Đăng trả lời 3 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang
Cuộc đời nghèo khó và cay đắng của ns “Chút Kỷ Niệm Buồn”
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 60368
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Cuộc đời nghèo khó và cay đắng của ns “Chút Kỷ Niệm Buồn”

    by music123 » Thứ 6 Tháng 7 18, 2025 8:12 am

    Hình ảnh


    CUỘC ĐỜI NGHÈO KHÓ VÀ CAY ĐẮNG CỦA TÁC GIẢ “CHÚT KỶ NIỆM BUỒN”

    Hình ảnh



    Nhạc sĩ Tô Thanh Sơn là một nhạc sĩ được biết đến nhiều qua ca khúc "Chút kỷ niệm buồn". Ông là em trai của nhạc sĩ Tô Thanh Tùng.

    Tất cả chúng ta, mỗi khi nghe một bài hát thường chỉ quan tâm đến ca sĩ thể hiện nó mà ít khi nhớ đến tác giả, mặc dù tâm tư tình cảm của bài hát chủ yếu là của người tác giả. Chính họ như người mẹ, đã tạo ra bài hát từ ý tưởng đến thành hình. Hôm nay chúng tôi muốn nói về bài hát rất quen thuộc với đa số khán giả Việt - “Chút kỷ niệm buồn” do nhạc sĩ Tô Thanh Sơn sáng tác.

    Chắc hẳn ai cũng từng một lần nghe đâu đó câu hát “Chiều nào anh với em, nép bên thềm mưa hai đứa xem. Dù đôi ta mới quen, chút kỷ niệm nhưng anh khó quên.” Đây là bài hát được rất nhiều ca sĩ nổi tiếng trình diễn thanh công như Trường Vũ, Mạnh Đình, Quốc Đại và đặc biệt là Như Quỳnh trong chương trình Paris By Night 109. Nhưng có lẽ ít người biết cha đẻ của nó là nhạc sĩ Tô Thanh Sơn - người được mệnh danh là “nhạc sĩ bốn không”: không nhà, không gia đình, không tiền, không giấy tờ.



    Chút kỉ niệm buồn -Quốc Đại



    Nhạc sĩ Bolero nghèo cả đời không mua nổi cây đàn

    Là nhạc sĩ có khá nhiều bài hát nổi tiếng, thế nhưng cuộc đời nhạc sĩ Thanh Sơn lại thiếu thốn về tình cảm và khó khăn về tài chính. Ông bảo: “Nhạc từ đời mà ra, đời buồn nên nhạc không vui. Cuộc đời tôi vui ít, buồn nhiều, lắm nỗi gian nan gập ghềnh đã tạo cho trái tim tôi nỗi sầu thăm thẳm, cứ đặt bút là lại viết ra những giai điệu buồn man mác”. Cuộc đời ông quả thật buồn như vậy. Sau nhiều năm chật vật lăn lộn ở đất Sài Gòn, làm đủ mọi nghề và có một số bài hát nổi tiếng trong tay, ông luôn chăm lo hết mực cho gia đình. Thế nhưng tình cảm anh em lại không hòa thuật, hạnh phúc gia đình tan vỡ khiến ông buồn chán và trở về quê sống như một cách trốn chạy. Tại thị xã Hồng Ngự , ông sống nhờ nhà thờ dòng họ, không những vậy ông còn bị trộm thăm nhà, mất sạch giấy tờ tùy thân.



    Những năm tháng sống ở quê nhà, ông sống giản dị và đạm bạc với đồng tiền ít ỏi từ tác quyền và công việc tại Hôi Văn học nghệ thuật thị xã Hồng Ngự. Có một điều cay đắng là cả một đời sáng tác nhưng nhạc sĩ Tô Thanh Sơn thậm chí không mua nổi cây đàn, mỗi khi có người tới chơi muốn nghe đàn ông lại phải sang mượn hàng xóm. Ông ít khi than thở hay tủi thân về cuộc sống nghèo khó bởi “không sợ nghèo khó, chỉ sợ không công bằng”. Đó là vì những ca khúc của Tô Thanh Sơn bị để “nhầm” tên của người khác làm tác giả các bài hát của ông.



    Với Tô Thanh Sơn , mỗi ca khúc là niềm sáng tạo và cảm hứng không mệt mỏi. Nhạc của ông là những bản Bolero buồn với giai điệu dễ đi vào lòng người dựa trên cảm xúc thật những gì ông nhìn thấy hoặc của chính ông như: Thẹn thùng, ba năm yêu em âm thầm, thầm lặng,... Riêng với cú hích “Chút kỷ niệm buồn”, ông kể khoảng năm 1996, lần đó khi đang đi trên đường Nguyễn Tri Phương thì trời bất chợt đổ mưa, rồi mưa dai dẳng. Khi vô tình ghé mái hiên một căn nhà trú mưa, ông vô tình bắt gặp một cậu sinh viên bên cạnh đang đứng trú mưa cùng một cô gái. Mưa bên ngoài hắt vào, cô gái đứng co ro nên chàng trai nép mình che cho cô khỏi ướt. Thế là về nhà ông mãi bị ám ảnh và viết: “Chiều nao anh với em, nép bên thềm mưa hai đứa xem…”.

    Cuộc đời của tác giả bài hát là Tô Thanh Sơn không có được nhiều may mắn. Ông sinh năm 1948 và sinh sống từ nhỏ ở Đồng Tháp, viết nhạc từ năm 20 tuổi nhưng không được phổ biến. Đến năm 29 ông mới lên Sài Gòn sinh sống bằng nghề dẫn chương trình cho các tụ điểm ca nhạc, làm trưởng ban nhạc tại nhà hàng Đệ Nhất. Đó là thời gian ông sáng tác nhiều nhất, chủ yếu là để tự hát trên các sân khấu tiệc cưới, tiệc văn nghệ. Thời đó muốn phổ biến ca khúc đến công chúng thì phải mời ca sĩ hát để phát hành CD, nhưng Tô Thanh Sơn không có điều kiện về tài chính để làm việc đó. Vì vậy gần 30 năm sáng tác, ông vẫn là một nhạc sĩ nghèo viết nhạc không ai hát, không ai biết đến. Năm 1996, ông sáng tác Chút Kỷ Niệm Buồn và tự hát. Một người bạn của ông nghe thấy hay nên mang đi giới thiệu với hãng đĩa, bài hát được thu âm, từ đó cái tên Tô Thanh Sơnmới được nhiều người biết tới



    Ngoài “Chút kỷ niệm buồn”, ông còn nhiều ca khúc viết về mưa như “Giọt mưa đêm”, “Chờ em trong mưa”, “Nhớ người trong mưa”, “Một mình trong trời mưa”,… Ai đã từng mến mộ những bản bolero buồn man mác của Tô Thanh Sơn sẽ phát hiện một điều thú vị là cứ 10 bài thì có đến sáu, bảy bài có mưa. Ông lý giải: “Lúc mới sáng tác, tôi nghe đứa em đọc 2 câu thơ: “Trời mưa gió, con đường trơn đó bây giờ em đâu. Trời mưa gió, con đường trơn đó bao giờ em qua”, tôi thấy ý thơ hay nên phổ thành bài Chờ em trong mưa, về sau dường như hình ảnh cơn mưa buồn buồn nó cứ mặc nhiên thai nghén trong những sáng tác của tôi”.

    Đêm tiễn biệt



    Trong số các sáng tác của Tô Thanh Sơn có một bài hát mang tên “Đêm tiễn biệt”, nói về sự chia tay lên đường đi hai ngã của đôi bạn thân. Và như một lời báo trước, ngày 21/04/2018, gia đình của nhạc sĩ Tô Thanh Sơn cho biết ông đã đột ngột qua đời tại quê nhà Đồng Tháp do ngộ đôc thức ăn, hưởng thọ 69 tuổi. Khép lại cuộc đời nhiều thăng trầm, khó khăn của một nhạc sĩ tài hoa, nhưng chắc chắn, khán giả sẽ còn mãi nhớ tới “Chút kỷ niệm buồn” của ông như một sự tri ân.



    Sưu Tầm
    Sửa lần cuối bởi 2 vào ngày music123 với 0 lần sửa trong tổng số.
    Hình ảnh
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 60368
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Re: Cuộc đời nghèo khó và cay đắng của ns “Chút Kỷ Niệm Buồn”

    by music123 » Thứ 6 Tháng 7 18, 2025 8:16 am

    Nhạc Sĩ Tô Thanh Sơn từ trần vì ngộ độc thực phẩm

    Thanh Hiệp (ảnh do gia đình NSCC)

    22/04/2018

    -Người nhà của nhạc sĩ Tô Thanh Sơn đã báo tin, ông đã đột ngột qua đời vào lúc 15 giờ 15 phút ngày 21-4 vì ngộ độc thực phẩm. Hưởng thọ 69 tuổi.


    Hình ảnh
    .
    Nhạc sĩ Tô Thanh Sơn

    Nhạc sĩ Tô Thanh Sơn sinh năm 1949 tại Hồng Ngự, Đồng Tháp. Từ nhỏ ông đã mê âm nhạc và có năng khiếu đàn guitar, đồng thời có chất giọng trầm ấm rất trữ tình. Trong suốt thời gian đi học, ông luôn giữ vai trò đội trưởng đội văn nghệ của trường. Năm 14 tuổi, ông bộc lộ năng khiếu sáng tác nhạc, đúc kết mơ ước có một cây đàn guitar để sáng tác. Bởi khi ấy, nhà ông quá nghèo, không có tiền lo đủ các bữa ăn, lấy đâu tiền mua đàn. Ông đành lén cha mẹ sang nhà một người bạn để học đàn và chơi nhạc. "Thấy cây đàn của bạn mà thèm thuồng, cứ ước được rinh về nhà. Vài năm sau, bạn thương tôi nghèo khó nên tặng cho cây đàn guitar" - ông từng tâm sự lúc sinh thời.

    Đến năm 20 tuổi ông đã sáng tác ca khúc đầu tay mang tên "Thẹn thùng". Năm 29 tuổi, ông rời Đồng Tháp lên Sài Gòn sinh sống bằng nghề làm MC cho các tụ điểm ca nhạc và làm trưởng các ban nhạc tại cụm nhà hàng khách sạn Đệ Nhất, quận Tân Bình. Thời gian này ông vẫn sáng tác thường xuyên và đã viết hơn 30 ca khúc.

    Hình ảnh

    Nhạc sĩ Tô Thanh Sơn và Hà Phương

    "Hồi đó Tô Thanh Sơn tự viết cho mình hát, vì anh có chất giọng và có sẵn sân khấu là các tiệc cưới, tiệc văn nghệ, nên hát để có thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống còn khó khăn. Vì khi đó muốn phổ biến ca khúc của mình thì phải mời ca sĩ làm băng dĩa, mà anh thì quá nghèo nên đủ tiền ăn cơm, lấy đâu có tiền nhờ ca sĩ hát" – nhạc sĩ Hà Phương tâm sự khi nhắc về nhạc sĩ Tô Thanh Sơn.

    Gần 30 năm sáng tác, nhạc sĩ Tô Thanh Sơn vẫn mang nặng nỗi buồn của người nhạc sĩ nghèo, viết ca khúc không ai hát. Tưởng chừng ông hết hy vọng thì vào năm 1999, một người bạn nghe được ca khúc "Chút kỷ niệm buồn" thấy hay nên mang đi giới thiệu giúp, không ngờ được khán thính giả trong và ngoài nước yêu thích. Từ đó, các sáng tác khác như "Thầm lặng", "Ba năm anh yêu em âm thầm", "Giọt mưa đêm", "Vùi chôn kỷ niệm", "Một lần gặp em", "Đêm tiễn biệt", "Đi tìm dĩ vãng", "Chờ em trong mưa", "Giọt mưa đêm"... đã được công chúng biết đến rộng rãi.

    Ít ai biết nhạc sĩ Tô Thanh Sơn là em trai của nhạc sĩ Tô Thanh Tùng. Ông sống âm thầm lặng lẽ và chỉ với một ca khúc "Chút kỷ niệm buồn", ông đã vụt sáng.

    Hình ảnh

    Trong một lần gặp ông, được nghe ông kể về chất liệu sáng tác ca khúc "Chút kỷ niệm buồn", mà với khán giả trong nước, tiếng hát ca khúc: Hà My, Thạch Thảo, Thùy Trang đã được yêu thích, còn ở hải ngoại thì Như Quỳnh, Hương Thủy đã từng thu âm.

    Ông kể rằng, năm 1996, trong lúc trú mưa trên đường Nguyễn Tri Phương, ông tình cờ gặp hai sinh viên đứng trú mưa bên cạnh. Cô gái ướt và lạnh, đứng run rẩy nép mình vào chàng trai. Về nhà, ông ngẫu hứng viết về đôi tình nhân đó với 6câu chuyện tình hết sức lãng mạn:

    "Chiều nao anh với em, nép bên thềm mưa hai đứa xem…" – lời bài hát và ca từ mộc mạc nhưng giàu chất lãng mạn, khiến những ai yêu dòng nhạc trữ tình đều yêu thích sau một lần nghe.

    Vĩnh biệt ông, người nhạc sĩ luôn cho rằng cuộc sống nghèo khó chính là chất liệu sinh động nhất để ông sáng tác. Và ông đã sống trọn vẹn với tình cảm của khán giả dành cho một đời nhạc sĩ của mình.

    Tang lễ của nhạc sĩ Tô Thanh Sơn được tổ chức tại tư gia (số : 171 Điện Biên Phủ, An Thạnh, TX. Hồng Ngự, Đồng Tháp). Lễ động quan lúc 11giờ ngày 23-4, sau đó an táng tại đất nhà.
    Sửa lần cuối bởi 2 vào ngày music123 với 0 lần sửa trong tổng số.
    Hình ảnh
  • music123
    Moderator
    Bài viết: 60368
    Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 10 15, 2020 7:45 am

    Re: Cuộc đời nghèo khó và cay đắng của ns “Chút Kỷ Niệm Buồn”

    by music123 » Thứ 6 Tháng 7 18, 2025 8:22 am

    Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng - người đi nhớ thương người…

    Đinh Thu Hiền

    19/07/2017

    Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng đã ra đi nhưng những ca khúc của ông vẫn còn sống trong lòng người hâm mộ

    Dẫu biết có ngày nhạc sĩ Tô Thanh Tùng - tác giả của "Giã từ", "Sao nỡ đành quên", "Xót xa", "Tình cây và đất"… - vĩnh viễn ra đi vì không qua khỏi căn bệnh ung thư quái ác nhưng khi nghe tin ông qua đời, tôi vẫn cảm thấy lòng mình xót xa.

    "Mẹ còng lưng, con đứng thẳng nên người"

    Trong nhóm chơi thân tình, chúng tôi thường gọi Tô Thanh Tùng là Tô Lão Đại - một biệt danh nghe rất là... giang hồ kiếm khách nhưng lại rất hạp với con người của ông. Tô Thanh Tùng tuổi Giáp Thân, tướng tá to cao, "ăn sóng nói gió".

    Hình ảnh

    Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng Ảnh: TƯ LIỆU

    Người sành nhạc đều biết đến nhạc sĩ Tô Thanh Tùng qua các bản nhạc điệu boléro nổi tiếng. Ca từ mà Tô nhạc sĩ viết rất dễ hiểu, không màu mè. Sau này, ông có nhờ vài ca sĩ trẻ thu âm loạt bài hát mới, trong đó có bài "Mẹ" rất tuyệt vời. Câu kết bài khiến người nhạy cảm thót cả tim: "Mẹ còng lưng, con đứng thẳng nên người".

    Đa tài, đa tình, Tô Thanh Tùng nối các chuỗi ngày trong cuộc đời ấn tượng của mình bằng các cuộc tình. Ông "sát gái" theo đúng nghĩa của từ này và các mỹ nhân cũng tự nguyện theo ông mà không đòi hỏi bất cứ danh phận nào. Đời ông vì phụ nữ mà mất nhiều tiền bạc, chuyện đó cũng… đương nhiên thôi nhưng ông lời hơn những đấng mày râu khác ở chỗ cứ mỗi cuộc tình, ông đều có tác phẩm âm nhạc để đời.

    "Sao nỡ đành quên" cũng ghi dấu ấn bởi tình ái. Đó là năm 1965, khi Tô Thanh Tùng tạm biệt Hồng Ngự để lên Sài Gòn làm sinh viên trường luật. Kỳ nghỉ hè năm nhất, anh chàng về quê chơi, gặp cô gái chung xóm tên Tuyết. Hai bên tình ý với nhau thế nào mà Tuyết nằng nặc muốn cưới. Tô Thanh Tùng khi đó đang đi học, sao có thể ngưng ngang cưới vợ ở lứa tuổi quá trẻ vậy được, đành không dám. Không dám nhưng cũng áy náy ghê lắm! Đêm ấy về, Tô Thanh Tùng viết: "Sao anh nỡ đành quên bao lời tha thiết êm đềm…", coi như hoàn thành xuất sắc lời trách của cô hàng xóm!

    Vẻ chất phác nông dân ở Tô Thanh Tùng ai cũng thấy nhưng ẩn trong đó lại có nét hào hoa của người nghệ sĩ. Ông từng nói chuyện với tôi rằng các bài hát của ông dù có buồn, có mất mát, có ngậm ngùi thì bao giờ câu kết cũng không quá bi lụy. Ông muốn tình yêu như ly trà: qua đắng, qua chát sẽ giữ lại vị ngọt hậu đáng nhớ. Ví như "Giã từ" kết thúc là "Người về trong thương nhớ, người đi nhớ thương người" hay như "Tiễn biệt": "Chúc em phương đó có nhiều tương lai, với bao mong nhớ đong đầy trên tay".

    Tô Thanh Tùng từng là đại gia với tiệm băng đĩa lớn nhất nhì Sài Gòn nằm ngay trên đường Võ Văn Tần, quận 3 ngày nay. Sau khi chia tay bà xã, Tô Thanh Tùng lang bạt kỳ hồ nhiều nơi, cho tới khi dừng chân ở Bình Dương. Ông sau này không cưới thêm bà vợ nào nữa nhưng chưa bao giờ thiếu vắng người đẹp bên cạnh. Những người con của ông với vài người phụ nữ khác sau này, vẫn thỉnh thoảng tụ tập nhau lại trong các cuộc vui với người cha nghệ sĩ của mình.

    Khi còn khỏe, Tô Thanh Tùng đi đi lại lại giữa Bình Dương và TP HCM như con thoi. Các bóng hồng cũng dập dìu cùng ông trong các buổi trà dư tửu hậu. Những ngày nằm trong bệnh viện, Tô Thanh Tùng vẫn có cô học trò trẻ măng tới lui chăm sóc. Và khi căn bệnh đã di căn vào xương, biết ông đau lắm nhưng vẫn thấy nói cười rổn rảng, ai cũng thương vô cùng.




    Giăng Câu - Tài Linh ft. Đình Văn





    "Em hỏi anh hôm nay đi đâu?"

    Từ khi phát hiện ra trọng bệnh, Tô Thanh Tùng ít về căn nhà vườn tại Bến Cát, Bình Dương - nơi ông vẫn thường tiếp đãi bạn bè bằng tiếng đàn guitar và chất giọng hơi khàn nhưng vẫn rất phong cách. Trong căn nhà lá phía sau vườn, kế ao thả cá, những vỏ chai bia được chất như núi! Khoảng hơn 1 năm nay, Tô nhạc sĩ tá túc trong gia đình người quen tại TP HCM để tiện cho việc đi lại chữa bệnh trong Bệnh viện Bình Dân. Khi bệnh trở nặng, ông quay về quê nhà Sa Đéc, Đồng Tháp - nơi mang đậm dấu ấn của lời ca rặt Nam Bộ trong một nhạc phẩm của Tô Thanh Tùng: "Em hỏi anh hôm nay đi đâu? Anh nói rằng anh đi giăng câu" (Giăng câu).

    17 tuổi, Tô Thanh Tùng mon men đến với âm nhạc và tình yêu. Ông viết "Giã từ" khi đang ở tuổi bẻ gãy sừng trâu. Thời ấy, Tô Thanh Tùng ở Hồng Ngự. Trong những ngày lang bạt kỳ hồ, chàng trai Tô Thanh Tùng đã gặp và yêu say đắm cô ca sĩ miệt vườn tên Thu Vân. Ông viết "Giã từ" tặng Thu Vân, muốn Thu Vân thể hiện nên đã liên hệ với nhạc sĩ Lê Vinh, khi ấy đang phụ trách Phòng Văn nghệ Đài Phát thanh Sài Gòn, để đưa tác phẩm này lên sóng. Theo luật bất thành văn, các ca sĩ xuất hiện trong chương trình này đều phải là những tên tuổi thành danh trong khi Thu Vân lại chưa có tiếng tăm gì. Thế nhưng, Lê Vinh vì tình nghĩa sao đó mà nhắm mắt làm liều.

    "Giã từ" với tiếng hát Thu Vân đã trở thành hiện tượng đặc biệt vào năm 1971. Được cộng hưởng từ tình yêu với Tô Thanh Tùng, giọng ca Thu Vân da diết ám ảnh hàng triệu thính giả nghe đài. Lời ca với phong cách cổ điển boléro: "Tuổi đời chân đơn côi, gót mòn đại lộ buồn…" đã giúp tác phẩm đi cùng năm tháng. Thu Vân sau này đã vì tình yêu mà sinh tặng cho Tô Thanh Tùng một cô con gái nhưng họ không đến được với nhau.

    Vĩnh biệt Tô Lão Đại! Đi bình an anh nhé!
    Hình ảnh
Đăng trả lời 3 bài viết Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Ai đang trực tuyến?

Người dùng duyệt diễn đàn này: Không có thành viên nào đang trực tuyến và 240 khách