Đăng trả lời 344 bài viết
VN:Thêm 88.378 ca, Quảng Ninh và Bình Định bổ sung 23.262 F0
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49108
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Re: VN:Thêm 9.521 ca; TP.HCM mỏi mắt tìm shipper

    by music123 » Thứ 7 Tháng 9 04, 2021 10:08 am

    Tối 4/9: Thêm 9.521 ca COVID-19; Người dân ‘vùng đỏ’ TP.HCM mỏi mắt tìm shipper


    Hiểu Minh ,Anh Thư,Thuỳ Dung

    Hình ảnh

    Một chốt kiểm soát dịch COVID-19 tại phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội, ngày 29/8/2021 - khi thành phố đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. (Ảnh: MANAN VATSYAYANA/AFP qua Getty Images)

    Thêm 9.521 ca COVID-19

    Tổng số ca mắc mới trong ngày là 9.521 tại 39 tỉnh, thành phố. Trong đó, 4.734 trường hợp phát hiện trong cộng đồng.

    5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP.HCM (245.188), Bình Dương (128.893), Đồng Nai (27.306), Long An (24.329), Tiền Giang (10.438).

    Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam ghi nhận 511.170 ca nhiễm, đứng thứ 52/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tính tỷ lệ số ca nhiễm trên 1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 160 (bình quân cứ 1 triệu người có 5.199 ca nhiễm).



    Số bệnh nhân tử vong là 347, trong đó TP.HCM có 256 trường hợp. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 12.793 ca.

    Sở Y tế Hà Nội ghi nhận 6 ca dương tính COVID-19 từ 12h-18h ngày 4/9, nâng tổng số ca nghi nhiễm trong ngày lên 50.

    Như vậy, trong đợt dịch thứ tư từ 29/4, Hà Nội ghi nhận 3.4748 ca nhiễm (không tính số ca nhiễm tại các bệnh viện tuyến trung ương).

    Nhiều điểm lấy mẫu xét nghiệm ở Thanh Hoá xảy ra cảnh chen lấn

    Theo ông Đầu Thanh Tùng, Phó chủ tịch tỉnh Thanh Hóa, một số địa phương, đơn vị lấy mẫu xét nghiệm không đảm bảo quy trình, quy định, như: tập trung đông người, không đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2m, một bộ phận cán bộ y tế chưa thực hiện đúng quy trình lấy mẫu…

    Tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Sở Y tế hướng dẫn các ngành, địa phương tập huấn cho đội ngũ lấy mẫu xét nghiệm đúng quy trình khoa học, hoàn thành xong trước ngày 7/9; kiểm tra, chấn chỉnh những điểm sai sót.



    Từ 27/4 đến nay, Thanh Hóa ghi nhận hơn 370 ca COVID-19, hơn 220 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Phổi, 137 người ra viện, một ca tử vong.

    Tỉnh Thanh Hóa đang giãn cách, phong tỏa ba huyện Nông Cống, Nga Sơn, Hậu Lộc và thành phố Thanh Hóa.


    Người dân ‘vùng đỏ’ TP.HCM mỏi mắt tìm shipper


    2 ngày nay, chị Thu Trang (ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) không thể tìm được shipper giao hàng.

    Chia sẻ với phóng viên Tiền Phong, chị Trang nói “Khi tôi nhắn địa chỉ giao hàng ở quận Bình Tân, hầu như không có shipper nào nhận đơn. Bạn của tôi ở quận 8 cũng gặp trường hợp tương tự. Lý do không tìm được shipper là bởi chúng tôi nằm ở khu vực “vùng đỏ”.

    Một cư dân “vùng đỏ” khác, chị Thanh Vy cho biết, khi hay tin shipper được hoạt động tại vùng đỏ, chị đã lên ứng dụng đặt mua hàng thiết yếu. “Khi chúng tôi vào app Grab để “đi chợ”, hầu như không có cửa hàng nào trên ứng dụng này hoạt động”.

    Trong khi đó, hãng Be dù có một số ít quầy hàng trên ứng dụng ở vùng đỏ, nhưng hàng hóa không phong phú.

    Anh Bình (36 tuổi) bày tỏ “Tôi cần mua rau củ thì trong gian hàng của ứng dụng chỉ có 1 cửa hàng sữa, một cửa hàng tiện lợi nhưng chỉ có thực phẩm khô, bánh kẹo… Tuy nhiên, phí cước khá cao. Tôi mua 2 hộp sữa giá chỉ 60.000 đồng, cửa hàng cách nhà chỉ 300m, nhưng phí giao hàng lên tới 80.000 đồng”.

    Không đặt hàng qua ứng dụng, nhưng chị Minh Nhị (quận Gò Vấp) cũng bí bách khi cả ngày tìm không được shipper giao hàng.



    Nga hứa cung cấp 20 triệu liều vắc-xin COVID-19 cho Việt Nam

    Sáng nay 4/9, tại Trung tâm Huấn luyện Quân sự Quốc gia 4, tiếp Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Krivoruchko Aleksei Iurievich, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang cảm ơn Nga đã hỗ trợ Việt Nam một số lượng vắc-xin Sputnik V và sẽ cung cấp cho Việt Nam 20 triệu liều vắc-xin Sputnik V trong năm 2021.

    Thời gian tới, mong Nga tiếp tục hỗ trợ vắc-xin cho Việt Nam, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại Việt Nam như hiện nay.



    Liên bang Nga đã gửi tặng Việt Nam 1.000 nhiều vắc-xin Sputnik V vào tháng 3/2021.



    Việt Nam xếp chót bảng về khả năng hồi phục COVID-19 của Nikkei


    Nikkei – Với số điểm 25 trên 100, Việt Nam đứng chót bảng xếp hạng về chỉ số hồi phục do đại dịch Covid-19 do hãng tin Nikkei khảo sát và chấm điểm.

    Trong bảng xếp hạng được Nikkei cập nhật vào ngày 3/9, Việt Nam đứng thứ 121/121 quốc gia và vùng lãnh thổ, giảm 7 bậc so với lần cập nhật hồi tháng 7.

    Việt Nam đứng chót bảng trong đợt khảo sát lần này bởi đợt dịch bùng phát từ tháng 8 vừa qua. Hiện số ca nhiễm của Việt Nam đã chạm mốc nửa triệu ca và số tử vong hơn 12 ngàn người.

    Những nước có chỉ số hồi phục tốt nhất theo Nikkei là Trung Quốc, Hungary, và Ả Rập Saudi.



    Đức tặng 2,5 triệu liều vắc-xin AstraZeneca cho Việt Nam

    Theo Bộ Ngoại giao, hôm qua 3-9, Chính phủ Đức quyết định viện trợ khoảng 2,5 triệu liều vắc xin AstraZeneca để hỗ trợ Việt Nam chống dịch COVID-19.

    Trước đó, Chính phủ Đức cũng đã thông báo tặng Việt Nam lô trang thiết bị y tế gồm 75 máy thở, 15 màn hình điều trị bệnh và 20.000 máy đo nồng độ oxy.

    Cho đến nay, viện trợ của Chính phủ Đức là sự hỗ trợ lớn nhất của một nước thành viên EU đối với Việt Nam.



    Đức là một trong những nước tài trợ lớn nhất thế giới cho cơ chế COVAX, với tổng cam kết đóng góp trị giá 2,2 tỷ euro. Dự kiến đến cuối năm nay, Đức sẽ tài trợ 30 triệu liều vắc xin cho các nước đang phát triển.

    Kịch bản giãn cách ở TP.HCM sau 6/9: Vẫn ‘ai ở đâu ở yên đó’

    Hôm nay (4/9), chỉ còn 2 ngày nữa là hết thời hạn 15 ngày siết chặt giãn cách ‘ai ở đâu ở yên đó’ mà TP.HCM đang áp dụng, bắt đầu từ 23/8 – 6/9. Số ca nhiễm cộng đồng ở TP.HCM hiện vẫn còn tăng cao.

    Theo khảo sát ngày 3/9 của PV Thanh Niên, nhiều quận, huyện ở TP.HCM cho hay tinh thần hiện nay là vẫn tiếp tục “ai ở đâu ở yên đó”.

    Q.Bình Tân là địa bàn có ca nhiễm Covid-19 nhiều nhất ở TP.HCM. Theo ông Lê Văn Thinh, Bí thư Quận ủy Bình Tân, số ca nhiễm được công bố chính thức đến 3/9 với tổng 18.114 ca. Đáng chú ý, qua test nhanh, phát hiện thêm khoảng 14.000 mẫu dương tính, nhiệm vụ chính vẫn là chăm lo điều trị, an sinh, tiêm vắc-xin và tiếp tục giãn cách.

    Cũng là quận vùng đỏ COVID-19, ông Trần Thanh Tùng, Chủ tịch Q.8 cho biết, hiện chưa tính được cụ thể phương án giãn cách cho thời gian tới. Lý do là việc test nhanh sàng lọc trong cộng đồng vẫn đang tiếp tục, và thực tế là ngày nào test nhanh cũng ghi nhận thêm ca dương tính.



    Nam Định: Học sinh lớp 1 dương tính với nCoV, 33 bạn học đi cách ly tập trung

    Hình ảnh

    33 học sinh trường Tiểu học Hải Hưng (huyện Hải Hậu) đi cách ly y tế tập trung tại thị trấn Thịnh Long. (Ảnh: baonamdinh.com.vn)


    33 học sinh lớp 1 ở xã Hải Hưng (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) phải đi cách ly tập trung sau khi một bạn học cùng lớp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

    Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Nam Định vừa thông tin về trường hợp cháu Đ.B.C (SN 2015, là con gái của BN462616, ở xóm 17, xã Hải Hưng, huyện Hải Hậu) dương tính với SARS-CoV-2.



    Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Hải Hậu đã tiến hành rà soát và cách ly 33 học sinh đều là học sinh lớp 1C, trường Tiểu học Hải Hưng, là các trường hợp F1 liên quan đến cháu Đ.B.C.

    CDC Nam Định cho hay, từ 7h – 9h sáng ngày 3/9, tất cả 33 học sinh (mỗi em có 1 người thân đi kèm) đã tập trung tại Trạm Y tế xã Hải Hưng để xe của Trung tâm Y tế huyện đưa đến khu cách ly y tế tập trung tại thị trấn Thịnh Long.

    Tại khu cách ly tập trung, học sinh và người thân đi cùng chăm sóc được bố trí ở phòng riêng, hạn chế tiếp xúc giữa các phòng.

    Tính đến sáng 4/9, chùm ca bệnh ở huyện Hải Hậu đã ghi nhận 14 ca mắc COVID-19.

    UBND huyện đã yêu cầu tạm dừng hoạt động của các nhà hàng, quán ăn từ 9h sáng 1/9. Các trường học trong khu vực huyện cũng được yêu cầu hoãn tựu trường, không tổ chức các hoạt động giáo dục từ ngày 1/9 cho đến khi có thông báo mới.

    Liên quan đến chùm ca bệnh COVID-19 tại huyện Hải Hậu, ông Đỗ Hải Điền - Chủ tịch UBND huyện cho hay, lực lượng chức năng đã xác định được 360 F1 trong huyện và 39 F1 ngoài huyện, cùng 1.800 trường hợp F2.

    Huyện Hải Hậu đã kích hoạt thêm các cơ sở cách ly tập trung tại trị trấn Thịnh Long, đảm bảo các điều kiện tiếp nhận người cách ly tập trung; sắp xếp phương tiện đưa các trường hợp F1 đi cách ly theo quy định.

    Huyện cũng chuẩn bị thiết lập Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 có quy mô 100 giường bệnh; Nhanh chóng hoàn thiện các điều kiện để thực hiện xét nghiệm RT-PCR tại Bệnh viện Đa khoa huyện; Tiếp tục xác minh nguồn lây nhiễm từ chùm ca bệnh; Lên phương án cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân tại khu vực phong tỏa y tế…

    Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh Nam Định, tỉnh đã ghi nhận 51 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó, 15 ca đã được xuất viện.

    Các cơ sở cách ly tập trung của tỉnh hiện đang cách ly 19 trường hợp. Các cơ sở của huyện, thành phố đang cách ly theo dõi sức khỏe cho 1.609 trường hợp. Toàn tỉnh hiện có 4.542 trường hợp đang cách ly tại nhà.


    Bình Dương: BV dã chiến không kịp cấp đủ suất ăn, nhiều F0 chen lấn, xô đẩy


    Nhiều F0 tại Bệnh viện dã chiến số 1 – cơ sở 2 (phường Thới Hoà, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) đã chen lấn, xô đẩy giành thức ăn khi Ban điều hành Bệnh viện không kịp cấp đủ suất ăn cho người bệnh.

    Tối ngày 3/9, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện một video ghi lại cảnh nhân viên mặc đồ bảo hộ đẩy xe thức ăn vào bên trong khu điều trị bệnh nhân COVID-19 thì nhiều người ùa ra chặn đường, xô đổ hàng rào để lấy thức ăn.



    Trong lúc hỗn độn, có người còn hô lớn những người khác nhào ra lấy đồ ăn khiến càng có nhiều người chạy đến, xô đổ hàng rào. Trong lúc xô đẩy, có người bị té ngã, thức ăn bị đổ xuống nền.

    Trong video còn có sự xuất hiện của một số cảnh sát cơ động nhưng do số bệnh nhân quá đông nên không thể ổn định tình hình.

    Sau khi đoạn video được đăng tải, UBND tỉnh Bình Dương thông tin xác nhận sự việc và cho hay, vụ việc xảy ra vào sáng ngày 3/9, tại khu C Bệnh viện dã chiến số 1 – cơ sở 2.

    Nguyên nhân là do nhiều bệnh nhân COVID-19 được chuyển từ thị xã Tân Uyên về đây điều trị vào tối 2/9 chưa có tên trong danh sách được cung cấp các suất ăn nên Ban điều hành bệnh viện chưa kịp chuẩn bị đồ ăn sáng cho bệnh nhân. Trong lúc đói, nhiều bệnh nhân đã có những hành động như vậy.

    Đến tối 3/9, tình hình tại Bệnh viện dã chiến số 1 – cơ sở 2 đã ổn định, đảm bảo cung cấp đầy đủ suất ăn cho các F0.

    Được biết, Bệnh viện dã chiến số 1 – cơ sở 2 tại phường Thới Hoà (thị xã Bến Cát) có quy mô 12.000 giường. Hầu hết các F0 ở đây là những người không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ nên vẫn có thể tự đi lại, tự chăm sóc và có tỉ lệ xuất viện cao.

    Theo thống kê của Sở Y tế Bình Dương, tính đến ngày 3/9, tỉnh này đã ghi nhận 126.408 ca mắc COVID-19. Một số địa phương có số ca mắc cao như: TP. Thuận An, TP. Dĩ An và thị xã Tân Uyên. Trong đó, các cơ sở thu dung, điều trị F0 tại TP. Thuận An và thị xã Tân Uyên đang quá tải nên cơ quan chức năng đã điều chuyển bớt F0 sang các khu vực khác.




    180.000 bộ kit xét nghiệm COVID-19 của Đức về sân bay Cam Ranh

    Sáng 4/9, Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam – Vietnam Airlines vừa tiếp tục vận chuyển thành công 180.000 bộ kit xét nghiệm nhanh Covid-19 từ Đức về Việt Nam.

    180.000 bộ kit xét nghiệm Covid-19 ước tính giá trị lô hàng khoảng 615.000 euro – do Đức trao tặng thuộc chương trình trao tặng 1 triệu bộ kit xét nghiệm cho Việt Nam do chính quyền các bang của Đức đóng góp.

    Cùng với 2 đợt vận chuyển trước đó vào tháng 7 và tháng 8, đến nay Vietnam Airlines đã chuyên chở được hơn 573.000 bộ kit xét nghiệm của Đức gửi tặng Việt Nam với giá trị tương ứng gần 1,7 triệu euro.
    Hình ảnh
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49108
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Re: VN:Thêm 13.137 ca; Quận 7 sắp cho kinh doanh

    by music123 » Chủ nhật Tháng 9 05, 2021 12:18 pm

    Tối 5/9: Quận 7 sắp cho kinh doanh đường phố hoạt động lại; Hà Nội phong tỏa một tòa chung cư Times City


    Hiểu Minh/Mạnh Hùng
    (TH)


    Hình ảnh

    Ảnh tổng hợp.

    Thêm 13.137 ca COVID-19

    Ca nhiễm Bộ Y tế công bố ngày 5/9, các địa phương có số ca mắc cao là TP.HCM (6.226), Bình Dương (3.540), Đồng Nai (1.243), Long An (756), Kiên Giang (345). Số bệnh nhân tử vong là 281, trong đó TP.HCM có 222 trường hợp.

    Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 524.307 ca nhiễm, đứng thứ 51/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 160/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 5.330 ca nhiễm).

    Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 13.074 người. Về tình hình điều trị, 9.211 bệnh nhân được công bố khỏi trong ngày.


    Quận 7 sắp cho kinh doanh đường phố hoạt động lại
    Tuoitre – Dự kiến từ 20/9, quận 7 sẽ ưu tiên cho hoạt động trở lại đối với loại hình kinh doanh các mặt hàng thiết yếu và kinh doanh đường phố để nghiên cứu phục hồi kinh tế sau dịch, từng bước hoạt động trở lại với từng loại hình kinh doanh.. Thông tin được ông Hoàng Minh Tuấn Anh – chủ tịch UBND quận 7 – cho biết trong cuộc họp với lãnh đạo thành phố sáng 5/9.

    Dự kiến từ 20/9 đến 20/10 sẽ ưu tiên cho hoạt động trở lại đối với loại hình kinh doanh các mặt hàng thiết yếu và kinh doanh đường phố. Đi kèm đó là các điều kiện như tiêm vắc-xin mũi 2, hoạt động theo bộ tiêu chí do quận thẩm định và cho phép hoạt động. Trước mắt sẽ cho các loại hình kinh doanh trên hoạt động từ 6h đến 18h.

    Quận 7 cũng đề xuất xem xét miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong năm 2021 và giảm trong quý 1/2022 để giúp các doanh nghiệp, hộ kinh doanh phục hồi sản xuất.

    Hà Nội phong tỏa một tòa chung cư Times City

    Chiều 5/9, Phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng đã cách ly y tế tòa T1, khu đô thị Times City, sau khi xác định 4 ca dương tính COVID-19. Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm, hơn 1.800 cư dân ở 450 căn hộ được yêu cầu không ra khỏi khu vực.

    Hàng do các gia đình mua trực tuyến sẽ được chuyển đến Ban quản lý tòa nhà để họ liên hệ với từng căn hộ.



    Theo CDC Hà Nội, 4 ca dương tính đều trong một gia đình ở tầng 27. Đợt dịch thứ 4, Hà Nội ghi nhận tổng cộng 3.520 ca dương tính, trong đó hơn 1.500 ca ngoài cộng đồng và hơn 1.900 ca đã được cách ly.

    Bình Dương phát hiện lượng lớn ‘thuốc trị COVID-19’ nghi nhập lậu từ Trung Quốc

    Tổng cục Quản lý thị trường Bình Dương ngày 5/9 cho biết, vừa kiểm tra chi nhánh Công ty TNHH thương mại kỹ thuật xây dựng SH – XY, địa chỉ 12/12, khu phố 1B, phường An Phú, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương phát hiện công ty đang kinh doanh, tàng trữ 19.860 viên đông dược hiệu LIANHUA QINGWEN; 460 bộ xét nghiệm nhanh COVID-19; hơn 4.600 sản phẩm đồ bảo hộ dùng trong y tế các loại; 1.600 kính chống giọt bắn hiệu FaceShield; 516 chai cồn sát khuẩn, bề mặt hiệu SaSaKura, hàng nghìn khẩu trang các loại…

    Phần lớn số hàng hóa trên có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ có dấu hiệu là hàng nhập lậu.

    Đáng lưu ý, trong tổng số tang vật được phát hiện, đông dược hiệu LIANHUA QINGWEN hiện nay trên mạng xã hội là một trong các loại đông dược của Trung Quốc được quảng cáo hỗ trợ điều trị bệnh COVID-19 (có giá khoảng 120.000 đồng/hộp).

    Lực lượng quản lý thị trường đã tạm giữ toàn bộ tang vật để tiếp tục làm rõ các dấu hiệu vi phạm.



    Đau đầu xin lại giấy đi đường ở Hà Nội, có doanh nghiệp ‘bỏ cuộc chơi’

    Trong 40 ngày kể từ khi giãn cách xã hội, Hà Nội 4 lần đổi mẫu giấy đi đường. Việc liên tục thay đổi mẫu giấy cùng cách thức thực hiện, khiến các doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần, gõ cửa nhiều cơ quan. Thậm chí để tránh phiền toái, có doanh nghiệp chấp nhận… “ngủ đông”, tạm ngừng hoạt động.

    Thông tin tới vtc ngày 5/9, ông N.N.C., Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân N.C – chuyên cung cấp thực phẩm sạch cho các trường học, cho biết ngay từ 29/7, doanh nghiệp đã lập danh sách nhân viên và mang đến phường sở tại để làm thủ tục xin cấp giấy đi đường.

    Tuy nhiên việc này gặp nhiều khó khăn, sau khi tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp, cơ quan chức năng cho biết phải họp để xét duyệt.

    “Chúng tôi quyết định nghỉ luôn để tránh phiền toái”, anh C. cho biết. Quyết định này một phần do doanh nghiệp của anh chủ yếu cung cấp thịt bò sạch cho các trường học và nhà hàng trên địa bàn thành phố, trong bối cảnh giãn cách xã hội, các trường nghỉ dạy, nhà hàng hoạt động cầm chừng.

    Cùng hoàn cảnh, ông Đ.V.H., Giám đốc chuỗi thương hiệu Thực phẩm sạch Q.H, cho biết, đang hết sức hoang mang khi nghe tin Hà Nội thay mẫu giấy đi đường mới: “Tôi chưa biết làm thế nào, sáng nay mới có thông tin bổ sung chính thức nên giờ mới đang bắt đầu làm. Hôm nay là ngày nghỉ, còn chưa biết công an có làm việc không để còn đến làm thủ tục”.



    Theo ông H., từ khi Hà Nội giãn cách xã hội, doanh nghiệp rất sợ, không dám bán hàng, không dám ra đường vì lo bị phạt. Trước đó, doanh nghiệp đã phải chạy đôn chạy đáo để làm giấy đi đường, nhưng khi giao hàng cho khách, nhân viên vẫn bị phạt. Lý do là giấy đi đường chỉ áp dụng đi từ nhà đến công ty, không được vận chuyển hàng.

    Ông H phàn nàn: “Chúng tôi là doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thực phẩm. Không được đi giao thực phẩm thì hàng làm ra tiêu thụ đi đâu?”.

    Vị giám đốc cho biết ông đã đem những khúc mắc này trao đổi với lãnh đạo phường sở tại, nhưng “đâu lại vào đó”; phản ánh đến đường dây nóng của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng không ăn thua.

    “Việc xin giấy lưu thông vận tải khó khăn khiến doanh nghiệp bị đóng băng từ nhiều tháng. Để duy trì, doanh nghiệp vẫn cố xoay xở, nhưng chi phí đội lên, người tiêu dùng và doanh nghiệp đều chịu thiệt”, ông H. cho hay.

    Trường hợp không xin được giấy đi đường, ông xác định cho nhân viên nghỉ hai ngày tiếp theo để làm thủ tục, có giấy đi đường rồi mới đi làm lại.


    29 cán bộ CDC Bà Rịa-Vũng Tàu phải đi cách ly, Nghệ An khẩn tìm người đến điểm tiêm vaccine có ca nhiễm


    Một lái xe của CDC Bà Rịa-Vũng Tàu dương tính với SARS-CoV-2 khiến 29 cán bộ, nhân viên và 3 người trong gia đình phải đi cách ly giữa lúc dịch đang căng thẳng.

    Ngày 5/9, CDC Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, đã có báo cáo nhanh truy vết các trường hợp liên quan đến ca dương tính với SARS-CoV-2, là nhân viên lái xe của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

    Theo đó, ông L.A.T. (sinh năm 1973, TP. Bà Rịa) là lái xe của CDC Bà Rịa–Vũng Tàu, được lấy mẫu xét nghiệm PCR định kỳ 3 ngày/lần. Từ ngày 1/9 đến nay, ông T. chỉ đến cơ quan làm việc và về nhà, không đi bất cứ nơi đâu. Ngày 3/9, ông T. được cơ quan lấy mẫu xét nghiệm PCR (mẫu gộp) theo định kỳ, cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Sau đó, ông T. được lấy mẫu đơn để xét nghiệm PCR, kết quả xác định dương tính.

    Theo kết quả truy vết, ngoài 3 người trong gia đình ông T., còn có 29 F1 khác là cán bộ, nhân viên của CDC Bà Rịa–Vũng Tàu phải đi cách ly theo quy định. Bà Rịa-Vũng Tàu đã khử khuẩn toàn bộ CDC tỉnh cũng như những nơi ông T. lưu trú.

    Tính đến 18h ngày 4/9/2021, toàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ghi nhận 3.558 ca mắc COVID-19. Riêng trong ngày 4/9, tỉnh ghi nhận 53 ca mắc mới.

    Việc nhiều nhân viên CDC tỉnh thuộc diện F1 phải đi cách ly khiến Bà Rịa-Vũng Tàu có nguy cơ thiếu nhân lực trong việc thực hiện việc lấy mẫu, xét nghiệm phòng chống dịch.


    Khởi tố cán bộ phường đưa người thân vào danh sách nhận tiền hỗ trợ COVID-19

    Hình ảnh

    Bị can Huỳnh Hồng Sơn tại CQĐT
    CÔNG AN CUNG CẤP





    Công an TP. Thủ Đức (TP. HCM) vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với một cán bộ phường vì liên quan đến việc đưa nhiều người thân quen vào danh sách nhận tiền hỗ trợ COVID-19.

    Ngày 4/9, Công an TP. Thủ Đức (TP. HCM) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với ông Huỳnh Hồng S. (là công chức Văn hóa – Xã hội, phường Phú Hữu, TP. Thủ Đức) để điều tra về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ".


    Theo thông tin ban đầu, từ nguồn tin báo của người dân, cơ quan chức năng TP. Thủ Đức đã tiến hành điều tra và phát hiện nhiều nghi vấn, bất thường trong việc lập danh sách những trường hợp thuộc diện khó khăn, mất việc làm được nhận gói hỗ trợ COVID-19 tại phường Phú Hữu.

    Ông S. là cán bộ chuyên trách bảo trợ xã hội, lao động, việc làm của phường, được giao nhiệm vụ tổng hợp danh sách những người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch của các tổ trưởng khu phố gửi lên. Sau đó, ông S. sẽ gửi danh sách cho lãnh đạo phường để duyệt chi tiền hỗ trợ cho người dân theo quy định.

    Tiến hành điều tra, cơ quan công an xác định ông S. đã móc nối với một chủ nhà trọ và những người liên quan để lập sai danh sách các trường hợp được nhận hỗ trợ.

    Ông S. đã đưa vào danh sách khoảng 7 – 8 người có mối quan hệ với mình để những người này được nhận tiền hỗ trợ COVID-19.

    Theo cơ quan điều tra, những người có tên trong danh sách không nằm trong diện được nhận hỗ trợ và tổng số tiền bị làm khống khoảng 10 triệu đồng.

    Hiện, hồ sơ vụ việc đã được chuyển đến VKSND TP. Thủ Đức để xem xét phê chuẩn. Công an TP. Thủ Đức đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng mở rộng điều tra, làm rõ vai trò của những người liên quan.
    Hình ảnh
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49108
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Re: VN:Thêm 12.481 ca ; 311 ca tử vong tại 15 tỉnh, thành

    by music123 » Thứ 2 Tháng 9 06, 2021 2:43 pm

    Tối 6/9:: Thêm 12.481 ca mắc COVID-19 ; 311 ca tử vong tại 15 tỉnh, thành

    Hiểu Minh | TỔNG HỢP

    Hình ảnh

    Hàng rào dây thép được đặt ở chân cầu vượt đi bộ tại Hà Nội, ngày 30/8/2021, nhằm kiểm soát chặt người dân di chuyển trong thời gian thành phố giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. (Ảnh: MANAN VATSYAYANA/AFP qua Getty Images)

    12.477 người mắc COVID-19 mới, TP.HCM hơn 7.000 F0

    Tổng số ca mắc mới trong ngày là 12.477, ghi nhận tại 39 tỉnh, thành phố. Trong đó, 8.099 trường hợp phát hiện trong cộng đồng. 9.730 người khỏi bệnh.

    Các địa phương có số ca mắc cao là TP.HCM (7.122), Bình Dương (2.194), Đồng Nai (871), Long An (857). Hà Nội có 42 ca. 311 người tử vong tại 15 tỉnh, thành phố. TP.HCM có 233 trường hợp.

    Năm tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP.HCM (258.536), Bình Dương (134.627), Đồng Nai (29.420), Long An (25.942), Tiền Giang (10.805).



    Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 536.788 ca nhiễm, đứng thứ 51/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 159/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 5.457 ca nhiễm).



    Thêm 311 ca tử vong tại 15 tỉnh, thành:


    Trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc.kcb.vn ghi nhận thêm 311 ca tử vong tại:

    TP. HCM (233 ca),
    Bình Dương (39),
    Khánh Hòa (ngày 5 và 6/9: có 7 ca),
    Đồng Nai (6),
    Long An (5),
    Tiền Giang (5),
    Kiên Giang (3),
    Đồng Tháp (2),
    Đà Nẵng (2),
    Cần Thơ (2),
    Sóc Trăng (2),
    Bình Định (2),
    Hà Nội (1),
    Vĩnh Long (1),
    Tây Ninh (1).

    Tính đến ngày 6/9, Việt Nam đã có tổng số 13.385 ca tử vong do COVID-19 được công bố, chiếm 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỉ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).

    Từ ngày 27/4 đến nay, ngành y tế đã thực hiện 17.695.842 mẫu xét nghiệm cho 40.159.783 lượt người.


    Sẽ thí điểm cho đi lại bình thường với người tiêm 2 mũi vắc-xin

    Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết hôm nay, 6/9, về việc đi lại, Bộ đang nghiên cứu để thí điểm tại một số địa phương phía nam cho người tiêm đủ 2 mũi, trên cơ sở bảo đảm phòng, chống dịch.

    Dự kiến đến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ có khoảng 90 triệu liều vắc xin (không tính nguồn COVAX – đã có cam kết nhưng do khan hiếm vắc xin nên chưa có kế hoạch cụ thể).

    Trong đó, vắc xin sẽ về rất nhiều trong tháng 9 (dự kiến hơn 20 triệu liều) và các tháng còn lại trong năm. Bộ trưởng đề nghị các địa phương triển khai cao điểm tiêm vắc xin trong các tháng tới, tiến độ tiêm phải đạt 1 triệu mũi 1 ngày mới hoàn thành kế hoạch.

    Trước mắt, Bộ Y tế yêu cầu 5 địa phương gồm: TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Long An và Đồng Nai phải hoàn thành tiêm mũi 1 trước ngày 15/9.



    Đáng chú ý, về việc đi lại, hoạt động của người tiêm đủ 2 mũi, ông Long cho hay Bộ đang nghiên cứu để thí điểm tại một số địa phương phía nam, đồng thời tiếp tục có khuyến cáo về bảo đảm phòng, chống dịch. “Lý do là những người tiêm đủ 2 mũi vẫn có khả năng mắc bệnh và lây nhiễm cho người khác, dù nguy cơ mắc bệnh, chuyển nặng và lây nhiễm cho người khác đã giảm”, ông Long nói.

    Hải Phòng triển khai tiêm vắc-xin Sinopharm diện rộng từ ngày 8/9

    Ngày 6/9, TP Hải Phòng có văn bản thông báo kết luận của chủ tịch TP về việc tiếp nhận và triển khai tiêm 500.000 liều vắc xin Vero Cell (Sinopharm) phòng COVID-19 cho người dân trong thời gian từ ngày 8 đến 24/9.

    Trong đó, nhóm ưu tiên số 1 là lái xe, phụ xe đường dài; nhóm 2 là công nhân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố và nhóm 3 là người dân tự nguyện tiêm chủng vắc xin.

    Hải Phòng sẽ triển khai đồng loạt tại các điểm tiêm cố định và lưu động, phấn đấu hoàn thành trong thời gian 10 – 15 ngày kể từ ngày bắt đầu triển khai tiêm mũi 1.

    Ưu điểm của vắc xin là thời gian tiêm 2 mũi từ 2-4 tuần, nên có thể hoàn thành 2 mũi tiêm vắc xin trong thời gian rất ngắn để chủ động phòng chống dịch.



    Bình Dương: Bác sĩ và người giữ xe móc nối tiêm vắc xin COVID-19 để trục lợi

    Hình ảnh

    Trung tâm Y tế thị xã Tân Uyên - nơi xảy ra vụ việc. (Ảnh: binhduong.gov.vn)



    Một bác sĩ và nhân viên giữ xe của Trung tâm Y tế thị xã Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) đã móc nối với nhau để tiêm vắc xin COVID-19 cho 52 người không đúng quy định, thu lợi bất chính số tiền gần 28 triệu đồng.

    Ngày 6/9, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Nguyễn Thái Hiệp (31 tuổi) - là bác sĩ khoa Kiểm soát dịch bệnh của Trung tâm Y tế (TTYT) thị xã Tân Uyên và Lê Văn Thắng (24 tuổi) - là nhân viên giữ xe tại trung tâm, để điều tra về hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”.



    Theo điều tra ban đầu, Thắng và Hiệp đã móc nối với nhau để tiêm vắc xin COVID-19 cho 52 người không thuộc trường hợp được tiêm theo quy định để hưởng lợi số tiền gần 28 triệu đồng.

    Cụ thể, vào các ngày 11/8 và 20/8, Thắng đã dẫn 42 người vào TTYT thị xã Tân Uyên, móc nối với bác sĩ Hiệp để tiêm vắc xin phòng COVID-19. Hai người chia đôi tổng số tiền 17,5 triệu đồng thu được sau hai lần tiêm.

    Ngày 24/8, Thắng mở cổng sau của TTYT thị xã Tân Uyên cho 10 người dân đi vào để tiêm vắc xin. Trong lúc Thắng đang thu số tiền hơn 10 triệu đồng của 10 người thì bị cơ quan chức năng bắt quả tang.

    Tại cơ quan điều tra, Thắng và Hiệp đã thừa nhận hành vi của mình.

    Được biết, vào ngày 23/8, ông Nguyễn Văn Đặng - Giám đốc TTYT thị xã Tân Uyên đã bị đình chỉ công tác vì chưa làm tốt công tác phòng dịch bệnh COVID-19. Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã quyết định điều động và bổ nhiệm ông Huỳnh Minh Chín - Giám đốc TTYT huyện Bàu Bàng về làm Giám đốc TTYT thị xã Tân Uyên.



    TP. HCM: Người dân vật vã tìm mua thực phẩm

    Hình ảnh

    Một người đàn ông đi ngang qua bức tranh tường cổ động về tiêm vacxin với những người trong lực lượng chức năng làm việc ở tuyến đầu phòng chống COVID-19 .(Ảnh của NHAC NGUYEN / AFP qua Getty Images)

    Ngay khi TP.HCM cho phép shipper hoạt động lại, nhiều siêu thị, sàn thương mại đã mở lại kênh online nhưng lại gặp khó trong việc tìm shipper qua các ứng dụng, mất nhiều thời gian và đơn hàng tiếp tục quá tải. Kết quả là, người dân đặt đơn không thể nhận ngay trong ngày, nhiều lúc nhận hàng không đầy đủ…

    Chị Vũ Thị Bích (phường An Lạc, quận Bình Tân) cho biết: “Tôi kết nối với đủ số các Zalo, Facebook với nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi gần nhà; trong điện thoại có hơn chục app “đi chợ hộ” của các hãng công nghệ, sàn thương mại điện tử… Vậy mà vẫn rất “trần ai” để mua được thức ăn”.



    Chị Thu Minh (ngụ quận 11) than thở: “Ở khu phố tôi, tổ dân phố được phân đi chợ hộ giúp dân. Nhưng nhân lực mọng, hộ dân lại đông. Kết quả tổ trưởng, tổ phó kiệt sức, không thể nhận đơn hàng đi chợ nữa mà khuyến khích dân tự đặt mua online ở các cửa hàng.

    Cả shipper và siêu thị đều quá tải
    Theo chị Bích, có cửa hàng nhận đơn thì không có người giao do khác quận (dù chỉ cách nhau một con đường); cửa hàng gần nhà thì hàng lúc nào cũng đứt do khách mua quá đông, nhắn tin Zalo 3 ngày mới có người phản hồi, nhưng chỉ giao được tầm 3 – 4 món trong tổng đơn hàng hơn chục món. Từ khi có thêm shipper, một số kênh online mở lại từ cũng 4-5 ngày hàng mới đến nơi với lý do “quá tải”…

    Chị Thanh Vy (TP.HCM) cho biết, khi biết tin shipper được hoạt động cả trên vùng đỏ chị đã lên ứng dụng đặt mua hàng thiết yếu. “Khi chúng tôi vào app Grab để “đi chợ”, hầu như không có cửa hàng nào trên ứng dụng này hoạt động. Vào Grabmart, thông tin hiển thị là “Hết rồi… Hay mình thử thu hẹp tìm kiếm xem sao?”… Tuy nhiên tất cả đều… trống trơn” – chị Vy cho biết.

    Không đặt hàng qua ứng dụng, nhưng chị Minh Nhị (ngụ quận Gò Vấp) cũng bí bách khi cả ngày tìm không được shipper giao hàng. “Tôi rảo khắp các siêu thị từ Bách Hóa Xanh, Mega Market, Emart, CoopMart... đều trong tình trạng quá tải đơn hàng online; có nơi nhận đơn thì không tìm được tài xế, đến chiều thì họ cáo lỗi và xin hủy đơn… Tôi đã hy vọng rất nhiều khi shipper được hoạt động lại ở “vùng đỏ”, nhưng thực tế việc mua hàng không hề dễ dàng” – chị Nhị chán nản.

    Một số hãng công nghệ thừa nhận, việc shipper giao hàng ở “vùng xanh” khá thuận lợi nhưng ở “vùng đỏ” vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, một số shipper cũng ngại chạy “vùng đỏ” nên tắt ứng dụng hoặc không nhận đơn. “Dù đã đăng ký danh sách shipper nhưng lực lượng này là đối tác của ứng dụng, không phải người lao động hay nhân viên nên không thể yêu cầu shipper ra đường làm việc”­ - đại diện một ứng dụng giao hàng và đi chợ hộ cho biết.

    Thực tế, ngay khi cho shipper hoạt động lại, nhiều siêu thị đã mở lại kênh online nhưng lại gặp khó trong việc tìm shipper qua các ứng dụng, mất nhiều thời gian và đơn hàng tiếp tục quá tải.

    Trước đó, Sở Công Thương TPHCM đã đề nghị các quận, huyện sớm kết hợp với các ứng dụng công nghệ để đi chợ hộ nhưng đến nay chỉ mới TP Thủ Đức triển khai.

    Đại diện Aeon Việt Nam cho biết, hiện nay đơn hàng “đi chợ hộ” tăng gấp 3-4 lần nhưng có khó khăn về mặt nhận sự để chuẩn bị hàng và giao hàng cho từng hộ dân. Siêu thị cho hay sẽ tiếp tục tận dụng nguồn nhân lực hiện có để chuẩn bị đơn hàng, đồng thời mong muốn các cơ quan ban ngành cũng sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện để tăng thêm nhân sự, và đặc biệt là sự phối hợp, giúp đỡ trực tiếp từ địa phương.

    “Trước thông tin một số đơn vị công nghệ đề xuất ứng dụng hạ tầng công nghệ để hỗ trợ cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, chúng tôi cho rằng hoạt động này sẽ góp phần gỡ khó cho địa phương cũng như người dân dễ dàng hơn trong việc quản lý thông tin mua hàng, giao hàng và thanh toán” - đại diện AEON Việt Nam nói.








    Thủ tướng: ‘Dứt khoát không để giãn cách kéo dài’

    Chiều qua 5/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc về phòng chống dịch. Thủ tướng nói: “Dứt khoát không để giãn cách kéo dài, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân, gây bức xúc xã hội”.

    Theo ông, cần chủ động nghiên cứu, chuẩn bị các kịch bản thích ứng an toàn với dịch bệnh khi có nhiều vắc xin trong 1-2 tháng tới, nhất là ở những nơi đã tiêm đủ vắc-xin.

    Bộ Y tế vừa có văn bản gửi TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Long An, Đồng Nai, cho biết đã ưu tiên phân bổ vắc-xin, TP.HCM, Bình Dương và Long An đã được phân bổ vắc xin đủ mũi 1 cho 100% người từ 18 tuổi trở lên.

    Đề nghị 5 tỉnh thành đẩy nhanh hoàn thành tiêm mũi 1 trước ngày 15/9 cho 100% người từ 18 tuổi trở lên, tiêm mũi 2 cho người đủ thời gian.

    Hà Nội ưu tiên tiêm sớm cho người cao tuổi, người có bệnh lý nền, người sống trong vùng đỏ, cam, khu vực có mật độ dân cư cao.



    Bình Dương có thể sẽ là tỉnh đầu tiên thực hiện “hộ chiếu vắc xin nội địa” tại “vùng xanh”: Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên và thị xã Bến Cát. Ông Nguyễn Văn Lợi – bí thư Tỉnh ủy đề nghị người ở “vùng xanh” đã tiêm 2 mũi vắc xin sẽ được cấp “thẻ xanh” để ra đường, người đã tiêm 1 mũi vắc xin sẽ được cấp “thẻ vàng”, khi ra đường phải kèm theo giấy xét nghiệm. Trường hợp người dân chưa tiêm vắc-xin thì không được ra đường.




    Nam thanh niên bị xử phạt 5 năm tù giam vì làm lây lan dịch COVID-19

    Hình ảnh

    Lê Văn Trí tại tòa. (Ảnh chụp từ video/facebook)

    Ngày 6/9, TAND TP. Cà Mau (tỉnh Cà Mau) đã tuyên phạt 5 năm tù giam đối với Lê Văn Trí về tội "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người".

    Tòa án Nhân dân (TAND) TP. Cà Mau vào sáng 6/9 đã tổ chức xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Lê Văn Trí (sinh năm 1993, trú tại ấp Tân Hiệp, xã An Xuyên, Tp. Cà Mau) về tội "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người" theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 240 Bộ Luật Hình sự.



    Theo cáo trạng, do cuộc sống ở quê khó khăn nên tháng 3/2021, Trí cùng với em rể là P.V.T đi lên TP. HCM làm thuê cho một đại lý nước đá ở chợ đầu mối Bình Điền (thuộc phường 7, quận 8). Do tình hình dịch bệnh COVID-19 ở TP. HCM diễn biến phức tạp, đại lý nước đá ngưng hoạt động, thất nghiệp nên Trí rủ T. về Cà Mau thăm gia đình.

    Sáng 2/7, Lê Văn Trí cùng T. đi xe máy từ TP. HCM về Cà Mau. Khi đến chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19, Trí được cán bộ trực chốt thông báo khi về địa phương phải khai báo y tế và cách ly tại nhà.

    Tuy nhiên, trước khi về nhà, cả 2 người đến Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Cà Mau để nộp hồ sơ, làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Tại đây, Trí khai "không đi đâu ngoài tỉnh".

    Trí được cán bộ trạm y tế hướng dẫn cách ly tại nhà nhưng không thực hiện theo quy định, tiếp xúc với nhiều người trong gia đình. 5 ngày sau, Trí có biểu hiện sốt, ho... được xét nghiệm cho kết quả dương tính với COVID-19.

    Qua điều tra truy vết, cơ quan chức năng xác định Trí làm lây lan dịch bệnh COVID-19 cho 8 người, trong đó có một người tử vong sau một tháng điều trị.

    Tại tòa, Trí nói lời sau cùng: “Bị cáo rất hối hận và ăn năn việc làm của mình. Kính xin quý tòa giảm nhẹ hình phạt, vì cha mẹ đã lớn tuổi, con thơ còn nhỏ dại mà bị cáo là lao động chính trong gia đình…”.






    Bắt nhân viên Trung tâm y tế huyện Long Điền

    Ngày 5/9, Công an huyện Long Điền (Bà Rịa – Vũng Tàu), cho biết Cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Huỳnh Cao Cường (30 tuổi, ngụ xã Xuân Sơn, H.Châu Đức) và Phạm Văn Tươi (32 tuổi, ngụ thị trấn Long Hải, H.Long Điền) để điều tra làm rõ về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy.

    Theo thông tin ban đầu, Cường là nhân viên y tế công tác tại Trung tâm y tế huyện Long Điền, được giao làm nhiệm vụ tại một khu cách ly y tế tập trung ở thị trấn Long Hải.

    Cường có quen biết với Tươi là người nghiện ma túy. Trưa 2.9, Tươi gọi điện thoại cho một người đàn ông tên Tuấn mua một gói ma túy với giá 50 triệu đồng và hẹn gặp nhau tại một địa điểm thuộc xã An Ngãi (H.Long Điền) để giao dịch.

    Do thị trấn Long Hải là vùng đỏ của dịch Covid-19 nên toàn địa phương bị phong tỏa, không ai được ra ngoài, nên Tươi nhắn tin thuê Cường đến địa điểm đã hẹn với Tuấn để lấy giúp ma túy, thỏa thuận trả công bằng ma túy (Cường cũng là người nghiện ma túy).



    Khoảng 15 giờ cùng ngày, Cường đến điểm hẹn lấy ma túy rồi chạy về thị trấn Long Hải.

    Khi Cường đến chốt kiểm soát phòng chống Covid-19 tại vòng xoay Phước Hưng (H.Long Điền) thì bị công an trực chốt kiểm tra, bắt giữ cùng tang vật là ma túy. Qua khai thác nhanh, lực lượng Công an huyện Long Điền đã bắt giữ Tươi.

    3 người thoát khỏi ngôi nhà nghi bị phóng hoả

    Cảnh sát tìm thấy nhiều chai xăng bị cháy dở sau khi bà Võ Thị Nga, 49 tuổi, cùng con gái và cháu ngoại thoát khỏi căn nhà cháy ở TP Châu Đốc.

    Ngày 6/9, Công an tỉnh An Giang cho biết, nghi can phóng hoả có thể là người đàn ông từng quan hệ tình cảm với chủ nhà. Nhiều trinh sát đã vào cuộc truy bắt nghi can, làm rõ dấu hiệu tội Giết người.

    Trước đó, rạng sáng 5/9, con gái bà Nga, 24 tuổi, phát hiện lửa cháy phía trước nhà. Chị tri hô, chạy ra mở cửa nhưng bất thành vì đã bị khoá bên ngoài.

    Bà Nga chạy ra phía sau căn gác nhảy xuống đất, bị thương, hô hoán hàng xóm cứu con và cháu ngoại 5 tuổi đang kẹt bên trong. Người dân sau đó dùng búa phá khoá, dập lửa, bắc thang đưa 2 mẹ con cháu bé ra ngoài an toàn.
    Hình ảnh
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 49108
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Re: VN:Thêm 14.208 ca; 316 ca tử vong tại 9 tỉnh, thành

    by music123 » Thứ 3 Tháng 9 07, 2021 2:46 pm

    Tối 7/9: Thêm 14.208 ca; 316 ca tử vong tại 9 tỉnh, thành

    9/7/21

    Hình ảnh

    Nhân viên y tế tiêm vaccine AstraZeneca tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) ngày 17/5/2021. (Ảnh: NHAC NGUYEN/AFP qua Getty Images)

    Ngày 7/9, Bộ Y tế cho biết có thêm 14.208 ca mắc mới COVID-19, cao hơn hôm qua 1.727 ca. TP. HCM có nhiều nhất với 7.310 ca. Trong ngày có 10.253 bệnh nhân khỏi bệnh. Việt Nam đã có tổng cộng 550.996 bệnh nhân mắc COVID-19.

    Trong đó có:

    - 15 ca nhập cảnh;

    - 14.193 ca ghi nhận trong nước tại 40 tỉnh, thành

    Thêm 316 ca tử vong tại 9 tỉnh, thành:

    Trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc.kcb.vn ghi nhận thêm 316 ca tử vong tại:

    TP. HCM (253 ca),
    Bình Dương (40),
    Long An (7),
    Tiền Giang (7),
    Khánh Hòa (2),
    Đà Nẵng (2),
    Bà Rịa - Vũng Tàu (2),
    Đồng Tháp (1),
    Phú Yên (2).



    Hà Nội xử phạt hơn 68 tỷ đồng trong 3 đợt giãn cách xã hội


    -Nhà chức trách TP. Hà Nội cho biết, sau 3 đợt giãn cách xã hội từ 24/7 đến 5/9, lực lượng chức năng đã xử lý 44.612 vụ vi phạm với số tiền 68,5 tỷ đồng.

    Lỗi vi phạm như ra ngoài khi không thực sự cần thiết, vụ không đeo khẩu trang nơi công cộng, không giữ khoảng cách khi tiếp xúc, vụ vứt khẩu trang đã qua sử dụng không đúng nơi quy định, và các hành vi khác.

    Từ 15h ngày 5/9 đến 15h ngày 6/9, cơ quan chức năng tiếp xục xử lý 675 vụ vi phạm phòng chống dịch, phạt tiền hơn 1 tỷ đồng.

    Việt Nam muốn vay khẩn cấp Ấn Độ 10 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19



    Chiều 6/9, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma.

    Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ Ấn Độ mở cửa cho hàng hóa của Việt Nam, nhất là hàng hóa nông sản như nhãn, chôm chôm, sầu riêng. Hoan nghênh các doanh nghiệp Ấn Độ đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực Ấn Độ có thế mạnh như: công nghệ chế biến, chế tạo; công nghiệp phụ trợ ô tô; công nghệ thông tin và truyền thông; năng lượng tái tạo; nông nghiệp công nghệ cao.

    Chủ tịch nước bày tỏ cảm ơn Chính phủ Ấn Độ đã hỗ trợ Việt Nam máy tạo oxy và các thiết bị y tế.

    Chủ tịch nước mong muốn Đại sứ thúc đẩy Chính phủ Ấn Độ cho Việt Nam vay khẩn cấp 10 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 trong thời gian tới, đồng thời cung cấp các thuốc điều trị COVID-19 cũng như các vật tư, trang thiết bị y tế.

    Bày tỏ tán thành với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc về nhiều nội dung thúc đẩy hợp tác hai nước, Đại sứ Ấn Độ vui mừng nhận thấy, dù đại dịch COVID-19 nhưng hợp tác thương mại hai bên vẫn tăng trưởng tốt và có thể đạt 15 tỷ đô la Mỹ trong năm nay. Đại sứ đề nghị Chính phủ Việt Nam tiếp tục tạo thuận lợi để các doanh nghiệp dầu khí hai bên gia hạn các chương trình hợp tác.

    Trân trọng cảm ơn Việt Nam đã hỗ trợ Ấn Độ ứng phó với làn sóng đại dịch COVID-19 thứ 2 vào tháng 6 vừa qua, Đại sứ cho biết, Ấn Độ cũng luôn cố gắng hết sức để hỗ trợ cho Việt Nam trong cuộc chiến này.

    Các công ty dược phẩm của Ấn Độ cũng đã cung cấp những loại thuốc chữa trị Covid cho Việt Nam. Mặc dù Ấn Độ đang tập trung vào chương trình tiêm chủng quốc gia nhưng vẫn luôn dành sự quan tâm cho việc phòng chống dịch của các đối tác trong đó có Việt Nam.

    Ấn Độ cũng tăng năng lực sản xuất vắc xin nội địa để hỗ trợ cho các đối tác.


    TP.HCM: Bắt tạm giam cán bộ phường móc nối tiêm vắc-xin COVID-19, thu lợi bất chính

    Trương Mạnh Thảo, 37 tuổi, cán bộ phường ở quận 6, bị cho là đưa gần 20 người không thuộc diện ưu tiên vào tiêm vắc-xin COVID-19 để thu tiền.

    Ngày 7/9, Thảo, nhân viên trật tự đô thị phường 2, bị Công an quận 6 bắt giam về hành vi ‘Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ’.

    Theo cơ quan điều tra, Thảo móc nối với nhiều người ở địa bàn khác, không thuộc diện được ưu tiên, đưa về phường mình phụ trách để tiêm vaccine. Những người có nhu cầu được lựa chọn vắc-xin trước và đưa tiền cho cán bộ này theo thỏa thuận.

    Bị phát hiện sai phạm, ngày 16/8, Thảo bị UBND quận 6 ra quyết định tạm đình chỉ công tác, chuyển qua công an điều tra.

    Thảo thừa nhận đã đưa gần 20 người ngoài đến các điểm tiêm chủng ở phường 2, thu lợi hơn 10 triệu đồng, cùng nhiều hiện vật giá trị…

    Công an quận 6 đang mở rộng điều tra vụ việc.


    Hà Nội yêu cầu xét nghiệm 100% người dân thành phố đến 12/9

    UBND TP. HN vừa có Công điện về việc tăng tốc kiểm soát tình hình dịch bệnh COVID-19, quyết định xét nghiệm diện rộng 100% người dân trên địa bàn để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.

    Tối 6/9, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành Công điện về việc tăng tốc kiểm soát tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

    Theo đó, mục tiêu trước ngày 15/9 nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch bệnh COVID-19 để thành phố vào nhóm kiểm soát tốt dịch bệnh theo tiêu chí kiểm soát dịch bệnh của Bộ Y tế.

    Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu huy động các lực lượng xét nghiệm thần tốc, quét nhiều vòng để giúp bóc tách rất nhanh các ca F0 ra khỏi cộng đồng, từng bước thu hẹp các vùng đỏ, vùng vàng và mở rộng vùng xanh.

    Từ ngày 6/9 đến 12/-9, xét nghiệm toàn bộ 100% người dân trên toàn địa bàn theo nguyên tắc tại khu vực phong tỏa, khu cách ly, khu vực nguy cơ rất cao lấy mẫu cho toàn bộ người dân từ 2-3 ngày/lần.

    Tại khu vực có nguy cơ cao lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân từ 5-7 ngày/lần. Tại các khu vực khác lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân ít nhất 1 lần.

    Tổ chức tiêm chủng theo quy định cho tất cả các trường hợp trong diện được tiêm vaccine phòng COVID-19 hiện đang sinh sống và làm việc trên địa bàn.

    Hoàn thành tiêm chủng mũi 1 vaccine phòng COVID-19 cho 100% người dân từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn trước ngày 15/9.

    Tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo quy định. Đặc biệt ưu tiên và lưu ý cho lực lượng y tế tuyến đầu, người cao tuổi, các trường hợp có bệnh lý nền, phụ nữ mang thai và đẩy nhanh việc tăng độ bao phủ tiêm chủng.

    Tăng cường tối đa các điểm lấy mẫu, điểm tiêm và lực lượng lấy mẫu, tăng cường tiêm ngoài giờ, vào buổi tối để đảm bảo hoàn thành tiến độ.

    Về thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, yêu cầu các khu vực nguy cơ cao tiếp tục thực hiện nghiêm, dứt khoát việc giãn cách xã hội, không buông lỏng quản lý hoạt động phòng, chống dịch trong thời gian giãn cách xã hội, không để tình trạng "chặt ngoài, lỏng trong". Kêu gọi, vận động, giải thích, thuyết phục, hướng dẫn, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, "ai ở đâu ở yên đó".

    Chủ tịch UBND thành phố giao Công an thành phố hướng dẫn, tạo điều kiện tối đa phục vụ các đối tượng được phép hoạt động trên địa bàn, đảm bảo các hoạt động kinh doanh, sản xuất, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, lưu thông hàng hóa. Kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Thực hiện các biện pháp nghiệp vụ về quản lý di biến động linh hoạt, hợp lý, không gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp.



    Bảo đảm hoạt động vận tải, lưu thông hàng hóa thông suốt và quan tâm các lĩnh vực kinh tế - xã hội, các hoạt động quan trọng khác trên địa bàn, nhất là tại các xã, phường, thị trấn.


    Thêm gần 1.000 cán bộ công an vào các tỉnh phía Nam chống dịch

    Hình ảnh

    Các cán bộ công an lên đường chống dịch. (Ảnh: baochinhphu.vn)

    Ngày 6/9, gần 1.000 cán bộ công an đã bay từ Hà Nội vào TP. HCM để tiếp tục hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại các tỉnh thành phía Nam.

    Đây là các cán bộ được điều động làm nhiệm vụ tại các cơ sở cách ly tập trung, các chốt kiểm soát, các bệnh viện dã chiến, các địa điểm cách ly... tại các địa phương, phối hợp cùng các đơn vị tuyến đầu phòng chống dịch.


    Cụ thể, Học viện CSND có 650 người có nhiệm vụ bảo đảm công tác an ninh trật tự và phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn các tỉnh phía Nam; trong đó tăng cường 500 cán bộ hỗ trợ Công an tỉnh Bình Dương và 150 cán bộ, học viên hỗ trợ Công an tỉnh Long An. Học viện ANND với 300 người, sẽ tăng cường hỗ trợ công an tỉnh Đồng Nai.

    Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh đã cử 20 cán bộ, y, bác sĩ của Bệnh viện Bãi Cháy và Bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả vào hỗ trợ Bình Dương phòng, chống dịch. Tỉnh Kon Tum cử 30 viên chức thuộc ngành Y tế tỉnh, trong đó có 10 bác sĩ, 20 điều dưỡng cũng cử các cán bộ y bác sĩ cùng tham gia lực lượng hỗ trợ.

    Hình ảnh

    650 cán bộ học viên HVCSND lên đường chống dịch tại Bình Dương và Long An. (Ảnh: baochinhphu.vn)

    Trong đợt dịch thứ 4, Bộ Công an đã chi viện hàng nghìn cán bộ công an cho các tỉnh, thành phía Nam tham gia phòng chống dịch.

    Được biết, tất cả các cán bộ này đã được tiêm vaccine và thực hiện các xét nghiệm cần thiết, đảm bảo có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong ngày 5/9.

    Các đoàn công tác của Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các lực lượng hỗ trợ cùng hãng hàng không Vietjet thực hiện những chuyến bay vào các địa phương phía Nam. Đồng thời, Vietjet cũng đã vận chuyển hàng triệu liều vaccine, trang thiết bị lưu trữ vaccine, thiết bị y tế... tới các địa phương hỗ trợ phòng chống dịch bệnh.

    TỔNG HỢP
    Hình ảnh
Đăng trả lời 344 bài viết

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Google [Bot] và 53 khách