Đăng trả lời 72 bài viết
Nhạc sĩ LAM PHƯƠNG qua đời
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 60182
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Re: Nhạc sĩ LAM PHƯƠNG qua đời

    by music123 » Thứ 5 Tháng 12 24, 2020 6:40 pm

    ‘Dòng nhạc Lam Phương không bao giờ mất đi trong tư tưởng người Việt’

    12/24/20

    WESTMINSTER, California (NV) – Sự ra đi của nhạc sĩ Lam Phương, dù không đột ngột nhưng cũng để lại bao nhiêu thương tiếc trong lòng những ai từng hát nhạc Lam Phương hoặc nghe nhạc Lam Phương ở khắp nơi trên thế giới.

    Hình ảnh

    Nhạc sĩ Lam Phương. (Hình: Triết Trần)

    Theo nhận xét của nhạc sĩ lão thành Tuấn Khanh, dòng nhạc của nhạc sĩ Lam Phương lan tỏa sâu rộng vào đại chúng vì đây chính là những sáng tác dành cho đại chúng. Nhạc sĩ Tuấn Khanh nói: “Người nghe nhạc Lam Phương đông gấp bốn, gấp năm lần người nghe nhạc của tôi. Tuy nhiên, Lam Phương là người rất dễ thương và biết trên, biết dưới. Ông chưa bao giờ để sự nổi tiếng làm thay đổi con người của mình.”


    “Cốt cách của một nghệ sĩ: Đẹp trai và đàn giỏi”

    Ông Tuấn Khanh cho biết khi ông vừa vào Nam năm 1955 thì Lam Phương đã nổi tiếng với nhạc phẩm “Tình Anh Lính Chiến” rồi. “Lam Phương cũng là nhạc sĩ đầu tiên dám tự in nhạc phẩm của mình rồi bán thẳng cho người mua chứ không thông qua các nhà in. Nhờ vậy mà số tiền bán nhạc lên tới trên 200,000 đồng hoặc hơn nữa,” ông nói.

    “Nếu để nhà sách bán thì mình chỉ được chừng 3,000 đồng là cao,” ông so sánh. “Sau đó, các nhạc sĩ khác mới bắt đầu bắt chước làm theo.”

    Nhạc sĩ Từ Công Phụng cho biết sự ra đi của nhạc sĩ Lam Phương làm cho ông “buồn buồn như thế nào ấy.”

    Ông cũng nói rằng những sáng tác của nhạc sĩ Lam Phương vô cùng phong phú và đa dạng. “Thật khó mà nói Lam Phương sáng tác theo thể loại nào,” ông Từ Công Phụng nói.

    Tuy nhiên, với Từ Công Phụng, những nhạc phẩm nổi bật của Lam Phương là “Kiếp Nghèo” và ngay từ hồi còn là sinh viên thì ông đã rất có ấn tượng với nhạc phẩm “Duyên Kiếp.” Như muốn chính tai mình nghe lại, ông cất giọng hát câu đầu: “Em ơi nếu mộng không thành thì sao/ Non cao đất rộng biết đâu mà tìm…”

    Hình ảnh

    Nhạc sĩ Lam Phương thời trai trẻ. (Hình: Tài liệu gia đình)
    Hình ảnh mà Lam Phương lưu lại trong trí nhớ Từ Công Phụng thật đúng với cốt cách của một nghệ sĩ. “Hồi ấy, Lam Phương rất đẹp trai và chơi đàn (guitar) rất giỏi,” ông kể.

    Có thể nói ca sĩ trẻ tuổi nhất ca nhạc Lam Phương là Thanh Tuyền khi mới 10 tuổi.

    Trước cái chết của Lam Phương, danh ca Thanh Tuyền nói: “Tôi đã chuẩn bị cho sự ra đi này cả 10 năm nay. Nghe tin ông ra đi, tôi không khóc được mà chợt thấy một nỗi buồn rất sâu lắng trong tim. Nỗi buồn này thật khó tả. Khi nghe tin nghệ sĩ Chí Tài chết đột ngột, tôi khóc được, nhưng nghe tin ông Lam Phương qua đời, nỗi buồn trong tôi nó khác hẳn.”

    Câu ca Lam Phương là bạn đồng hành của nhiều ca sĩ

    Sự nghiệp của Thanh Tuyền gắn liền với dòng nhạc Lam Phương khi bà mới 10 tuổi. Bà kể: “Năm đó là 1959, tôi dự thi giải ‘Thần Đồng Đà Lạt’ với bài ‘Nắng Đẹp Miền Nam’ của nhạc sĩ Lam Phương và đoạt giải nhất.”

    Hình ảnh


    Danh ca Thanh Tuyền. (Hình: Facebook Thanh Tuyền)
    Vì thế, Thanh Tuyền sẽ không bao giờ quên được câu ca: “Đây trời bao la ánh nắng mai hé đầu ghềnh lan dần tới đồng xanh/ Ta cùng chen vai đem tay góp sức tăng gia cho người người vui hòa/ Đường cày hôm nay lên tràn bông lúa mới ôi duyên dáng đồng ơi…” của Lam Phương đã đưa bà vào làng âm nhạc Việt Nam.

    Nhưng Thanh Tuyền vẫn nhớ một câu khác của nhạc sĩ Lam Phương trong bài “Xin Thời Gian Qua Mau” là “Ngày về ôi xa quá/ Cánh nhạn còn miệt mài/ Trong nắng hồng mê say/ Lạc bầy chim chíu chít/ Hai phương trời cách biệt/ Đêm chờ và đêm mong…”

    Theo Thanh Tuyền, nhạc Lam Phương được nhiều người ưa thích vì ông thể hiện tâm tư của họ.

    Thanh Tuyền cho biết nỗi ân hận nhất trong lòng bà là chưa thực hiện lời hứa với vị nhạc sĩ là sẽ thu âm bài “Tình Đầu Muôn Thuở” do ông sáng tác năm 1966. “Cách nay không lâu, tôi gọi điện thoại thăm ông và nhắc lại chuyện này. Ông không nói được nhưng nghe rất rõ và theo lời em gái ông là cô Bảy đang ở bên ông, ông cười rất vui khi biết tôi còn nhớ lời hứa,” bà kể.

    Thanh Tuyền nể phục sự lạc quan của ông Lam Phương dù bị trọng bệnh cả 10 năm rồi. Và dù đã có 10 năm chuẩn bị nhưng Thanh Tuyền vẫn chưa chịu chấp nhận là ông đã thực sự ra đi. Bà nói: “Không. Tôi vẫn có cảm giác là nhạc sĩ Lam Phương vẫn còn quanh quẩn đâu đây thôi chứ không đi đâu hết.”

    Bà thêm: “Dòng nhạc Lam Phương không bao giờ mất đi trong tư tưởng người Việt.”

    Hình ảnh

    Danh ca Hoàng Oanh. (Hình: Nguyễn Lập Hậu)
    Danh ca Hoàng Oanh, một người đã đi vào lòng khán giả trong và ngoài nước qua nhạc phẩm “Chiều Tây Đô” của Lam Phương, vẫn còn rất xúc động trước tin nhạc sĩ Lam Phương từ trần.

    “Từ khi hay tin nhạc sĩ Lam Phương qua đời tới giờ, tôi vẫn chưa đủ bình tĩnh để nhớ lại mọi chuyện theo thứ tự lớp lang, Tôi chỉ nhớ cách nay khoảng 20 năm, tôi hát bài ‘Chiều Tây Đô’ của ông cho trung tâm Asia lúc đó thu hình ở Montreal, Canada,” bà nói.

    Bà hồi tưởng: “‘Chiều Tây Đô’ do Asia chọn cho tôi nhưng khi đọc kỹ lại từng lời thì thấy đó chính là tâm trạng của những người vượt biên nên ‘cảm’ được liền. ‘Ghé hỏi cỏ cây, cỏ cây khóc, gió than van/ Kể từ khi mất quê hương gió ra khơi đưa người vượt biển/ Mẹ chờ thư về ngồi thèm thuồng miếng trầu cay/ Trẻ thơ lang thang vì cơn đói suốt bao ngày…”

    Hình ảnh

    Ca sĩ Tuấn Vũ, người nổi tiếng với nhạc phẩm “Thành Phố Buồn” của Lam Phương. (Hình: Facebook Chanh D. Nguyen – Tuấn Vũ)

    Ca sĩ Tuấn Vũ, ca sĩ của “Thành Phố Buồn” trả lời vội vã trong lúc chờ lên máy bay đi Chicago từ phi trường John Wayne, Santa Ana: “Dĩ nhiên tôi rất buồn vì nhạc sĩ Lam Phương không còn với chúng ta nữa. Trong đời ca hát, tôi đã hát rất nhiều nhạc phẩm của ông, đặc biệt là ‘Thành Phố Buồn.’ Trước 1975 ca sĩ Chế Linh đã rất thành công với nhạc phẩm này và ra hải ngoại, tôi cũng đã rất thành công với ‘Thành Phố Buồn.’”

    Tuấn Vũ chọn hát nhạc Lam Phương vì nhạc dễ nghe và gói ghém nhiều tình cảm.

    Sẵn sàng giúp người khác, nhất là ca sĩ chưa nổi tiếng

    Ca sĩ Đặng Thái Luân, một ca sĩ thể hiện nhạc Lam Phương cũng rất chuẩn mực. “Em vừa đưa bài ‘Khóc Thầm’ của chú Lam Phương lên ‘channel’ trên YouTube của em là ‘Đặng Thế Luân Official’ hôm qua để tưởng nhớ chú. Đây là một ca khúc nói về nỗi xót xa của một sự chia ly.”

    Anh nói: “Em rất ‘thích’ nhạc của chú Lam Phương qua câu ‘Cuộc đời là hư vô/ Bôn ba chi xứ người/ Khi mình còn đôi tay…’ Nói chung thì bản nhạc nào của chú cũng dễ đi vào lòng người nghe.”


    Hình ảnh

    Ca sĩ Đặng Thế Luân: “Chú rất dễ thương, lúc nào cũng cười.” (Hình: Facebook Chanh D. Nguyen – Đặng Thế Luân)

    Như bao nhiêu người đã tiếp xúc với nhạc sĩ Lam Phương, Đặng Thế Luân nhận thấy ông là người dễ thương và hiền lành. “Chú rất dễ thương, lúc nào cũng cười,” Đặng Thế Luân nói. “Và chú luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác, nhất là ca sĩ trẻ, chưa nổi tiếng.”

    Đặng Thế Luân tin rằng anh có duyên với nhạc sĩ Lam Phương. “Sau khi em đoạt giải nhất trong cuộc thi tuyển lựa tài năng mới của trung tâm Asia hồi 2004, trung tâm Bích Thu Vân tổ chức một chương trình có mấy ngàn khán giả và mời em. Em run lắm vì đó là lần đầu tiên em xuất hiện trước đông người như vậy. Không ngờ chương trình đó có chủ đề là nhạc Lam Phương và chú rất thân thiện, cứ ân cần động viên, khuyến khích em phải bình tĩnh,” anh nói. “Em có cảm tình với chú kể từ đó.”

    Nhạc sĩ Lam Phương ra đi ở tuổi 83 lúc 6 giờ chiều Thứ Ba, 22 Tháng Mười Hai, 2020.

    Ông tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh ngày 20 Tháng Ba, 1937, tại làng Vĩnh Thanh Vân, quận Châu Thành, tỉnh Rạch Giá (nay là phường Vĩnh Thanh Vân, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang).

    Bút danh Lam Phương do ông lấy từ hai chữ trong tên thật là Lâm và Phùng với ý nghĩa “hướng về phương trời màu xanh hy vọng.”

    Ngoài những nhạc phẩm in sâu vào lòng người nghe trong suốt hơn nửa thế kỷ, nhạc sĩ Lam Phương còn để lại cho đời nhiều ký ức về lòng tử tế và sự nhân hậu. (Đằng-Giao) [qd]
    Hình ảnh
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 60182
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Re: Nhạc sĩ LAM PHƯƠNG qua đời

    by music123 » Thứ 5 Tháng 12 24, 2020 6:45 pm

    Gia đình nhạc sĩ Lam Phương sẽ làm lễ tang, tưởng niệm ở Mỹ và Việt Nam

    12/24/20


    Theo ông Phạm Quốc Thành - giám đốc Bến Thành Audio Video, đơn vị giữ độc quyền quyền tác giả nhạc Lam Phương tại Việt Nam, gia đình nhạc sĩ Lam Phương sẽ tổ chức lễ tang và lễ tưởng niệm ông tại Mỹ và Việt Nam.

    Hình ảnh

    Nhạc sĩ Lam Phương (1937 - 2020)
    ẢNH: GIA ĐÌNH CUNG CẤP

    Tin nhạc sĩ Lam Phương qua đời tại Mỹ khiến không ít văn nghệ sĩ và người mến mộ ông tiếc thương và bày tỏ, sẻ chia bằng những dòng tiễn biệt trên trang cá nhân của mình.


    Hình ảnh

    Thông tin lễ tang nhạc sĩ Lam Phương
    ẢNH: GIA ĐÌNH CUNG CẤP

    Và như ca sĩ Đức Tuấn, dù biết đó là quy luật của sinh ly tử biệt, nhưng anh vẫn "chưa thể chấp nhận được chú đã qua đời".

    Hình ảnh

    Lời hẹn quay lại Mỹ để tặng đĩa nhạc Đức Tuấn hát tình ca Lam Phương đã không thành...
    ẢNH: NVCC

    Nếu Đức Tuấn từng gặp nhạc sĩ Lam Phương nhiều lần khi lưu diễn tại Mỹ và "2 chú cháu đều là dân miền Tây nên nói chuyện hợp lắm, âm nhạc của chú thì thấm trong máu từ lúc mới sinh ra đời, nên 2 chú cháu thân thiết với nhau như đã được gặp chú từ lâu...", thì với giám đốc Phạm Quốc Thành của Bến Thành Audio Video, qua nhiều năm làm việc cùng nhạc sĩ Lam Phương, anh cũng "thấy tính cách ông rất tình cảm, hiền hòa, thân tình, đông đảo nghệ sĩ trong và ngoài nước đều quý mến, kính trọng".

    Theo ông Thành, nhạc sĩ Lam Phương rất trọng chữ tín. Anh cho biết, nhiều lần Bến Thành Audio Video ngỏ lời mời ông về thăm quê hương, tham dự các đêm nhạc giao lưu gặp gỡ khán thính giả nhưng ông bảo rằng sợ nhận lời rồi lỡ tình hình sức khỏe không cho phép thì lại lỗi hẹn với mọi người, ông không muốn điều này...

    Hình ảnh

    Thành phố buồn là nhạc phẩm nổi tiếng gắn liền với tên tuổi nhạc sĩ Lam Phương; bài hát khiến biết bao trái tim yêu thổn thức khi nghe và tưởng đến mối tình đẹp mà buồn giữa bối cảnh thành phố Đà Lạt lãng đãng khói sương...
    ẢNH: TƯ LIỆU

    "Người nhạc sĩ tài hòa vĩnh viễn rời xa cõi tạm... Trời Đà Lạt mưa ray rứt... thành phố buồn, thật buồn... Tháng 12 năm ngoái, con qua Mỹ đến nhà thăm chú... , khi chia tay, ôm chú con hứa sẽ thăm chú năm sau... Nào ngờ đó lại là lần cuối, chú cháu mình lỗi hẹn rồi... Thành phố nào nhớ không em..., người Đà Lạt mãi nhớ, thương tiếc và ghi ơn chú, chú ơi!", đó là dòng chia sẻ từ anh Vũ Hoàng - nguyên giám đốc Trung tâm Văn hóa Lâm Đồng, khi vừa nghe tin nhạc sĩ Lam Phương qua đời... Trên trang cá nhân của mình, anh Vũ Hoàng cũng cho biết thêm, bản gốc bài Thành phố buồn đã theo anh sang Mỹ và đã được nhạc sĩ đề tặng: "Nhạc sĩ Lam Phương thương tặng Đà Lạt".

    Ca sĩ Đức Tuấn cũng chia sẻ, năm 2019 khi ghé nhà cho nhạc sĩ Lam Phương nghe album mới trong giai đoạn hoàn thiện, 2 chú cháu say sưa và hẹn hè 2020 quay lại để đích thân tặng ông thành phẩm mà cuối cùng bất thành do dịch Covid-19. "Đó sẽ nỗi tiếc nuối rất lớn với Tuấn...", anh bày tỏ.

    Thiên Anh
    Hình ảnh
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 60182
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Re: Nhạc sĩ LAM PHƯƠNG qua đời

    by music123 » Thứ 5 Tháng 12 24, 2020 7:38 pm

    Nhạc sĩ Lam Phương qua đời ở tuổi 83

    12/23/20

    Hình ảnh

    Nhạc sĩ Lam Phương

    Theo nguồn tin của BBC, nhạc sĩ Lam Phương vừa qua đời tại California, Mỹ ở tuổi 83 sau khi quá trình điều trị vì chứng bệnh tim và tai biến mạch máu não trở nặng.

    Tâm sự với BBC News Tiếng Việt vài giờ sau khi nhạc sĩ Lam Phương ra đi, bà Marie Tô từ Trung tâm Thúy Nga bày tỏ: "Đây là một mất mát quá lớn. Buồn hơn là chú mất trong bệnh viện thời Covid-19 nên người nhà không được vào thăm.

    Tuần rồi nghe chú vào bệnh viện, tôi có gọi hỏi thăm em của chú là cô Bảy nhưng được cho biết là không ai vào thăm chú được vì Covid-19".


    Trên trang Facebook của Trung tâm Thúy Nga - Paris By Night viết:

    "Một vì sao sáng trên bầu trời nghệ thuật đã vừa vụt tắt. Một trong những tên tuổi lớn nhất của âm nhạc Việt Nam đã vĩnh viễn ra đi. Nhạc sĩ Lam Phương vừa trút hơi thở cuối cùng vào lúc 6:07 tối ngày 22 tháng 12, 2020 tại thành phố Fountain Valley, California.

    Cuộc đời đầy thăng trầm biến động của người nhạc sĩ tài hoa đã khép lại. Sự ra đi của ông là 1 mất mát to lớn cho nền nghệ thuật Việt Nam. Trung tâm Thuý Nga cùng toàn thể các ca nghệ sĩ xin tri ân nhạc sĩ Lam Phương cho tất cả những đóng góp của ông, và thành kính phân ưu cùng tang quyến. Cầu mong nhạc sĩ yên nghỉ nơi cõi lành
    . "Nắng xuyên qua lá, hạt sương lìa cành Đời mong manh quá, kể chi chuyện mình Nắng buồn cuộc tình, bỗng tắt bình minh..."
    [/i]


    Hồi tháng 8, trong cuộc trò chuyện trực tuyến cùng truyền thông Việt Nam, nhạc sĩ đã bày tỏ nỗi niềm rằng luôn mong ngày trở về nhưng vì sức khoẻ không cho phép nên hy vọng khán giả sẽ thông cảm cho mình. Ông nói:

    "Tôi luôn giữ niềm hy vọng cho đời sống của mình. Dù bệnh nhưng chưa bao giờ ngừng hy vọng, nhất là hy vọng sự trở về Việt Nam gặp khán giả yêu mến âm nhạc Lam Phương".

    Ở tuổi 81, nhạc sĩ Lam Phương còn mắc nhiều bệnh trong người. Ông đã bị tai biến suốt 19 năm qua.

    Nhạc sĩ Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng. Ông sinh ngày 20 tháng 3 năm 1937 tại làng Vĩnh Thanh Văn, Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang và là anh cả trong một gia đình gồm 6 người con. Trong số có 2 người em gái ở Việt Nam mà một người đã qua đời vì bệnh tiểu đường.

    Năm 15 tuổi, ông đã viết ca khúc đầu tay Chiều thu ấy, sau đó đến Kiếp nghèo được nhiều người yêu mến. Ba năm sau, ông viết hàng loạt bài về quê hương, nổi tiếng nhất là Khúc ca ngày mùa. Album nhạc Lam Phương được nhiều ca sĩ chọn phát hành như: Hương Lan, Bạch Yến, Lưu Hồng, Họa Mi, Ý Lan, Hạ Vy, Ngọc Anh, Lệ Quyên...

    Năm 1975, sau vài tháng ở trại tỵ nạn, gia đình nhạc sĩ Lam Phương được bảo trợ về định cư tại thành phố Virginia Beach, trước khi dọn về Falls Church, tiểu bang Virginia. Năm sau gia đình ông lại dời về thành phố Dallas và kế đến là Houston. Thời gian này, cố nhạc sĩ đã phải làm đủ thứ nghề, từ lau sàn nhà, dọn dẹp cho hãng Sears, đến những việc nặng nhọc như thợ mài, thợ tiện.

    Đến năm 1981, ông đổ vỡ với người vợ đầu là nữ kịch sĩ Túy Hồng. Sau đó, ông quyết định sang Pháp cùng với cô em út ở Paris.

    Thời gian sống ở Paris chính là thời gian sáng tác dồi dào nhất của ông với khoảng trên 100 nhạc phẩm trong tổng số 200 nhạc phẩm trải dài suốt cuộc đời âm nhạc của ông.

    Hình ảnh

    Nhạc sĩ Lam Phương hồi năm 2015

    Theo các nhà đánh giá, Pháp đã ảnh hưởng sâu xa đến dòng nhạc của Lam Phương, mối tình Paris với cô Cẩm Hường cũng khiến ông cho ra đời nhiều tình khúc làm say lòng khán giả như: Tình bơ vơ, Cho em quên tuổi ngọc, Lầm, Buồn, Say, Mơ, Hạnh phúc mang theo, Ngày tạm biệt, Bài tango cho em hay Mùa thu yêu đương...

    Đến năm 1995, ông trở về Mỹ và sống tại tiểu bang California cho đến khi ra đi.

    Từ năm 1996 đến 1998, ông cộng tác với các trung tâm âm nhạc người Việt tại Mỹ, Pháp và đi lưu diễn ở nhiều nước châu Âu. Năm 2016, ông cùng đoàn nghệ sĩ hải ngoại thực hiện hiện chương trình Tình ca Lam Phương tại Singapore.

    Nhìn lại sự nghiệp của cố nhạc sĩ, có thể thấy những năm cuối của thập niên 60, tuổi Lam Phương nổi như cồn.

    Tùng Phong, từ Sài Gòn hồi tháng 8 gửi cho BBC đã viết: "Những bài hát của Lam Phương ở giai đoạn đỉnh cao trong sáng tác của âm nhạc thập niên 60, có một đặc điểm chung là buồn nhưng rất đẹp, buồn một cách sang trọng. Chính vì thế mà ngày từ khi đó người ta đã khó xếp âm nhạc của ông vào dòng nhạc trong những dòng thịnh hành thời đó.

    Sau này, ông mở rộng phong cách sáng tác, có nhiều bài hát vui tươi - như thời gian ông hạnh phúc với cuộc tình mới ở Paris thập niên 80, nhưng cũng vẫn không thiếu những bài buồn-mà-đẹp, chẳng hạn một trong những bài hay nhất của ông giai đoạn sau này - Một Mình. Nhưng dù ở giai đoạn nào, với phong cách nào, thì hầu hết các bài hát của Lam Phương đều là câu chuyện về những cuộc tình dang dở, những mối tình của chính ông, với những bóng hồng đã trở thành huyền thoại."


    Trang Facebook của Thúy Nga viết về cố nhạc sĩ: "Ông là một trong những người tiên phong của tân nhạc miền Nam với gia tài sáng tác gồm hơn 200 tác phẩm trải rộng trong nhiều đề tài như thân phận con người, thăng trầm đổi thay của mệnh nước, ca ngợi quê hương, tình mẫu tử, tình lính và tình yêu.

    Nổi danh từ năm 17 tuổi với 2 sáng tác Chuyến Đò Vĩ Tuyến và sau đó là Kiếp Nghèo, Lam Phương là 1 trong những tác giả có sức ảnh hưởng và được yêu mến nhất với vô số những tác phẩm nổi tiếng như Thành Phố Buồn, Duyên Kiếp, Tình Bơ Vơ, Đèn Khuya, Nắng Đẹp Miền Nam, Khúc Ca Ngày Mùa, Tình Anh Lính Chiến, Đoàn Người Lữ Thứ, Biển Tình, Lầm, Say, Bài Tango Cho Em, Mùa Thu Yêu Đương, Tình Vẫn Chưa Yên..."

    BBC
    Hình ảnh
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 60182
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Re: Nhạc sĩ LAM PHƯƠNG qua đời

    by music123 » Thứ 5 Tháng 12 24, 2020 7:45 pm

    Trọn một kiếp yêu: Đĩa nhạc Lam Phương ‘quen thuộc và mới mẻ’

    12/24/20

    Tùng Phong
    Viết từ Sài Gòn



    Hình ảnh

    Album Trọn một kiếp yêu

    Trong dòng chảy âm nhạc đại chúng Việt Nam, nhạc sĩ Lam Phương có một vị trí đặc biệt. Âm nhạc của ông "phủ sóng" suốt hơn 5 thập kỷ qua, với những ca khúc trở thành tiêu biểu, thành kinh điển trong dòng nhạc trữ tình, góp phần làm nên tên tuổi của nhiều danh ca, và luôn nằm trong danh sách những ca khúc được biểu diễn, được thu âm nhiều nhất từ trong nước tới hải ngoại.

    Sự phong phú trong âm nhạc Lam Phương, từ những ca khúc lãng mạn mang màu sắc tiền chiến, tới những bản nhạc tình kiểu thính phòng, những bài bolero phổ thông tới những ca khúc tươi trẻ rộn ràng thời thập niên 80, 90… đã mang lại cơ hội trình diễn cho nhiều ca sĩ thuộc những thế hệ và cả những trường phái rất khác nhau trong nhạc Việt.


    Xin được lướt qua vài dòng về đặc trưng âm nhạc của Lam Phương để thấy rằng với sự phổ biến như thế, việc tiếp cận những bài hát của ông vừa dễ vừa khó đối với các ca sĩ ngày hôm nay.

    Dễ vì ai cũng có thể hát, và chỉ cần hát theo cách mà bao năm qua mọi người đã hát, là đã có thể được khán giả chấp nhận. Bởi dấu ấn các danh ca trên mỗi bài hát Lam Phương là rất lớn, thậm chí việc hát giống hệt các phiên bản cũ còn có thể là niềm tự hào của nhiều ca sĩ trẻ hôm nay.

    Nhưng cái khó nhất là từ những điều rất quen thuộc ấy, từ những bài hát dường như đã được khai thác kiệt cùng với đủ mọi phong cách, trường phái, từ truyền thống nhất, đến phá cách nhất, thì làm sao có thể tạo được dấu ấn cá nhân của mình lên đó, trong khi vẫn phải đảm bảo được điều quan trọng nhất: Được khán giả chấp nhận, và không phá vỡ tinh thần âm nhạc của nhạc sĩ Lam Phương.

    Và cái khó đó chính là điều mà Đức Tuấn đã lựa chọn cho chuyến phiêu lưu âm nhạc mới nhất này của mình, một cuộc phiêu lưu không phải tới miền đất xa lạ, mà ở ngay nơi chốn thân quen của mình. Gọi là cuộc phiêu lưu bởi ngay giữa những gì tưởng như rất quen thuộc, chúng ta vẫn có thể ngỡ ngàng phát hiện những điều mới lạ mình chưa từng biết tới. Đó cũng là cảm giác mà Đức Tuấn muốn mang lại cho những khán giả sẽ nghe album hát nhạc Lam Phương này: Mọi người sẽ được nghe những bài hát rất quen thuộc, và cũng được thực hiện không phải để thách đố tai nghe, nhưng khi nghe sẽ cảm thấy bất ngờ như thể có một sự tái sinh trong âm nhạc, những bài hát xuất hiện trong một dáng vẻ mới mẻ đến ngỡ ngàng.

    Hình ảnh

    Đức Tuấn đã lựa chọn cho chuyến phiêu lưu âm nhạc mới nhất

    Và cộng sự của Đức Tuấn trong lần phiêu lưu này, chính là người đã cùng anh thực hiện album Đức Tuấn Hát Tình Ca Phạm Duy trước đây - Nhạc sĩ Đức Trí. Một album đã xác lập vị trí cho Đức Tuấn như một gương mặt hàng đầu trong thế hệ ca sĩ mới biểu diễn âm nhạc Phạm Duy; và cũng chính nhạc sĩ Phạm Duy đã chia sẻ rằng với cách hoà âm phối khí mới mẻ như Đức Trí đã làm, album đó trở thành một chuẩn mực cho sự trở lại của âm nhạc Phạm Duy với khán giả hôm nay.

    Những bài hát của Lam Phương ở giai đoạn đỉnh cao trong sáng tác của âm nhạc thập niên 60, có một đặc điểm chung là buồn nhưng rất đẹp, buồn một cách sang trọng. Chính vì thế mà ngày từ khi đó người ta đã khó xếp âm nhạc của ông vào dòng nhạc trong những dòng thịnh hành thời đó. Sau này, ông mở rộng phong cách sáng tác, có nhiều bài hát vui tươi - như thời gian ông hạnh phúc với cuộc tình mới ở Paris thập niên 80, nhưng cũng vẫn không thiếu những bài buồn-mà-đẹp, chẳng hạn một trong những bài hay nhất của ông giai đoạn sau này - Một Mình. Nhưng dù ở giai đoạn nào, với phong cách nào, thì hầu hết các bài hát của Lam Phương đều là câu chuyện về những cuộc tình dang dở, những mối tình của chính ông, với những bóng hồng đã trở thành huyền thoại. Và đó cũng là ý tưởng cho chủ đề của album TRỌN MỘT KIẾP YÊU.

    Trong album này, nhạc sĩ Đức Trí đã chọn một màu sắc âm nhạc đặc trưng là đẹp, cho dù bài hát có buồn bã cỡ nào, thì âm nhạc vẫn vang lên đẹp mộng mị, với những câu nhạc mở đầu được soạn rất công phu, và sau đó là phần nhạc nền chăm chút cho từng câu hát. Sự kết hợp màu sắc âm nhạc cổ điển với những giai điệu đã quá quen thuộc mang lại một cảm giác dễ chịu đầu tiên cho người nghe, để khán giả có thể cảm thấy không quá bỡ ngỡ, và sau đó sẽ được đưa vào một không gian âm nhạc rộng lớn hơn, với những đổi thay khá bất ngờ.

    Một thí dụ đặc sắc trong album này là ca khúc Duyên Kiếp, được Đức Tuấn hát cùng ca sĩ Ngọc Khuê. Bình thường mọi người đã khó nghĩ ra một giọng hát như Đức Tuấn có thể hợp với bài hát này, nhất là lại thêm một giọng hát đặc biệt như Ngọc Khuê. Nhưng một công thức rất khác lạ đã biến bài hát này thành một bản nhạc fusion vô cùng đặc sắc để ca khúc có thể vừa vặn với 2 tiếng hát rất tương phản nhau này. Chưa từng khi nào bài Duyên Kiếp, một trong những bài được hát nhiều nhất của Lam Phương, được làm lại khác biệt, thú vị như với phiên bản lần này.

    Một bản song ca khác trong album được Đức Tuấn hát cùng ca sĩ Hồng Nhung, với ca khúc kinh điển Cho Em Quên Tuổi Ngọc, được đặt trong không gian âm nhạc bán cổ điển tuyệt đẹp, với những âm thanh và giai điệu du dương để tôn lên những hoài niệm đẹp đẽ về một cuộc tình đã qua, và làm dịu nỗi đau những mất mát trong cuộc tình ấy. Sau màn song ca thành công rực rỡ trong liveshow Paradiso gần 10 năm trước với ca khúc Music Of The Night, bài hát lần này sẽ là một dấu mốc đáng nhớ cho Đức Tuấn và Hồng Nhung.

    Ngay cả nhạc sĩ hoà âm cho album - Đức Trí - cũng góp giọng song ca cùng Đức Tuấn trong một ca khúc, bài Ngày Tạm Biệt. Đã rất lâu rồi, khán giả mới lại được nghe Đức Trí tham gia thu âm ca khúc, dù trước đây anh từng là giọng hát chính của một số ban nhạc trong giao đoạn sôi nổi của nhạc trẻ Sài Gòn đầu thập niên 90.

    Bên cạnh những bài hát rất quen thuộc như Thành Phố Buồn, Một Mình, Chờ Người, Kiếp Nghèo, Duyên Kiếp… trong album có những bài ít phổ biến hơn như Một Đời Tan Vỡ, Ngày Tạm Biệt, nhưng chính vẻ đẹp tổng thể của âm nhạc đã tôn những bài hát ấy lên ngang hàng với những tuyệt phẩm đã khẳng định được vị trí trong lòng khán giả.

    Hình ảnh

    Một đầm sen ở Hà Nội

    Với album này, Đức Tuấn đã chọn một cách hát "trung tính", nhẹ nhàng, không kịch tính như đã rất quen thuộc với khán giả trước đây. Cũng chính với cách hát này mà những âm sắc đẹp trong tiếng hát Đức Tuấn đến với khán giả dễ dàng hơn - điều mà trước đây thường ít nhiều do lối hát kịch tính của anh mà khán giả cần nhiều thời gian hơn để có thể cảm được.

    Vì hát như thế, trên một nền hoà âm đẹp du dương, nên tổng thể album mang lại một cảm giác dễ chịu, không có những nức nở sầu bi, bởi ngay cả những bài hát buồn nhất trong album là Chờ Người và Thành Phố Buồn cũng trở nên đẹp khác thường, cũng không có kịch tính tuôn trào, bởi ngay cả bài hát "dữ dội" nhất trong album là Duyên Kiếp cũng đã được "pha trộn" rất tài tình để vang lên vô cùng mới mẻ nhưng vẫn rất "quen". Bài Thành Phố Buồn có thể coi là một tác phẩm trữ tình kinh điển, dù được hát bằng điệu slow rock vốn có hay chuyển qua bolero, thì lần này, đã được phủ lên một lớp sắc màu bán cổ điển du dương, mang tinh thần retro (hồi cố) đặc trưng kiểu thập niên 70 - 80 rất hấp dẫn. Còn bài hát khác cũng rất quen thuộc là Một Mình lại mang tính thính phòng, để ca sĩ có thể hát theo cách tự sự, đúng tinh thần "một mình".

    Album TRỌN MỘT KIẾP YÊU được thực hiện mastering tại Mỹ, với bàn tay của kỹ sư âm thanh nổi tiếng Steven Fallone, người từng thắng nhiều giải thưởng lớn với nhiều album thành công rực rỡ, trong đó có album Golden Hour của Kacey Musgraves (thắng giải Album của năm tại giải thưởng Grammys 2019).

    Với album này, Đức Tuấn một lần nữa khẳng định sự kiên định của anh trong việc khai thác vốn quý ca khúc Việt Nam qua nhiều thời kỳ, với những tác giả nổi bật, đem lại sức sống mới, dáng vẻ mới cho những tác phẩm kinh điển. Tiếp nối mạch album Tác giả - Tác phẩm với những dấu ấn quan trọng đã ghi được qua các album nhạc Phạm Duy, Văn Cao, Từ Công Phụng, Trần Thiện Thanh, Phú Quang, Dương Thụ, Quốc Bảo… lần này, với những tình khúc Lam Phương, Đức Tuấn tiếp tục cho thấy năng lượng dồi dào với những khao khát sáng tạo chảy bỏng để tôn lên những giá trị đích thực trong nền âm nhạc Việt Nam.

    BBC

    Đức Tuấn - Biển Tình (Official Audio)

    Hình ảnh
Đăng trả lời 72 bài viết

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 45 khách