Năng lực sản xuất quy mô lớn, giá rẻ giúp Ấn Độ trở thành cường quốc vaccine; nguồn cung vaccine Covid-19 chính cho cơ chế Covax đến từ nước này.
Từ lâu, Ấn Độ là quốc gia dẫn đầu về sản xuất vaccine. Các hãng dược nước này cung cấp hơn 50% nhu cầu thế giới về các loại vaccine khác nhau. Lợi thế đầu tiên của Ấn Độ trong ngành công nghiệp vaccine là năng lực và quy mô sản xuất lớn. Các nhà sản xuất chủ lực của Ấn Độ, bao gồm SII, Bharat Biotech, Panacea Biotec, Sanofi Shantha Biotechnics, Biological E, Hester Biosciences và Zydus Cadila có thể cung ứng tổng cộng 8,2 tỷ liều vaccine khác nhau mỗi năm.
Trước đợt dịch bùng phát nghiêm trọng hồi tháng 3, Viện Huyết thanh (SII) chịu trách nhiệm phân phối vaccine Covid-19 cho các nước đang phát triển thông qua cơ chế Covax, do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hậu thuẫn. SII có trụ sở tại Pune, là nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, tính theo lượng vaccine đã bán ra trên toàn cầu. Viện cung cấp vaccine phòng bệnh bạch cầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B, sởi, quai bị và rubella, sản xuất hơn 1,5 tỷ liều vaccine hàng năm với giá cả phải chăng.
Chuyên gia ước tính khoảng 65% trẻ em trên thế giới tiêm ít nhất một loại vaccine do SII sản xuất. Vaccine từ Viện Huyết thanh được sử dụng ở khoảng 170 nước, dành cho các chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, cứu sống hàng triệu người.
Giữa năm nay, SII gặp vấn đề về nguồn cung. Sự cố cho thấy nỗ lực tiêm chủng chống Covid-19 của thế giới gặp nhiều trở ngại đến thế nào, đồng thời là lời cảnh báo về việc phụ thuộc quá mức vào một nhà sản xuất. Đến tháng 9, Ấn Độ thông báo sẽ xuất khẩu trở lại vaccine Covid-19 trong quý 4, ưu tiên cơ chế Covax và các nước láng giềng. Hiện SII sản xuất khoảng 150 triệu liều vaccine AstraZeneca mỗi tháng, nhiều hơn gấp hai lần so với mức sản lượng hồi tháng 4 là khoảng 65 triệu liều.
Nhà sản xuất lớn khác của Ấn Độ là Bharat Biotech, sở hữu vaccine Covaxin vừa được WHO phê duyệt khẩn cấp. Covaxin điều chế bằng công nghệ virus bất hoạt, đưa nCoV đã ngừng hoạt động vào cơ thể để đào tạo hệ miễn dịch tạo kháng thể chống lại mầm bệnh.
Covaxin không cần bảo quản ở điều kiện phức tạp, có thể lưu trữ ổn định với nhiệt độ 2-8 độ C trong tủ lạnh y tế thông thường. Vì vậy, nó được chấp thuận tại nhiều nước đang phát triển, thu nhập thấp để giải quyết các thách thức về mặt hậu cần.
Bộ Y tế Việt Nam ngày 10/11 phê duyệt có điều kiện vaccine Covaxin của Ấn Độ phục vụ nhu cầu cấp bách phòng, chống dịch tại Việt Nam.
Bharat Biotech dự trữ sẵn 20 triệu liều Covaxin cho Ấn Độ, đang sản xuất thêm 700 triệu liều tại 4 cơ sở ở hai thành phố vào cuối 2021, có thể cung cấp 300 triệu liều vaccine nội địa mỗi năm.
Công ty cũng sở hữu 145 bằng sáng chế và quyền sản xuất vaccine viêm gan B, vaccine rota, thương hàn, đồng thời phát triển vaccine cho các bệnh về virus như chikungunya và Zika.

Các chuyên gia kiểm tra chất lượng vaccine Covishield tại Viện Huyết thanh của Ấn Độ ở Pune, ngày 14/1. Ảnh: NY Times
Lợi thế tiếp theo của Ấn Độ là khả năng cấp dược phẩm thiết yếu với giá phải chăng. Năm 2001, hãng dược Cipla bán thuốc điều trị AIDS cho châu Phi rẻ hơn nhiều so với Mỹ. SII cũng phát triển loại vaccine viêm màng não, phân phối khắp châu lục địa này. Hơn 152 triệu người được chủng ngừa cuối năm 2013, phá vỡ chuỗi lây nhiễm viêm màng não ở 26 quốc gia.
"Ấn Độ cung cấp lượng vaccine đáng kể cho thế giới. Trước áp lực từ các nhà lãnh đạo EU trong việc đẩy mạnh sản xuất vaccine tại khu vực này, thị trường sắp tới sẽ đông đúc hơn. Đây là lúc Ấn Độ phát huy lợi thế về vaccine rẻ", Gautam Menon, giáo sư sinh học tại Đại học Ashoka, nói.
Tại Ấn Độ, thời gian bảo hộ sáng chế theo Luật sáng chế chỉ khoảng 5-7 năm. Điều này có lợi đối với ngành dược phẩm vì các công ty có thể sản xuất đại trà sản phẩm sau thời hạn bảo hộ để giảm giá, hoàn toàn khác biệt với Mỹ hay nhiều nước phương Tây (cho phép bảo hộ sáng chế hàng chục năm).
Vì vậy, các nhà khoa học địa phương có thể nghiên cứu và phân tích hợp chất có trong dược phẩm ở các nước công nghiệp. Hãng dược Ấn Độ sau đó sao chép sản xuất vaccine hoặc thuốc gốc do công ty đa quốc gia phát triển mà không vi phạm luật pháp quốc tế. Cuối cùng, họ được bán công thức với giá chỉ bằng một phần nhỏ so với giá gốc.
Tuy nhiên vào năm 2005, do các nghĩa vụ phải tuân theo Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS), Ấn Độ đã buộc phải sửa đổi luật.
Thục Linh (Theo DW, Bloomberg, CNN, NCBI)