Quốc hội Iran thông qua việc đóng cửa Eo biển Hormuz - Giới chức Mỹ kêu gọi nối lại đàm phán hạt nhân với Iran
Chủ Nhật, 22/06/2025
Kênh Press TV của Iran ngày 22/6 đưa tin Quốc hội nước này đã phê chuẩn việc đóng cửa Eo biển Hormuz và Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc có đóng Eo biển Hormuz hay không.
Quốc hội Iran thông qua việc đóng cửa Eo biển Hormuz - Giới chức Mỹ kêu gọi nối lại đàm phán hạt nhân với Iran
Chủ Nhật, 22/06/2025
|
Kênh Press TV của Iran ngày 22/6 đưa tin Quốc hội nước này đã phê chuẩn việc đóng cửa Eo biển Hormuz và Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc có đóng Eo biển Hormuz hay không.
Tàu chở dầu tại Eo biển Hormuz ở ngoài khơi vùng biển Khasab (Oman). Ảnh: AFP/TTXVN
Mặc dù chưa có quyết định cuối cùng về việc đóng cửa Eo biển Hormuz, song nghị sĩ và cũng là một chỉ huy trong Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), đồng thời là một nghị sĩ trong Quốc hội Iran, ông Esmail Kosari cho biết việc đóng cửa eo biển này đã được đưa vào chương trình nghị sự và “sẽ được thực hiện khi cần thiết”.
Theo hãng vận tải biển Maersk của Đan Mạch, ngày 22/6, các tàu của hãng vẫn tiếp tục di chuyển qua Eo biển Hormuz, song khẳng định sẵn sàng đánh giá lại hoạt động tại khu vực này, sau các cuộc không kích của Mỹ nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran. Thông báo của công ty này nêu rõ: “Chúng tôi sẽ liên tục theo dõi mức độ rủi ro an ninh đối với từng tàu trong khu vực và sẵn sàng triển khai các biện pháp vận hành cần thiết”.
Eo biển Hormuz là tuyến hàng hải chiến lược, nơi vận chuyển khoảng 20% sản lượng dầu toàn cầu mỗi ngày. Việc đóng cửa eo biển này được cho là sẽ tác động lớn đến thị trường năng lượng thế giới.
Cùng ngày, giới chức Mỹ đã lên tiếng khẳng định Washington mong muốn nối lại đàm phán nhằm tìm ra giải pháp lâu dài đối với chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran.
Trả lời phỏng vấn đài NBC News của Mỹ, Phó Tổng thống nước này J.D. Vance cho biết: “Chúng muốn chấm dứt chương trình hạt nhân của họ (Iran)... Chúng tôi muốn đàm phán với Iran về một giải pháp lâu dài".
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth kêu gọi ban lãnh đạo Iran lựa chọn con đường hòa bình nhằm tránh nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công tiếp theo.
Phát biểu trong cuộc họp báo tại Lầu Năm Góc ngày 22/6, Bộ trưởng Hegseth cho biết chiến dịch không kích do Tổng thống Donald Trump phê chuẩn đã “phá hủy” chương trình hạt nhân của Iran, khẳng định hoạt động quân sự của Mỹ “không nhắm vào binh sĩ hoặc người dân Iran” cũng như không nhằm “thay đổi chế độ” ở Iran. Người đứng đầu Lầu Năm Góc nêu rõ: “Tổng thống (Mỹ) đã cho phép tiến hành một hoạt động chính xác để vô hiệu hóa các mối đe dọa đối với lợi ích quốc gia của chúng tôi do chương trình hạt nhân Iran gây ra, cũng như quyền tự vệ tập thể của quân đội chúng tôi và đồng minh Israel".
Từ thủ đô Paris, Văn phòng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông Macron đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian. Trong cuộc điện đàm vào ngày 22/6 này, Tổng thống Macron kêu gọi Tehran kiềm chế và sớm quay lại bàn đàm phán.
Nguyễn Hà (TTXVN)
Ông Trump kêu gọi Quốc hội thông qua "Dự luật Tuyệt vời – To lớn – Tuyệt đẹp"
Trong bối cảnh dư luận đang tập trung vào các cuộc không kích của Mỹ nhằm vào các cơ sở hạt nhân Iran, Tổng thống Donald Trump đã kêu gọi Quốc hội sớm thông qua dự luật kinh tế chủ chốt của ông – được ông gọi là "Great, Big, Beautiful Bill" (Tạm dịch: Dự luật Tuyệt vời – To lớn – Tuyệt đẹp)
"Đảng Cộng hòa đang đoàn kết mạnh mẽ, có lẽ là chưa từng có trước đây. Giờ là lúc để hoàn tất Dự luật Tuyệt vời – To lớn – Tuyệt đẹp. Đất nước chúng ta đang tiến rất tốt. MAGA!" – ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social.
Đây là phát ngôn đầu tiên trong ngày 22/6 (giờ ET) của ông Trump trên nền tảng mạng xã hội do chính ông sáng lập, sau chiến dịch không kích lớn vào các địa điểm hạt nhân chiến lược tại Iran.
Mỹ nâng cấp độ bảo vệ lực lượng ở Trung Đông, hàng loạt tàu nhận cảnh báo
Trước nguy cơ Iran trả đũa sau cuộc không kích nhằm vào các cơ sở hạt nhân, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth cho biết các tướng lĩnh quân đội đã ra lệnh nâng mức bảo vệ lực lượng trên khắp Trung Đông, đặc biệt là tại Iraq, Syria và khu vực Vịnh Ba Tư.
"Lực lượng của chúng ta đang ở mức cảnh báo cao và sẵn sàng đáp trả bất kỳ hành động trả đũa nào từ Iran hoặc các nhóm ủy nhiệm. Đó sẽ là một lựa chọn cực kỳ sai lầm nếu họ thực hiện" - ông Hegseth cảnh báo trong cuộc họp báo.
Cập nhật: Iran bắt đầu hành động, 1.000 tàu đồng loạt gặp sự cố - Mỹ khẩn cấp gửi thông điệp bí mật tới Tehran - Ảnh 1.
Mỹ tăng cường bảo vệ lực lượng ở Trung Đông trước nguy cơ trả đũa. Ảnh: Defense News
Trong khi đó, một trung tâm hàng hải tại Trung Đông, do Hải quân Mỹ giám sát, cũng phát cảnh báo nguy cơ "cao" đối với các tàu thuyền có liên quan đến Mỹ tại Hồng Hải và Vịnh Aden.
"Nguy cơ đối với tàu thương mại liên quan đến Mỹ tại Hồng Hải và Vịnh Aden hiện được đánh giá ở mức CAO" - Trung tâm Thông tin Hàng hải Liên hợp (Joint Maritime Information Center) nêu trong khuyến cáo gửi tới các hãng vận tải.
Nguyên nhân là do cuộc tấn công của Mỹ vào cơ sở hạt nhân Iran, cùng với tuyên bố đe dọa từ phiến quân Houthi ở Yemen. Nhóm này tuyên bố sẽ coi các tàu có liên hệ với Mỹ là mục tiêu nếu Washington can thiệp quân sự vào Iran.
Mỹ ra lệnh sơ tán một phần nhân sự khỏi Lebanon
Theo đài Aljazeera, Bộ Ngoại giao Mỹ vừa ban hành lệnh sơ tán đối với thân nhân và các nhân viên không thiết yếu của chính phủ tại Lebanon, viện dẫn tình hình an ninh bất ổn trong khu vực. Thông báo được gửi qua email tới công dân Mỹ đang sinh sống tại quốc gia Trung Đông này.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng tại khu vực ngày càng gia tăng sau các đòn không kích liên tiếp giữa Israel và các nhóm vũ trang thân Iran, làm dấy lên lo ngại Lebanon có thể trở thành điểm nóng kế tiếp trong cuộc xung đột.
Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ yêu cầu sơ tán nhân sự khỏi Lebanon. Năm ngoái, lệnh tương tự cũng từng được ban hành trong thời gian Israel tiến hành chiến dịch quân sự quy mô lớn nhằm vào lãnh thổ Lebanon. Tuy nhiên, sau đó lệnh đã được gỡ bỏ khi tình hình tạm lắng.
Israel oanh tạc thành phố cảng chiến lược của Iran giữa tình hình nóng
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) vừa xác nhận họ đã tiến hành cuộc không kích nhằm vào thành phố Bushehr – nơi đặt nhà máy điện hạt nhân duy nhất đang hoạt động của Iran.
Trong tuyên bố chính thức, IDF không đề cập đến việc nhắm vào nhà máy hạt nhân, song cho biết đã tấn công các bệ phóng tên lửa tại các thành phố Isfahan, Ahvaz và Bushehr.
Đáng chú ý, quân đội Israel tuyên bố đã lần đầu tiên phá hủy một cơ sở chiến lược tại thành phố Yazd. Theo Tel Aviv, đây là điểm xuất phát của hơn 60 quả tên lửa từng bắn sang lãnh thổ Israel trong thời gian qua.
Bushehr nằm ở vùng ven Vịnh Ba Tư, gần nhiều thủ đô của các quốc gia vùng Vịnh, và là một trong những thành phố trọng yếu của Iran cả về quân sự lẫn năng lượng.
Ảnh minh họa. Nguồn: Atalayar
Hơn 500 nhân viên rút khỏi phái bộ ngoại giao Mỹ tại Iraq
Theo nguồn tin của CNN, tính đến hiện tại, hơn 500 nhân viên và nhà thầu đã rút khỏi phái bộ ngoại giao Mỹ tại Iraq.
Tuy nhiên, phía Mỹ khẳng định kế hoạch rút người này đã được chuẩn bị từ trước, không phải là phản ứng trực tiếp sau các cuộc không kích của Mỹ vào Iran.
Trước đó, một số nguồn tin cho biết, Mỹ rút nhân viên khỏi phái bộ ngoại giao để phòng trừ các động thái trả đũa của Iran.
Song, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận rằng "một số nhân sự bổ sung" đã rời Iraq như một phần trong nỗ lực "tinh gọn hoạt động".
"Việc rút người này là sự tiếp nối của quá trình đã bắt đầu từ ngày 12/6" - thời điểm Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad áp dụng lệnh rút nhân sự bắt buộc vì lý do "phòng ngừa cao độ" trước căng thẳng leo thang trong khu vực.
Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định: "Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán tại Iraq vẫn tiếp tục mở cửa và hoạt động bình thường".
Mỹ tuyên bố không muốn chiến tranh, Iran "không thể chơi đòn tâm lý với ông Trump"
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio phát biểu trên kênh Fox News, khẳng định rằng Washington “không tìm kiếm một cuộc chiến với Iran.” Ông nhấn mạnh: “Thế giới hiện an toàn và ổn định hơn so với 24 giờ trước,” đồng thời cảnh báo rằng nếu Tehran trả đũa, “đó sẽ là sai lầm tồi tệ nhất mà họ từng mắc phải.”
Ông Rubio cũng khẳng định rằng mục tiêu của Mỹ không phải là thay đổi chế độ tại Iran, đồng thời nhấn mạnh rằng “Iran sẽ không thể chơi đòn tâm lý với ông [Donald] Trump.”
Trong vai trò kép là cố vấn an ninh quốc gia, Ngoại trưởng Rubio cho biết Mỹ sẵn sàng đối thoại với Iran, và lời mời đàm phán vẫn đang được mở.
Gây nhiễu diện rộng tại Hormuz, hơn 1.000 tàu gặp sự cố
Không lâu sau tuyên bố của IRGC, eo biển Hormuz – tuyến vận tải huyết mạch của ngành dầu mỏ toàn cầu – đã trở thành tâm điểm của chiến dịch gây nhiễu GPS quy mô lớn, khiến hơn 1.000 tàu thương mại gặp sự cố định vị.
Avia.Pro dẫn thông tin từ Tổ chức Thương mại Hàng hải Vương quốc Anh (UKMTO), hệ thống định danh tự động (AIS) của các tàu bắt đầu hiển thị tọa độ sai lệch nghiêm trọng, cho thấy nhiều tàu "đột ngột xuất hiện" ở cảng Iran, sa mạc Oman và thậm chí gần Dubai – gây hỗn loạn trong hoạt động hàng hải.
Đặc biệt nghiêm trọng, 27 tàu chở dầu siêu lớn (VLCC) đang vận chuyển hàng triệu thùng dầu từ Saudi Arabia và UAE tới châu Á và châu Âu nằm trong số các phương tiện bị ảnh hưởng
Các chuyên gia an ninh biển cho rằng Iran đứng sau chiến dịch gây nhiễu, diễn ra chỉ vài giờ sau khi Mỹ không kích các cơ sở hạt nhân Fordow, Natanz và Isfahan của Tehran.
Theo hãng tin Reuters, lực lượng Iran đang sử dụng các trạm gây nhiễu mặt đất dọc bờ biển Vịnh Ba Tư để làm nhiễu tín hiệu GPS và AIS, buộc các tàu phải chuyển sang phương thức định vị thay thế.
Ảnh minh họa. Nguồn: Avia.Pro
Iran tuyên bố phong tỏa eo biển Hormuz
The Avia.Pro, tư lệnh lực lượng hải quân thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), ông Alireza Tangsiri, tuyên bố eo biển Hormuz sẽ bị phong tỏa "trong vòng vài giờ" nhằm đáp trả các cuộc tấn công quân sự gần đây của Mỹ và Israel.
Tuyên bố được xem là mối đe dọa trực tiếp đối với một trong những tuyến vận chuyển dầu mỏ trọng yếu nhất thế giới – nơi chiếm khoảng 20% sản lượng dầu toàn cầu đi qua mỗi ngày.
Ông Tangsiri nhấn mạnh rằng Iran sẽ sử dụng tàu cao tốc tấn công và tên lửa chống hạm để thực hiện kế hoạch phong tỏa, đồng thời tiết lộ rằng IRGC đã tiến hành các cuộc tập trận mô phỏng gài mìn và tấn công tàu lớn bằng máy bay không người lái gần khu vực. Theo hãng tin Mehr của Iran, lực lượng này cũng đang cân nhắc sử dụng tên lửa Khalij Fars, với tầm bắn lên tới 300 km.
Mỹ gửi thông điệp công khai và bí mật tới Iran sau đợt không kích
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang thúc đẩy mạnh nỗ lực ngoại giao với Iran sau loạt không kích nhắm vào các cơ sở hạt nhân của Tehran. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth xác nhận, cả thông điệp công khai lẫn bí mật đã được Washington gửi tới giới lãnh đạo Iran qua nhiều kênh khác nhau.
"Chúng tôi đang trao cho Iran mọi cơ hội để quay lại bàn đàm phán" - ông Hegseth tuyên bố tại cuộc họp báo tại Lầu Năm Góc. "Họ hiểu rõ lập trường của Mỹ và biết chính xác những bước cần thực hiện để tiến tới hòa bình. Chúng tôi hy vọng họ sẽ hành động đúng hướng."

Ảnh: Crisis Group
Theo các nguồn tin của CNN, Tổng thống Trump đưa ra quyết định tấn công sau khi quá trình đàm phán bị đình trệ.
Từ tháng 4 đến nay, Mỹ và Iran đã trải qua 5 vòng đàm phán hạt nhân do đặc phái viên Steve Witkoff chủ trì. Tuy nhiên, vòng đàm phán thứ 6 dự kiến diễn ra vào tuần trước đã bị hủy bỏ sau loạt tấn công bất ngờ của Israel vào các mục tiêu hạt nhân và quân sự của Iran.
Nhà Trắng cho biết, dù căng thẳng leo thang, Washington vẫn duy trì các kênh liên lạc với Tehran trong tuần vừa qua.
IRGC tuyên bố sẽ khiến Mỹ "hối tiếc sâu sắc"
Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tuyên bố, Tehran có quyền tự vệ bằng "những hành động vượt ngoài dự đoán của Washington".
"Hành động hôm nay của Washington đã trao cho Cộng hòa Hồi giáo Iran quyền hợp pháp để tự vệ – kể cả bằng những phương án vượt xa tính toán ảo tưởng của liên minh (Mỹ-Israel)" tuyên bố của IRGC nhấn mạnh.
"IRGC hoàn toàn nhận thức rõ bản chất của cuộc chiến hỗn hợp toàn diện hiện nay và sẽ không bị lung lay bởi những tuyên bố từ ông Trump hay các nhóm cầm quyền ở Washington và Tel Aviv" - IRGC nhấn mạnh.
Kết thúc thông điệp, IRGC cảnh báo, Mỹ và Israel "nên chuẩn bị tinh thần đón nhận các đòn đáp trả khiến họ phải hối tiếc sâu sắc".
Mỹ ban hành thông báo khẩn trước nguy cơ Iran trả đũa
Cập nhật vào lúc 18h50 tối nay (theo giờ Việt Nam), CNN cho biết , giới chức liên bang Mỹ cùng nhiều bang và thành phố lớn đã đồng loạt siết chặt an ninh và giám sát các nguy cơ tiềm ẩn, sau khi quân đội Mỹ tiến hành không kích nhằm vào các cơ sở hạt nhân trọng yếu của Iran.
Phó Giám đốc FBI Dan Bongino tuyên bố trên nền tảng mạng xã hội X: “Toàn bộ lực lượng đã được triển khai. Chúng tôi luôn trong trạng thái cảnh giác. Cầu Chúa phù hộ nước Mỹ và những người đang bảo vệ tổ quốc.”
Bộ trưởng An ninh Nội địa Kristi Noem khẳng định: “Chúng tôi sẽ không ngừng nỗ lực để bảo vệ lãnh thổ và người dân Mỹ.”
Cảnh sát Mỹ được huy động tăng cường an ninh ở New York. Ảnh: Benefitnews24
Tại cấp địa phương, các cơ quan thực thi pháp luật cũng được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ. Cảnh sát New York thông báo sẽ tăng cường hiện diện tại các địa điểm tôn giáo, văn hóa và cơ sở ngoại giao trên khắp thành phố, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên bang để theo dõi diễn biến tình hình.
Thị trưởng Los Angeles Karen Bass cho biết, lực lượng cảnh sát thành phố đã triển khai thêm các đợt tuần tra tại khu vực có nguy cơ cao, bao gồm các nơi thờ tự và cộng đồng người Hồi giáo. “Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì sự cảnh giác để đảm bảo an toàn cho cư dân,” bà nhấn mạnh.
Tại thủ đô Washington, cảnh sát thành phố đã tăng cường tuần tra quanh các cơ sở tôn giáo, trong khi Thị trưởng Muriel Bowser kêu gọi người dân hợp tác và duy trì cảnh giác. “Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tình báo và diễn biến toàn cầu,” bà nói.
Ngoài ra, giới chức tại các bang New Jersey, Texas, Illinois và một số bang khác cũng đã ban hành thông báo khẩn, nâng mức cảnh báo và triển khai thêm các biện pháp phòng ngừa để ứng phó với mọi tình huống phát sinh sau các cuộc tấn công của Mỹ tại Trung Đông.
Iran sơ tán quy mô lớn người dân gần 3 cơ sở hạt nhân
Theo truyền thông nhà nước Iran, chiến dịch sơ tán quy mô lớn đã bắt đầu tại các khu vực gần ba cơ sở hạt nhân Fordow, Natanz và Isfahan — những nơi vừa bị không quân Mỹ tấn công. Động thái này được thực hiện do lo ngại về các cuộc tấn công tiếp theo và nhằm đảm bảo an toàn cho dân thường.

Ảnh: Avia.Pro
Theo chính quyền địa phương, hàng chục nghìn người sinh sống gần các khu tổ hợp hạt nhân đã phải sơ tán. Tại tỉnh Qom, nơi đặt cơ sở hạt nhân ngầm Fordow, người dân từ các làng xã xung quanh đã được di dời đến các khu trú ẩn tạm thời.
Tại Natanz và Isfahan – hai trung tâm quan trọng trong chương trình hạt nhân của Iran – chính quyền đã bố trí phương tiện vận chuyển để đưa người dân đến những khu vực an toàn hơn.
Giới chức Iran tuyên bố các cơ sở hạt nhân không bị hư hại nghiêm trọng, và uranium làm giàu đã được di dời từ trước, loại bỏ nguy cơ rò rỉ phóng xạ. Tuy nhiên, các chuyên gia độc lập vẫn bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng môi trường, do tính chất phá hoại mạnh của các đòn tấn công.
Ông Trump: "Sẽ đáp trả bằng sức mạnh vượt xa nếu bị tấn công"
Sau bài phát biểu trước toàn quốc, Tổng thống Donald Trump tiếp tục đăng tải thông điệp mạnh mẽ trên mạng xã hội, cảnh báo Iran rằng bất kỳ hành động trả đũa nào cũng sẽ vấp phải cuộc tấn công dữ dội hơn nhiều.
"BẤT KỲ HÀNH ĐỘNG TRẢ ĐŨA NÀO CỦA IRAN CHỐNG LẠI NƯỚC MỸ SẼ PHẢI CHỊU SỨC MẠNH VƯỢT XA NHỮNG GÌ ĐÃ THẤY TỐI NAY" - ông Trump viết trên Truth Social.
Thông điệp này cho thấy chính quyền Trump sẵn sàng leo thang nếu bị khiêu khích, đồng thời củng cố lập trường lâu nay của ông rằng một Iran sở hữu vũ khí hạt nhân là điều "không thể chấp nhận."
Minh Nhật (Theo CNN, NYT) | 22/06/2025