NATO: Vụ nổ ở Ba Lan có thể do tên lửa Ukraine gây ra, nhưng Moscow phải chịu trách nhiệm
16/11/2022
Reuters
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Brussels, Bỉ, hôm 15/11/2022.
Hôm 16/11, Tổng thư ký NATO cho biết vụ nổ ở Ba Lan có khả năng do một tên lửa phòng không Ukraine gây ra nhưng Nga phải chịu trách nhiệm cuối cùng vì họ đã khơi mào chiến tranh, theo Reuters.
Tổng thư ký Jens Stoltenberg phát biểu tại một cuộc họp báo sau cuộc họp khẩn cấp của các đại sứ NATO: “Họ phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến đã gây ra tình trạng này”. Ông nói thêm: “Hãy để tôi nói rõ rằng đây không phải là lỗi của Ukraine”.
Ông Stoltenberg cho biết vụ việc đã chứng minh những rủi ro của cuộc chiến ở Ukraine nhưng không thay đổi đánh giá của liên minh quân sự này về mối đe dọa đối với các thành viên. Ông nói thêm rằng không có dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị các hành động tấn công quân sự chống lại các đồng minh NATO.
Trong khi đó, Ba Lan báo hiệu rằng cuối cùng họ có thể không viện dẫn điều 4 của NATO, quy định về việc tham vấn giữa các đồng minh khi đối mặt với mối đe dọa an ninh, vì vụ nổ có thể do tên lửa phòng không của Ukraine chứ không phải do Nga gây ra.
Sau khi tên lửa rơi xuống một cơ sở sản xuất ngũ cốc của Ba Lan ban đầu làm dấy lên báo động toàn cầu rằng cuộc chiến Ukraine có thể lan sang các nước láng giềng, thông tin rằng nó có khả năng không phải do Nga bắn đã giúp giảm bớt áp lực.
Ông Stoltenberg hoan nghênh việc nhiều thành viên liên minh cho biết họ sẵn sàng cung cấp các phương tiện phòng không. Ông tuyên bố không có biện pháp tức thời nào của NATO nhưng cho biết một nhóm liên lạc về Ukraine sẽ họp vào cuối ngày, với trọng tâm chính là phòng không.
Tổng thống Biden: Tên lửa nổ ở Ba Lan do phòng không Ukraine bắn
16/11/2022
Reuters
Tổng thống Joe Biden hôm 16/11/2022 tại Bali, Indonesia.
Một nguồn tin của NATO hôm 16/11 cho biết Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nói với các đồng minh rằng tên lửa nổ tại Ba Lan làm hai người thiệt mạng là một tên lửa phòng không của Ukraine, theo Reuters.
Trước đó, ông Biden công khai nói rằng tên lửa đó khó có thể được bắn từ Nga. Nếu được xác nhận, điều đó có thể làm giảm bớt lo ngại rằng vụ tấn công gây chết người đầu tiên ở một quốc gia NATO kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu có thể dẫn đến leo thang chiến tranh.
Các đại sứ NATO dự kiến họp khẩn cấp vào ngày 16/11 để phản ứng với vụ nổ tại một máy sấy ngũ cốc gần biên giới Ukraine, xảy ra trong khi Nga đang bắn nhiều tên lửa vào các thành phố trên khắp Ukraine.
Kyiv cho biết họ đã bắn hạ hầu hết các tên lửa của Nga đang bay tới bằng tên lửa phòng không của chính mình. Vùng Volyn của Ukraine, ngay bên biên giới với Ba Lan, là một trong nhiều vùng được cho là mục tiêu tấn công của Nga.
Bộ Ngoại giao Ba Lan cho biết tên lửa rơi xuống Przewodow, một ngôi làng cách biên giới với Ukraine khoảng 6 km. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda nói với các phóng viên rằng đó “rất có thể là một tên lửa do Nga sản xuất”, nhưng không có bằng chứng cụ thể về việc ai đã bắn tên lửa này.
Cả tên lửa tầm xa của Nga và tên lửa phòng không mà Ukraine bắn hạ chúng đều do Nga sản xuất.
Khi được hỏi liệu có quá sớm để nói liệu tên lửa có được bắn từ Nga hay không, ông Biden nói: “Có thông tin sơ bộ bác bỏ điều đó. Tôi không muốn nói điều đó cho đến khi chúng tôi điều tra hoàn toàn về nó, nhưng đường tên lửa bay cho thấy nó khó có thể được bắn từ Nga, nhưng chúng ta hãy chờ xem”.
Phát biểu tại Indonesia sau cuộc gặp với các nhà lãnh đạo phương Tây khác bên lề hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế lớn G-20, ông Biden cho biết Hoa Kỳ và các nước NATO sẽ điều tra toàn diện trước khi hành động.
Hãng thông tấn Associated Press, ban đầu trích dẫn một quan chức tình báo cấp cao của Hoa Kỳ nói rằng tên lửa của Nga đã gây ra vụ nổ ở Ba Lan, sau đó dẫn lời các quan chức Hoa Kỳ cho biết những phát hiện ban đầu cho thấy vụ nổ là do tên lửa phòng không của Ukraine gây ra.
Một người dân không nêu tên cho biết hai nạn nhân là nam giới đang ở gần trạm cân của một cơ sở ngũ cốc.
Bộ Quốc phòng Nga bác bỏ thông tin cho rằng bất kỳ tên lửa nào của Nga đã tấn công lãnh thổ Ba Lan, mô tả những báo cáo như vậy là “một hành động khiêu khích có chủ ý nhằm leo thang tình hình”.
Ông Dmitry Polyansky, người đứng đầu phái đoàn thường trực của Nga tại Liên Hợp Quốc, cho biết trên kênh Telegram: “Có một nỗ lực kích động một cuộc đụng độ quân sự trực tiếp giữa NATO và Nga, với tất cả những hậu quả cho thế giới”.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết, nhưng không cung cấp bằng chứng, rằng các tên lửa của Nga đã tấn công Ba Lan trong một “sự leo thang đáng kể” của cuộc xung đột.
“Tất cả châu Âu và thế giới phải được bảo vệ hoàn toàn khỏi khủng bố Nga,” ông viết trên Twitter sau cuộc điện đàm với Tổng thống Duda của Ba Lan.
Một số nhà lãnh đạo phương Tây cho rằng dù ai bắn tên lửa thì Nga phải chịu trách nhiệm cuối cùng.
Văn phòng của Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết sau cuộc gặp giữa ông Sunak và Thủ tướng Canada Justin Trudeau: “Họ nhấn mạnh rằng, bất kể kết quả của cuộc điều tra đó như thế nào, cuộc xâm lược Ukraine của Putin rõ ràng là nguyên nhân gây ra bạo lực đang diễn ra”.
Các quan chức ở Warsaw cho biết thành viên NATO Ba Lan có thể sẽ yêu cầu một cuộc họp của Liên minh quân sự phương Tây theo Điều 4, đồng thời nêu vấn đề này tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào ngày 16/11.
Điều 4 của hiệp ước NATO yêu cầu các thành viên tham khảo ý kiến nếu một trong số họ tin rằng an ninh của mình bị đe dọa, trong khi Điều 5 yêu cầu các thành viên bảo vệ lẫn nhau khỏi bị tấn công.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết Ba Lan đang tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của một số đơn vị quân đội, đồng thời kêu gọi tất cả người Ba Lan giữ bình tĩnh.
Ông Biden nói với ông Duda trong một cuộc gọi rằng Washington có “cam kết vững như bàn thạch với NATO” và sẽ hỗ trợ cuộc điều tra của Ba Lan, Nhà Trắng cho biết.
Vụ nổ ở Ba Lan xảy ra khi Nga tấn công các thành phố trên khắp Ukraine bằng tên lửa trong cái mà Kyiv mô tả là cuộc tấn công hung hãn nhất trong cuộc chiến cho đến nay, vài ngày sau khi Moscow bỏ Kherson, thủ phủ khu vực duy nhất của Ukraine mà họ đã chiếm được kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược.
Các nhà lãnh đạo của G-20, bao gồm Nga nhưng không có Ukraine, đã đưa ra một tuyên bố hôm 16/11 nói rằng họ “phản đối mạnh mẽ nhất” về hành động gây hấn của Nga đối với Ukraine. Tuyên bố cho biết hầu hết các thành viên lên án mạnh mẽ cuộc chiến ở Ukraine nhưng nói thêm rằng có những quan điểm khác trong nhóm.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov cho biết Kyiv cảnh báo về mối nguy hiểm mà tên lửa của Nga có thể gây ra cho các nước láng giềng và kêu gọi áp đặt vùng cấm bay.
Sẽ ra sao nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine?
Ukraine thừa nhận đã kích hoạt hệ thống phòng không ở gần nơi tên lửa rơi ở Ba Lan
Tuấn Anh (Theo RT)
Thứ năm, ngày 17/11/2022
Lực lượng vũ trang Ukraine đã thông báo cho Mỹ và các đồng minh phương Tây khác rằng họ đang cố gắng đánh chặn tên lửa của Nga, trong khoảng thời gian trùng với vụ việc tên lửa rơi trên lãnh thổ Ba Lan. Đó là thông báo của CNN dẫn nguồn tin trong chính quyền Mỹ.
Địa điểm nơi một quả tên lửa rơi xuống làng Przewowdow, Ba Lan. Ảnh AFP
Theo CNN, phía Mỹ đã đánh giá tình hình chính trên cơ sở thông tin này.
Dẫn lời một quan chức Mỹ, người dẫn chương trình CNN Jim Sciutto cho biết hôm thứ Tư 16/11 rằng, quân đội Ukraine đã thông báo cho những người ủng hộ phương Tây rằng họ "đã cố gắng đánh chặn một tên lửa của Nga trong cùng khung thời gian và gần địa điểm của một "cuộc tấn công tên lửa" vào lãnh thổ Ba Lan là làng Przewodow một ngày trước đó".
"Không rõ đây có phải là tên lửa đã tấn công Ba Lan hay không, nhưng điều này được thông báo bởi đánh giá đang diễn ra của Mỹ", Sciutto nói thêm.
Sự thừa nhận rõ ràng của quân đội Ukraine đánh dấu một bước leo thang đáng kể của Kiev kể từ hôm thứ Ba, khi Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky gọi vụ việc là "cuộc tấn công của Nga vào an ninh tập thể" của NATO. Trong một tuyên bố video, ông Zelensky kêu gọi phương Tây đặt Nga "vào vị trí của mình" để đáp trả.
Ngày 16/11, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tuyên bố không có dấu hiệu nào cho thấy hôm thứ Ba đất nước ông đã bị tấn công tên lửa có chủ ý. Ngày 15/11, các phương tiện truyền thông Ba Lan đưa tin có hai quả tên lửa đã rơi xuống làng Przewodow thuộc tỉnh Lublin ven biên giới với Ukraine, khiến 2 người thiệt mạng.
Bộ Ngoại giao Ba Lan tuyên bố rằng tên lửa này do Nga sản xuất. Tuy nhiên, thông tin này không được xác nhận ở Mỹ, sau đó Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo rằng thông tin sơ bộ phản bác giả thiết tên lửa là của Nga.
Bộ Quốc phòng Nga cũng khẳng định, Nga không bắn tên lửa vào Ba Lan, đồng thời cho rằng, mảnh tên lửa rơi vào lãnh thổ Ba Lan là từ tổ hợp tên lửa S-300 do Ukraine sử dụng.
Trong khi đó, đến nay, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky tiếp tục khẳng định quân đội của ông không bắn tên lửa khiến hai thường dân thiệt mạng ở làng Przewodow của Ba Lan. Ukraine muốn được đưa vào bất kỳ cuộc điều tra nào về vụ việc, ông nói với các phóng viên ở Kiev ngày 16/11.
Nga tấn công ồ ạt: Ukraine bắn hạ hơn 70 tên lửa, 15 cơ sở hạ tầng năng lượng bị phá hủy
Tuấn Anh (Theo Pravda)
Thứ tư, ngày 16/11/2022
Sau cuộc tấn công lớn nhất vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine trong lịch sử, một số ngày khó khăn sẽ tiếp theo, vì ngoài mạng lưới năng lượng bị hư hại, thời tiết lạnh giá đang đến gần, do đó, mức tiêu thụ điện sẽ tăng lên.
Nhiều khu vực Ukraine bị Nga tấn công. Ảnh Pravda
Kyrylo Tymoshenko, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Tổng thống Ukraine đã báo cáo rằng 70 trong số 90 tên lửa của Nga xâm lược đã bị bắn hạ, tuy nhiên, hơn 7 triệu người đã bị mất điện cho đến nay. Theo bà Kyrylo Tymoshenko, Nga xâm lược đã phóng hơn 90 tên lửa vào Ukraine, trong khi các đơn vị phòng không của Ukraine đã bắn hạ 70 tên lửa.
"Các cuộc tấn công cũng phá hủy 15 cơ sở hạ tầng năng lượng", Kyrylo Tymoshenko cho biết thêm. Theo Tymoshenko, có sự cố mất điện ở thành phố Kiev và các khu vực Vinnytsia, Volyn, Donetsk, Dnipropetrovsk, Zhytomyr, Kyiv, Kirovohrad, Lviv, Rivne, Sumy, Ternopil, Kharkiv, Khmelnytskyi, Cherkasy, Chernivtsi, và Chernihiv.
Theo dữ liệu sơ bộ từ Lực lượng Không quân, 73 tên lửa hành trình của Nga và tất cả 10 máy bay không người lái kamikaze đã bị phá hủy.
Volodymyr Kudrytsky, CEO của công ty năng lượng quốc gia Ukrenergo thông báo, tình hình khó khăn nhất hiện đang được quan sát ở phía tây Ukraine, cũng như ở các khu vực miền trung và đông bắc. Để ổn định hệ thống năng lượng của Ukrenergo, lịch tắt máy khẩn cấp đã được sử dụng, nhờ đó Ukraine tránh được tình trạng mất điện hoặc mất điện hoàn toàn.
Kudrytskyi đã lưu ý rằng các thợ điện ngay lập tức bắt đầu khôi phục nguồn điện cho người tiêu dùng cũng như các mạng lưới và nhà máy điện bị hư hỏng, đồng thời sẽ làm việc 24/7 để khôi phục điện cho cư dân của các thành phố.
"Đồng thời, những ngày tới sẽ khó khăn, bao gồm thời tiết lạnh giá đang đến gần, lượng điện tiêu thụ sẽ tăng lên, theo đó, phụ tải trên các mạng cũng sẽ tăng lên. Vì vậy, đề nghị các bạn thông cảm về tắt máy, sẽ được thực hiện khi cần thiết và cũng không bỏ thói quen sử dụng điện một cách tiết kiệm", Kudrytskyi cảnh báo.
Ông nói thêm rằng mặc dù Ukrenergo có kế hoạch hành động cho các tình huống khác nhau, kể cả tình huống xấu nhất, nhưng người Ukraine nên chuẩn bị cho sự gián đoạn đáng kể trong việc cung cấp năng lượng và có nguồn cung cấp nước, thiết bị sạc và pin dự phòng cần thiết.