Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Những bản di chúc 'kỳ lạ'
  • Hình đại diện của thành viên
    VietNews
    Bài viết: 27907
    Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 10 11, 2020 9:36 pm

    Những bản di chúc 'kỳ lạ'

    by VietNews » Thứ 3 Tháng 1 05, 2021 1:58 pm




    Tưởng rằng sắp chết trong cơn đau tim, Philip Langan viết vội di chúc chia tài sản cho các con lên tờ khăn ăn.

    Dưới ngòi bút của cụ ông 80 tuổi, tên 7 người con còn sống dần hiện ra trên tờ khăn ăn mỏng manh của một tiệm đồ ăn nhanh McDonald’s thuộc tỉnh Saskatchewan (Canada). Dưới những cái tên là lời dặn "Chia đều tài sản, Bố Philip Langan".

    Langan cuối cùng đánh bại được cơn đau tim hôm ấy nhưng vẫn qua đời khoảng 7 tháng sau vào tháng 12/2015. Vì cụ ông không để lại bản di chúc khác, hai con của Langan xuất trình di chúc khăn ăn ra trước tòa thừa kế.

    Nhưng Maryann Gust, một người con khác của Langan, lại tỏ ra nghi ngờ tính chân thực của bản di chúc vì tên chị bị viết sai thành "Marann". Ngoài ra, chị còn khẳng định từng nghe bố nói sẽ không để lại di chúc vì "muốn các con đấu tranh như mình từng phải làm".

    Dù vậy, dựa trên lời khai các nhân chứng khác, thẩm phán tại thành phố Yorkton, tỉnh Saskatchewan vào năm 2020 nhận định bản di chúc trên tờ khăn ăn là hợp lệ vì "Langan lên cơn đau tim nên nhiều khả năng sẽ tính tới chuyện để lại di sản thừa kế, đặc biệt là khi chưa có di chúc". Việc Langan sau đó chuyển tờ khăn ăn cho con cũng thể hiện ý nguyện của cụ ông.

    Di chúc trên giấy ăn của Langan không phải bản di chúc đầu tiên trên thế giới được cho là hợp lệ dù không có hình thức như những văn bản thông thường.

    Một ngày tháng 6/1948, Cecil George Harris bị máy kéo đè vào người trong lúc làm ruộng gần thị trấn Rosetown, tỉnh Saskatchewan. Sau 12 tiếng mắc kẹt dưới trận mưa xối xả, Harris được phát hiện và giải cứu nhưng không qua khỏi.

    Vài ngày sau, hàng xóm của Harris trong lúc rà soát hiện trường tai nạn đã nhìn thấy dòng chữ khắc trên tấm cản sau của máy kéo: "Nếu tôi chết trong đống hỗn độn này, tôi để mọi thứ lại cho vợ. Cecil George Harris". Sau khi được tháo ra và nộp lên tòa, tấm cản được kết luận là bản di chúc viết tay hợp lệ.

    Do sự việc đã trở thành án lệ trong lịch sử luật thừa kế ở tỉnh Saskatchewan, tấm cản máy kéo cùng con dao bỏ túi mà Harris dùng để khắc chữ tới nay vẫn được lưu giữ và trưng bày tại thư viện khoa luật thuộc đại học Saskatchewan.

    Hình ảnh
    Con dao và tấm cản máy kéo trong sự việc của Cecil George Harris vẫn được lưu trữ và trưng bày cho tới nay. Ảnh: Global News.

    Với những bản di chúc đặc biệt như trên, ý nguyện của người để lại di chúc sẽ là một yếu tố được tòa án cân nhắc. Ví dụ, năm 2017, tòa tối cao bang Queensland (Australia) từng giải quyết sự việc liên quan tới bản di chúc dưới dạng tin nhắn chưa được gửi đi của Mark Nichol, 54 tuổi, người tự tử vào tháng 10/2016.

    Trong điện thoại của Nichol, người ta tìm được tin nhắn chưa gửi dành cho em trai với nội dung: "Em và cháu giữ mọi thứ anh có ngôi nhà và hưu bổng, chôn tro cốt của anh ở sau vườn... Vợ anh chỉ lấy tài sản của cô ta thôi, cô ta lại quay về với bạn trai rồi. Anh nản chí lắm. Có ít tiền sau tivi và trong ngân hàng, mã pin là 3636". Cuối tin nhắn có ghi tên viết tắt, ngày sinh, ngày viết di chúc, và dòng chữ "Di chúc của tôi".

    Năm 2017, tòa tối cao bang Queensland kết luận tin nhắn nháp trên điện thoại của Nichol dù thiếu gần như mọi điều kiện về hình thức của di chúc chính thức. Tin nhắn đề cập tới hầu hết tài sản của Nichol cùng cách phân chia rõ ràng, cho thấy người viết đủ minh mẫn. Nichol không gửi tin nhắn vì không muốn bị ngăn cản.

    Đôi khi, tòa án sẽ chấp nhận cả những bản di chúc không chữ, như trường hợp của Beth Baer, người phụ nữ khiếm thị qua đời vào tháng 10/1951 tại thành phố Los Angeles (Mỹ).

    Gia đình và người thân sau đó tìm thấy di chúc do Baer soạn thảo hai tháng trước khi chết nhưng trên tờ di chúc không có dòng chữ nào. Thì ra khi soạn thảo, Baer không phát hiện ra bút hết mực vì thị lực đã gần như bằng không.

    Tuy nhiên, luật sư và chuyên gia chữ viết vẫn có thể biết được nội dung di chúc của Baer bằng cách chiếu sáng tờ giấy theo góc xiên để nhìn được vết hằn do ngòi bút để lại. Theo đó, Baer để lại cho con gái riêng gần như toàn bộ số gia sản trị giá 10.000 USD, và một USD cho chồng hai. Người chồng hai lập tức khởi kiện.

    Cuối cùng, sau khi hai bên hòa giải, bản di chúc của Baer được tòa thừa kế tại Los Angeles chấp nhận là hợp lệ và thực thi. Chồng Baer được nhận 1.500 USD, số còn lại thuộc về người con riêng.

    Quốc Đạt (Theo OZY, CBC)
    Hình ảnh
Đăng trả lời 1 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 15 khách