc xét xử độc lập của tòa án với mô hình luật pháp thông luật (common law).

    Trong môi trường chung bình đẳng đó, năm 1952, khi mới mười lăm tuổi, Lam Phương đã “bạo gan” vay hai trăm đồng của bạn bè để tự in và phát hành tờ nhạc sáng tác đầu tay của mình: bản Chiều Thu Ấy. Số tiền vay mượn này nhanh chóng bị tăng lên gấp ba, song hành với các lần Lam Phương tự in và bán các bản nhạc tiếp theo, nhưng đều thất bại.





    Hình ảnh




    Lam Phương nói đó là nỗi cay đắng đầu đời mà một tác giả viết nhạc còn non trẻ phải gánh chịu. Không tiền, lại hoang mang với món nợ sáu trăm đồng ở Sài Gòn lạ lẫm, Lam Phương bấu víu vào hoài niệm quê hương như tìm chút an ủi trước những bẽ bàng từ tài chính đến tình cảm.

    Hai năm sau, năm 1954, Lam Phương cho ra đời bản nhạc mới là Khúc Ca Ngày Mùa. Bài hát như khúc tự tình với quê hương này nhanh chóng đưa tên tuổi Lam Phương đến với công chúng. Ngày 26/3/1956, ký giả Ngọc Huyền Lan trong bài phỏng vấn nhạc sĩ Lam Phương trên báo chí đã cung cấp chi tiết thú vị:
    Chỉ trong hai năm, kể từ khi ra đời, Khúc Ca Ngày Mùa tái bản đến lần thứ bảy và Lam Phương mất ngủ nhiều đêm liền vì… vui. Tuy bài báo không nói đến số lượng in và số tiền tác quyền nhận được, nhưng số nợ sáu trăm đồng được Lam Phương trả dứt điểm chỉ sau một lần in.





    Hình ảnh




    Cùng năm 1954, liên tiếp các nhạc phẩm ăn khách bắt đầu đưa Lam Phương đến với thị trường âm nhạc vốn chọn lọc khắt khe từ giới mộ điệu ở Sài Gòn, giúp nhạc sĩ bắt đầu sống được với nghề.




    Bán Nhạc Mua Biệt Thự




    Sau thời điểm 1954, khu Đa Kao, Tân Định vốn sầm uất với năm rạp hát, rạp cinê và cùng các tụ điểm ăn chơi nhanh chóng “giảm nhiệt”. Những người Pháp thất trận, buồn bã nhớ cố quốc uống rượu, say ngủ vỉa hè càng vẽ thêm nét ảo não cho nơi này.

    Lúc này, bà Trần Thị Nho đã bán mảnh vườn nhỏ ở Rạch Giá để dắt díu đàn con thơ dại về xóm trọ Vạn Chài bên bờ kênh đường Paul Bert (Trần Quang Khải ngày nay), ở với con trai lớn Lam Phương. Căn gác trọ ọp ẹp năm đó trân mình với các trận mưa lớn, gió thốc. Lam Phương đạp xe về nhà sau mỗi buổi đi bán các tờ nhạc để mưu sinh…





    Hình ảnh




    Giật mình với tiếng khóc trẻ thơ, trong đìu hiu ánh đèn Đa Kao cùng nỗi khát khao có ngôi nhà của mẹ đã dấy lên xúc cảm để Lam Phương viết bản Kiếp Nghèo vào nửa cuối năm 1954. Tiếng hát Thanh Thúy đã đưa Kiếp Nghèo trở thành bản nhạc ăn khách nhất thời bấy giờ.
    Tiền bán bản quyền thu âm, in tờ nhạc, biểu diễn ở phòng trà… đã giúp Lam Phương mua được cho mẹ căn nhà khang trang ở quận 10, Sài Gòn.

    Tuy nhiên, đó chưa phải kỷ lục về thù lao khi năm 1970 cùng đoàn văn nghệ Hoa Tình Thương lên Đà Lạt biểu diễn, Lam Phương đã làm ngất ngây khán thính giả khắp nơi đây với ca khúc Thành Phố Buồn. Bản slow dìu dặt, tone mi thứ về chốn êm đềm, trập trùng đồi núi, chiều đan tay tìm về giáo đường… đã đem lại cho Lam Phương tiền thù lao đến xấp xỉ nửa triệu USD.

    Nếu so sánh với mức lương cao chót vót thời bấy giờ là 50.000 đồng/1 tháng, thì Thành Phố Buồn có thu nhập tương đương hai mươi năm lương.
    Thù lao của Thành Phố Buồn giúp Lam Phương mua được căn biệt thự ba trăm mét vuông ở quận 10 để sống những tháng ngày hạnh phúc với kịch sĩ Túy Hồng.

    Sở hữu gia tài nghệ thuật với hai trăm mười bảy ca khúc, phần nhiều ăn khách, đến nay các sáng tác ấy vẫn còn được nhiều trung tâm ca nhạc ở hải ngoại và trong nước chi trả tác quyền đều đặn cho Lam Phương.

    Nhưng ở tuổi ngoài tám mươi, nhạc sĩ Tình Bơ Vơ cho biết ông đã không còn quan tâm đến tiền bạc nữa, chỉ mong có sức khỏe để an vui tuổi già.


    Đăng Vĩ





    Hương Giang - Một Mình







    Quốc Khanh & Thiên Kim - Tình Chết Theo Mùa Đông







    Ngọc Lan - Như Giấc Chiêm Bao







    Khánh Ly - Lời Yêu Cuối







    Thái Châu - Giọt Lệ Sầu (Pre 75)







    Lưu Hồng - Đò Tình







    Dalena - Một Mình


    Sửa lần cuối bởi 13 vào ngày NhatHa_ với 0 lần sửa trong tổng số.
  • Hình đại diện của thành viên
    NhatHa_
    Bài viết: 8
    Ngày tham gia: Thứ 7 Tháng 10 03, 2020 7:47 pm

    Những “Địa Đạo” Của Đêm Sài Gòn Xưa

    by NhatHa_ » Chủ nhật Tháng 2 21, 2021 11:00 pm

    Những “Địa Đạo” Của Đêm Sài Gòn Xưa




    Hình ảnh




    Đêm, Sài Gòn bây giờ, với Phố Đi Bộ, con đường gấm hoa của hàng ngàn tuổi trẻ và, thỉnh thoảng, những sân khấu lớn được dựng giữa đất/trời, làm bệ phóng cho những tiếng hát như những phi tiễn, phóng vào vũ trụ, làm mờ cả những tinh tú sáng chói nhất: đó là sự xuất hiện và thao diễn cuồng nhiệt của những… “siêu sao” âm nhạc. Những cật lực lao tới, bất kể bến bờ nhân gian nào, của những thần tượng giới trẻ, Sài Gòn hôm nay.

    Đó là chân dung khác. Trái tim khác. Phiên bản khác so với đêm. Sài Gòn. Xưa.

    Tôi muốn nói, nếu đấy là quảng trường của đêm bập bùng những ngọn lửa ngồn ngộn khát khao, hối hả hơi thở của sức sống hôm nay thì, đêm, Sài-Gòn-xưa, là sự thiếp ngủ, bằn bặt chiêm bao của những tiếng vỗ một bàn tay.





    Hình ảnh




    Góc đêm, Sài Gòn xưa, với tôi, là những con đường vắng lặng, với những ngọn đèn đường lẻ loi, cúi xuống kiếm tìm linh hồn, hay ngắm nhìn chiếc bóng chơ vơ của chính nó.

    Những góc đêm, Sài Gòn, xưa, như thế, cho tôi cảm tưởng ngay những người đang say cũng sẽ giật mình, tỉnh lại; khi những chùm dây dẫn điện của những khu bình dân, Sài Gòn, rối nùi khốn khó. Đó cũng là thời gian tác giả Xóm đêm phải về tá túc nơi căn gác ngôi nhà thân mẫu của ông ở đường Cống Quỳnh, gần Chợ Nhỏ Phạm Ngũ Lão, lúc bi kịch gia đình, thình lình chụp xuống, xô đổ mọi xây dựng những tưởng vĩnh cửu đời riêng, của con người tài năng ngoại khổ này!

    Tuy nhiên, với tôi, mặt khác của “vàng vọt” nơi những ngọn đèn được câu từ nhà này, tới nhà khác, lại là ghi nhận rực rỡ nhân bản. Tinh thần chia sẻ lần đầu và duy nhất của tân nhạc Việt Nam, với những khu bình dân, xóm nghèo, của họ Phạm…





    Hình ảnh




    Cũng vậy, nếu bạn rời khỏi Đêm Màu Hồng vào một đêm hạ tuần, có trăng, tôi tin, tiếng hát Thái Thanh hay Hoài Bắc sẽ vẫn ở trong tâm hồn bạn những vạt trăng lãng mạn tơ nõn:
    “Chưa gặp em, tôi đã nghĩ rằng / có nàng thiếu nữ đẹp như trăng…” (Mộng dưới hoa, Đinh Hùng / Phạm Đình Chương).
    Hoặc cảm thức bi lụy như những miểng chai gắn trên bờ tường ký ức đau đớn:
    “Ðò trăng cắm giữa sông vắng / Gió đưa câu ca về đâu / Nhìn xuống đáy nước sông sâu / Thuyền anh đã chìm đâu…”
    Đó là Trương Chi của Văn Cao. Là vầng trăng của những “Đàn đêm thâu / trách ai khinh nghèo quên nhau / Đôi lứa bên giang đầu / người ra đi, với cuộc phân ly”.

    Nếu một khuya khoắt nào, ra khỏi “địa đạo” Đêm Màu Hồng, gặp những hạt mưa không hẹn nhưng đã đợi bạn nơi hè đường từ rất sớm thì, bạn cũng đừng ngạc nhiên, khi cảm được thanh âm lóc cóc của những chuyến xe thổ mộ, Sài Gòn, ngoại ô, dằn xóc, tủi hờn vì khoảng cách địa dư trong Mưa Sài Gòn, mưa Hà Nội của Phạm Đình Chương / Hoàng Anh Tuấn, như những hồi tưởng, không đoạn kết.

    Tôi cũng đã từng thấy những đôi vai sát, khi chia tay Đêm Màu Hồng, không nói với nhau một lời nào. Tự thân những khung cửa khép, gió sông Sài Gòn, từ bến đò Thủ Thiêm thay bạn thì thầm về niềm tin yêu, ngày mai, bình minh. An lành thế giới…

    Và, thưa bạn, đêm nay, giữa quê người, khi hợp ca Thăng Long, chỉ còn lại duy nhất Thái Thanh, “cánh hạc trong trăng” cũng đang trả lại nhân gian buồn / vui một kiếp, chuẩn bị đi xa theo Phạm Đình Chương, Hoài Trung, Thái Hằng và, người khách thường trực, Mai Thảo cùng các bạn của ông, tôi chợt thấy, dường tất cả chúng ta, không ai thực sự bỏ đi khỏi đất nước của mình.

    Mọi người vẫn ở đâu đó, trong những góc khuất, đêm. Sài Gòn. Xưa. Có thể mọi người đã chính là những đêm mưa, những vạt trăng, những miếng mosaic; những miểng thủy tinh vỡ, găm trên bờ tường đau thương, quá khứ…
    Thậm chí, có thể ai đó, cũng đã là những cột đèn lẻ loi, cúi xuống kiếm tìm hồn mình hay, chiếc bóng của chính họ giữa Sài Gòn, một thuở, dù lâu rồi đã không còn hiện hữu!

    Bởi vì, thưa bạn, tôi vẫn nghĩ: như đất nước, Sài Gòn không của riêng ai. Sài Gòn, cũng không của một thời kỳ, một giai đoạn mà Sài Gòn, là ký ức tập thể. Là một phần trái tim của tổ quốc.


    Du Tử Lê





    Thanh Trúc - Còn Đó SàiGòn (Song Ngọc)







    Carol Kim - Sài Gòn Đẹp Lắm (Y Vân - Pre 75)







    Ngọc Lan - Mưa Sài Gòn Nắng Cali (Nguyệt Ánh)







    Vũ Khanh - Trả Lời Thư Em (Trần Quang Lộc)


  • Hình đại diện của thành viên
    NhatHa_
    Bài viết: 8
    Ngày tham gia: Thứ 7 Tháng 10 03, 2020 7:47 pm

    Đêm Nhớ Về Sài Gòn

    by NhatHa_ » Chủ nhật Tháng 7 11, 2021 1:30 am

    ‘Đêm Nhớ Về Sài Gòn’- Nỗi Khao Khát Có Người Tri Âm




    Hình ảnh




    Người ta vẫn nói “Nghe nhạc là nghe theo tâm trạng.” Có bài khi nghe mình thấy lòng chùng chình bao cảm xúc.
    Lúc khác, cũng bài đó, nhưng mình nghe với lòng bình thản, an nhiên hơn.
    Tuy vậy, có những ca khúc mà bất cứ lúc nào vang đến bên tai, tôi cũng đều cảm thấy mình trở nên thẫn thờ, bồng bềnh trong những nỗi niềm khó tả.
    “Đêm Nhớ Về Sài Gòn” của Trầm Tử Thiêng là một trong những bài hát có ma lực ấy.



    “Ðêm nhớ về Sài Gòn.
    Thấy phố phường buồn xưa chưa nguôi.
    Những con đường thèm đôi chân vui, đã bao lâu chờ đợi.
    Ðường im nghe quá khứ trong sâu.
    Ðường chia ly vẫn ngóng tin nhau…”





    Tôi nhớ lần đầu nghe giai điệu đó, trong một tối tan học, lái xe từ trường Golden West về nhà, trên con đường Bolsa thưa người, mà bỗng nghe một nỗi buồn ùa về, như thác dồn. Vô phương chống đỡ.

    “Ðêm nhớ về Sài Gòn.
    Tiếng nhạc vàng gọi từng âm xưa.
    Ánh đèn vàng nhạt nhòa đêm mưa.
    Ai sầu trong quán úa.
    Bóng mẹ hiền mờ mờ bên song.
    Mắt người tình một trời mênh mông.
    Gợi bao nhiêu cho cùng…”


    Nỗi buồn biến thành nỗi nhớ. Đến thắt lòng. Đến trào nước mắt.

    Nhưng buồn cái gì? nhớ cái gì?

    Tôi không thể gọi tên được.

    Trầm Tử Thiêng trải lòng trong “Đêm Nhớ Về Sài Gòn” sau hai năm ông đến Mỹ. Tôi rơi tõm trong “Đêm Nhớ Về Sài Gòn” cũng sau hai năm chọn nơi này làm quê hương. Và khi bài hát đã tròn 20 tuổi.

    Nỗi nhớ Sài Gòn của ông có lẽ không là của tôi. Tôi không mang trong lòng nỗi nhớ khắc khoải về hình ảnh người mẹ già ngồi bên song, không mang trong lòng ánh mắt chứa cả trời mênh mông của ai đó, khi tiễn con, tiễn người yêu đi vượt biển.

    Nhưng mà tôi vẫn nhớ Sài Gòn. Nhớ những con đường tôi đạp xe đi học mỗi ngày. Nhớ con phố nhỏ ngập ngụa nước mỗi khi trời đổ mưa. Nhớ con đường vắng u hoài ru mình dưới những vòm me già ngay trước xưởng Ba Son. Nhớ lớp học những chiều mưa cúp điện, cô trò lọ mọ chép bài dưới ánh đèn cầy…


    Tôi không cùng nỗi nhớ với ông. Nhưng hình ảnh của “những con đường thèm đôi chân vui,” của “phố phường buồn xưa chưa nguôi” mà tác giả gợi ra đã chạm đến tâm khảm của biết bao người, trong đó có tôi.

    Để mỗi người, như tác giả, nhận ra mình “như cậu bé mồ côi, cố vui cuộc sống nhỏ nhoi.”

    Để làm gì?

    “Ðể đêm đêm nhớ về Sài Gòn”!

    Nỗi nhớ Sài Gòn nó khằn sâu trong tim, nó ghi dấu trong não. Càng vùng vẫy, càng muốn thoát ra, nó lại càng quấn chặt, lôi mình về chốn xưa, “thấy mình vừa trở lại quê hương. Ðã gặp người một trời yêu thương. Cho lòng thêm chút ấm…”

    Trời ơi! Tôi thấy mắt mình cay quá. Nỗi nhớ Sài Gòn hiếm khi nào là một nỗi nhớ dịu dàng. Nó cứ như được bắc thang mà leo, từ từ, từ từ, mà da diết đến cồn cào lúc nào không biết.

    Cái mênh mông, vời vợi thoát ra từ “Đêm Nhớ Về Sài Gòn” cuối cùng tụ về trong nỗi nhớ bè bạn, thèm được ngồi bên nhau, thèm được trò chuyện với nhau.

    “Thấy bạn bè thèm ngồi bên nhau
    Nhắc chuyện người chuyện đời thương đau
    Tình chia trong đêm sầu…”


    Không biết ai đó có cảm nhận như tôi, rằng, tận sâu trong cái “thèm” đó chính là nơi trú ẩn của một nỗi cô đơn. Đến cùng cực.

    Có mấy ai từng bị bứt ra khỏi nơi chôn nhau cắt rốn, bị bứng lìa khỏi nơi mình từng xem là hơi thở, là nhịp sống, mà chưa từng trải qua những khoảnh khắc nhận ra mình chìm trong nỗi cô đơn đến tê dại nơi này?

    Thế nên, “Đêm Nhớ Về Sài Gòn” của Trầm Tử Thiêng, với tôi, thực ra đâu chỉ là nỗi nhớ – nỗi nhớ rõ ràng lẫn nỗi nhớ không tên – mà “Đêm Nhớ Về Sài Gòn” còn là nỗi khao khát có người tri âm, có người cho mình bấu víu, nương náu, và cất bớt dùm mình nỗi nhớ tha hương.


    Ngọc Lan/Người Việt





    Khánh Ly - Đêm Nhớ Về Sài Gòn (Trầm Tử Thiêng)







    Nguyên Khang - Đêm Nhớ Về Sài Gòn


  • Hình đại diện của thành viên
    NhatHa_
    Bài viết: 8
    Ngày tham gia: Thứ 7 Tháng 10 03, 2020 7:47 pm

    Sài Gòn Của Anh, Sài Gòn Của Tôi

    by NhatHa_ » Thứ 7 Tháng 8 28, 2021 9:00 pm

    Hình ảnh




    Đỗ Vẫn Trọn (San Jose, 28 tháng Bảy năm 2021)




    Sài Gòn Buồn




    Sài Gòn buồn, giờ giới nghiêm

    Tiếng hàng rao tắt lịm trong đêm
    Những em bé đánh giày không còn thấy
    Người bán vé số, kẻ ăn xin, giờ co cụm nơi đâu?
    Những con đường, ngõ hẻm lặng thinh!
    Chiều nay được tin em mất!
    Sài Gòn buồn nhỏ lệ thương đau
    Xác em giờ ở mãi nơi đâu?
    Bình Hưng Hòa hay lò thiêu nào đó?
    Không tang lễ, không người đưa tiễn!
    Không họ hàng bái biệt hương linh
    Em cô đơn về nơi vô định
    Sài Gòn buồn, đánh mất phồn hoa
    Sài Gòn giờ giới nghiêm
    Sài Gòn u tịch phảng phất trầm hương


    Sài Gòn buồn, giờ giới nghiêm

    Vườn Tao Đàn vắng hẳn bước chân vui
    Công viên buồn nhớ bóng ai qua
    Dáng em ngồi hờ hững giữa mùa thi
    Phố đi bộ chào quên người viễn khách
    Nguyễn Trãi về trống vắng hơi đêm
    Phố xá đìu hiu, trống trải
    Tiếng còi xe như ngừng thở đêm qua


    Sài Gòn buồn, giờ giới nghiêm

    Buổi chiều hẹn không còn nắng rực
    Bến Bạch Đằng gió lộng theo sau
    Hoài mong chờ người qua bến đỗ
    Em đâu rồi!
    Biền biệt nơi đâu?
    Nhớ Sài Gòn, lòng giăng nhiều cảm xúc
    Những bạn bè, hàng quán thân quen
    Những trưa về đón đợi ở Gia Long
    Bao nhan sắc làm cho người khốn đốn


    Sài Gòn buồn, giờ giới nghiêm

    Chuông giáo đường không còn ngân thánh
    Đức Bà buồn quy tích trăm năm
    Tan Lễ về không cùng em xuống phố
    Chủ nhật hồng đâu nữa trong mắt nhung
    Bụi đường, xe cộ, đèn xanh/đỏ
    Lê Thánh Tôn yên ắng lạ thường thay
    Bàn Cờ, Tân Định hiu hắt đêm về
    Phạm Ngũ Lão buồn xo người khách lạ
    Duy Tân đổ bóng chiều hoang phế


    Sài Gòn buồn, giờ giới nghiêm

    Sài Gòn những cơn mưa buổi chiều
    Không còn dòng người vội vã
    Đâu xe cộ chen nhau hối hả
    Không dù che, màu sắc áo mưa thưa
    Cả mặt đường chỉ mỗi tiếng mưa rơi
    Anh nhớ mãi ngày ta cùng sánh bước
    Nắm tay em trong nắng sớm ban mai
    Sài Gòn thả bộ trên đường phố
    Bóng em về òa vỡ hân hoan
    Sân trường cũ tóc dài bên áo trắng
    Anh đứng nhìn quên cả tiếng chuông vang
    Hàng phượng vĩ ngập đầy trong ánh mắt
    Con đường về dẫn lối lá me bay
    Nhớ Sài Gòn như lòng đang chảy máu
    Nước mắt rơi theo từng người lâm bệnh
    Sài Gòn của tôi, Sài Gòn của em
    Giờ như chiếc lá vàng ủ rũ
    Người quét đường ngơ ngẩn nhìn theo
    Sài Gòn ơi! Sài Gòn đầy kỷ niệm
    Góc thiên đường còn mãi đâu đây


    Sài Gòn buồn, giờ giới nghiêm

    Sài Gòn đầy thương nhớ!
    Sài Gòn bật khóc
    Sài Gòn im lặng đáng sợ!
    Sài Gòn của tôi đâu?
    Bóng kiêu hãnh giai nhân huyền thoại
    Ủ rũ lòng một thoáng nhớ hương xưa
    Sài Gòn, nhịp sống như ngừng thở
    Kẻ tật nguyền mất hẳn trong đêm
    Sài Gòn buồn, giờ giới nghiêm
    Những chiếc xe nối đuôi về quê cũ
    Tìm an bình nơi những cánh đồng xanh
    Mơ Sài Gòn lặng lẽ hồi sinh
    Thầm ao ước một ngày trở lại
    Sài Gòn buồn như chưa từng có
    Khắc khoải lòng thương nhớ, Sài Gòn ơi!



    https://www.dutule.com/a10062/do-van-tron-sai-gon-buon




    Cẩm Vân - Sài Gòn Buồn (Vũ Thành An)







    Ý Lan & Vũ Khanh - Sài Gòn Buồn (Mai Hoài Thu)







    Ánh Nguyệt - Sài Gòn Buồn, Giờ Giới Nghiêm (Trần Duy Đức)








    Khi Xa Sài Gòn




    Hình ảnh




    Khánh Ly - Khi Xa Sài Gòn (Lê Uyên Phương)


Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Google [Bot] và 70 khách