Ukraine: Tổng thống Biden nói tên lửa rơi sang Ba Lan có thể không đến từ Nga
11/16/22
Tổng thống Biden khẳng định Mỹ và các quốc gia NATO sẽ điều tra đầy đủ về vụ việc trước khi có hành động
Tên lửa rơi sang Ba Lan, khiến hai người tử vong, có thể không được phóng từ Nga, Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu sau cuộc họp khẩn giữa các nhà lãnh đạo NATO bên lề Thượng đỉnh G20 tại Indonesia vào hôm nay 16/11.
Vụ nổ hôm thứ Ba 15/11 tại một cơ sở ngũ cốc ở một nông trại ở Ba Lan, gần biên giới với Ukraine xảy ra trong bối cảnh Nga ồ ạt tấn công bằng tên lửa, nhằm vào những cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, gây gia tăng các quan ngại cuộc xung đột có thể lan sang những quốc gia láng giềng.
Ngoại trưởng Ba Lan nói tên lửa đã rơi xuống làng Przewodow, cách biên giới với Ukraine khoảng 6 km. Nga đã bác bỏ có trách nhiệm về vụ nổ, nhưng giới chức Ba Lan nói đây là một tên lửa do Nga chế tạo.
Một người dân yêu cầu giấu tên nói với Reuters là hai nạn nhân là đàn ông, gần khu vực cân tại một cơ sở ngũ cốc.
Cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga có thể gây rủi ro khiến cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine lan rộng, trong bối cảnh các thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có cam kết phòng thủ chung dựa theo Điều khoản số 5, với nội dung:
"Các Bên đồng ý rằng một cuộc tấn công vũ trang chống lại một hoặc nhiều nước trong số họ ở Châu Âu hoặc Bắc Mỹ sẽ được coi là một cuộc tấn công chống lại tất cả và do đó các bên đồng ý rằng, nếu một cuộc tấn công vũ trang như vậy xảy ra, mỗi thành viên trong số họ sẽ thực hiện quyền tự vệ cá nhân hoặc tập thể được Điều 51 của Hiến chương Liên hợp quốc công nhận, để sẽ hỗ trợ một Bên hoặc các Bên bị tấn công bằng cách thực hiện ngay lập tức, theo cách cá nhân và phối hợp với các Bên khác, hành động mà họ cho là cần thiết, bao gồm cả việc sử dụng lực lượng vũ trang, để khôi phục và duy trì an ninh của khu vực Bắc Đại Tây Dương.
Trước đó ông Biden đã chủ trì một cuộc họp khẩn cấp giữa các lãnh đạo NATO bên lề G20 tại Indonesia về vụ việc.
Trả lời các phóng viên về liệu có phải quá sớm khi nói rằng tên lửa được phóng từ Nga hay không, ông Biden nói: "Có thông tin ban đầu đối chọi với điều này. Tôi không muốn tuyên bố cho đến khi chúng tôi đã điều tra hoàn toàn, nhưng theo các lộ trình phóng thì tên lửa không thể được phóng từ Nga nhưng chúng tôi sẽ theo dõi."
Ông Biden khẳng định Mỹ và các quốc gia NATO sẽ điều tra đầy đủ trước khi có hành động.
Ngoại trưởng Ba Lan nói tên lửa đã rơi xuống làng Przewodow, cách biên giới với Ukraine khoảng 6 km, khiến hai người thiệt mạng
Vụ nổ xảy ra tại Ba Lan xảy ra khi Nga ồ ạt tấn công trên khắp Ukraine bằng tên lửa, mà phía Kyiv cho rằng là đợt bắn phá nặng nề nhất trong gần 9 tháng qua. Một số rơi trúng Lviv, chỉ cách biên giới với Ba Lan chưa đến 80 km.
Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky nói các tên lửa của Nga đã rơi trúng vào Ba Lan vào "lúc leo thang nghiêm trọng" của cuộc xung đột. Ông không đưa ra bằng chứng về sự liên quan của phía Nga.
"Tất cả châu Âu và thế giới phải được bảo vệ toàn diện trước nước Nga khủng bố," ông Zelensky nói trong một dòng tweet sau cuộc điện đàm với Tổng thống Ba Lan, Andrzej Duda.
Hai nhà ngoại giao châu Âu nói phía Ba Lan đã yêu cầu một cuộc họp NATO dựa theo Điều khoản số 4 về sự tham vấn giữa các đồng minh. Ba Lan cũng đang tăng cường tính sẵn sàng đối với một số đơn vị quân sự, Thủ tướng Ba Lan, Mateusz Morawiecki thông tin.
Giới chức Ba Lan đã tìm cách tránh khiến tình hình tăng nhiệt, Thủ tướng Ba Lan, Mateusz Morawiecki đã kêu gọi người dân Ba Lan giữ bình tĩnh, và Tổng thống Duda nói không có bằng chứng cụ thể cho thấy ai đã phóng tên lửa và đây là một vụ việc chỉ xảy ra một lần.
Ông Biden đã nói với người đồng cấp Ba Lan, Duda trong cuộc điện đàm là phía Washington có "một cam kết không thể xoay chuyển đối với NATO" và sẽ ủng hộ cuộc điều tra của Ba Lan, theo tuyên bố từ Nhà Trắng.
Hãng tin AP trước đó dẫn lời một quan chức tình báo cấp cao của Mỹ nói vụ nổ là do các tên lửa Nga đã bay qua Ba Lan.
Thế nhưng tại Washington, Lầu Năm Góc, Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố họ không thể cung cấp thêm bằng chứng và đang phối hợp với phía chính phủ Ba Lan để thu thập thêm thông tin. Bộ Ngoại giao Mỹ gọi vụ việc là "đặc biệt đáng quan ngại."
Đức và Canada tuyên bố đang giám sát tình hình, và Liên minh châu Âu, Hà Lan, và Na Uy nói họ đang tìm kiếm thêm chi tiết.
Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron đã yêu cầu một nỗ lực xác nhận, trong khi phía Anh thì "đang khẩn cấp" xem xét thông tin.
Nga bác bỏ
Tổng thống Duda nói không có bằng chứng cụ thể cho thấy ai đã phóng tên lửa và đây là một vụ việc chỉ xảy ra một lần
Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Nga bác bỏ thông tin các tên lửa Nga đã rơi vào lãnh thổ Ba Lan, mô tả các thông tin như vậy "là sự khiêu khích có chủ đích nhằm khiến tình hình leo thang".
Người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov tuyên bố ông không có thông tin gì về vụ nổ tại Ba Lan.
Phó Thủ tướng Latvia, Artis Pabriks thì tuyên bố tình hình này là "không thể chấp nhận được" và có thể dẫn tới khả năng NATO cung cấp thêm các thiết bị phòng không cho Ba Lan và Ukraine.
Tổng thống Lithuania, Gitanas Nauseda phát biểu trên Twitter: "Mỗi inch của #NATO phải được bảo vệ!"
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, Oleksiy Reznikov nói Kyiv đã cảnh báo về mối nguy hiểm của các tên lửa Nga đối với những quốc gia láng giềng và kêu gọi áp đặt một vùng cấm bay.